Bao nhiêu người đã chết trong cuộc chiến Libya?

Cập nhật: 13-11-2011 | 00:00:00
NATO hôm qua chính thức kết thúc chiến dịch không kích Libya, nhưng sẽ còn rất lâu nữa người ta mới có thể biết được bao nhiêu thường dân đã chết trong hoạt động quân sự này. Khói bốc cao tại thủ đô Tripoli sau một đợt không kích của liên quân NATO. Ảnh: AFP

Sau khi các máy bay chiến đấu của NATO không còn quần thảo trên bầu trời Libya, câu hỏi lớn nhất được đặt ra đó là đã có bao nhiêu sinh mạng người dân Libya bị cướp đi trong suốt hơn 7 tháng qua. Theo BBC, đây có thể là một câu hỏi sẽ chẳng bao giờ có được câu trả lời thỏa đáng.

Có rất ít thống kê đáng tin cậy sau 7 tháng Libya chìm trong lửa đạn từ các cuộc không kích và cuộc nội chiến đẫm máu. Ít nhất cho tới lúc này, không có ai thực sự biết các cuộc giao tranh đã gây tổn thất bao nhiêu sinh mạng. Các ước tính về số người thiệt mạng, bao gồm cả lực lượng trung thành với Moammar Gadhafi, lính chính phủ mới và dân thường Libya, hiện có sai số rất lớn khi ở giữa mức 2.000 người và 30.000 người.

Căn cứ vào sự ủy quyền của Liên Hợp Quốc trong sứ mệnh bảo vệ người dân ở Libya, liên quân NATO luôn khẳng định áp dụng mọi biện pháp phòng ngừa để tránh gây tổn thất về người ngoài ý muốn. NATO cho hay luôn áp dụng việc giám sát 24/24 từ trên không, nhằm đảm bảo rằng thường dân Libya sẽ không bị trúng đạn lạc.

Trong rất nhiều trường hợp, các đợt không kích theo dự kiến đã bị hoãn lại vào phút chót vì những lo ngại rằng người dân có thể đang ẩn náu giữa những mục tiêu quân sự. Để tránh làm hỏng sứ mệnh bảo vệ người dân Libya, liên quân NATO chủ yếu dựa vào các vũ khí chính xác, gồm các quả bom và tên lửa được dẫn đường bằng tia laser hoặc các hệ thống định vị toàn cầu (GPS).

Sir Stephen Dalton, nguyên soái không quân hoàng gia Anh, tuần trước nói với các nghị sĩ nước này rằng những vũ khí được sử dụng tại Libya đã cho thấy khả năng hoạt động tốt hơn rất nhiều mức dự đoán. Để minh họa cho điều này, ông Dalton cho hay hơn 98% số tên lửa Brimstone được các máy bay của không quân Anh bắn đi đã lao trúng mục tiêu. Số ít ỏi còn lại cũng chỉ bị chệch không đáng kể.

Một máy bay Rafale vừa cất cánh từ tàu sân bay. Đây là loại máy bay chiến đấu của không quân Pháp được sử dụng trong chiến dịch Libya. Ảnh: Dassault Aviation

Tuy nhiên, liên quân NATO không chỉ sử dụng các vũ khí chính xác. Các trực thăng tấn công Apache của quân đội Anh được sử dụng ở giai đoạn cuối của chiến dịch đã bắn đi khoảng 4.000 loạt đạn từ súng các khẩu pháo 30 mm. Đây là một loại vũ khí được thiết kế để tạo ra một hỏa lực mạnh. Khi được sử dụng tại Afghanistan, pháo 30 mm đã gây nên nhiều thương vong cho thường dân. Tuy nhiên, một lần nữa, không có bằng chứng chắc chắn nào cho thấy các máy bay Apache tham chiến tại Libya đã gây nên cái chết của các thường dân nước này.

Sau 7 tháng không kích Libya, NATO chỉ thừa nhận một vụ bắn nhầm duy nhất. Vào ngày 19/6, một số thường dân Libya được xác nhận thiệt mạng khi một quả tên lửa lao trúng vào các tòa nhà ở thủ đô Tripoli. Một phát ngôn viên của NATO sau đó cho rằng một sự cố đã xảy ra với hệ thống vũ khí và khiến quả tên lửa không trúng mục tiêu đã định.

NATO luôn bác bỏ các thông tin từ chế độ Gadhafi cho rằng người dân Libya là nạn nhân trong các cuộc không kích. Một cuộc oanh tạc vào nơi mà NATO coi là trung tâm kiểm soát và chỉ huy ở Surman, một thành phố ven biển phía tây của Libya, hôm 20/6 khiến một người mẹ và hai con của bà thiệt mạng.

Chế độ Gadhafi đã dựa vào những sự kiện này để phát động làn sóng phản đối các cuộc không kích của NATO, với tuyên bố hàng trăm người dân đã thiệt mạng. Việc này được tận dụng làm một phần của các chiến dịch tuyên truyền nhằm ngăn chặn các đợt ném bom của NATO.

Giữa tháng 7, văn phòng y tế Libya cho hay các cuộc oanh kích của NATO đã khiến 1.108 thường dân thiệt mạng và 4.500 người bị thương. Một lần nữa, không ai có thể kiểm chứng thông tin này.

Mặc dù vậy, không ai kể cả NATO có thể xác nhận rằng các đợt oanh kích của khối quân sự này không gây ra bất cứ cái chết nào cho thường dân Libya.

Hầu hết các cuộc giao tranh diễn ra tại các khu vực dân cư, trong khi một chiến thuật phổ biến của các tay súng trung thành với Gadhafi là ẩn náu trong những khu thường dân sinh sống. Con số 9.658 đợt không kích cho thấy việc tránh thương vong cho thường dân là rất khó.

Nhiều năm sau khi NATO thực hiện chiến dịch oanh kích Kosovo (Nam Tư cũ), vẫn chưa có một con số thống kê chính xác về số thường dân thiệt mạng trong mưa bom bão đạn. Con số ước tính được cho là từ 200 tới 500 người.

Những thống kê tại Libya sau chiến dịch của NATO cũng ở tình trạng tương tự. NATO cho hay khối quân sự này không có đơn vị mặt đất nào tại Libya để có thể đánh giá chính xác tác động của những đợt oanh kích đối với người dân nước này.

Công việc thống kê được giao lại cho những tổ chức như Ân xá Quốc tế hay Theo dõi Nhân quyền. Họ sẽ phải tìm cách tính được số người thiệt mạng tại Libya do các đợt không kích của NATO cũng như cuộc nội chiến đẫm máu, trong đó quan trọng nhất là số thường dân bị chết.

Tuy nhiên, sẽ phải mất nhiều năm để thiết lập một bức tranh toàn cảnh về những gì đã thực sự xảy ra. Và thậm chí ngay cả khi các con số thống kê được công bố, chúng sẽ nhanh chóng trở thành đề tài của những cuộc tranh cãi.

Theo VNE

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=463
Quay lên trên