Bão số 3 đổ bộ, gây nhiều thiệt hại tại Quảng Ninh, Hải Phòng

Cập nhật: 07-09-2024 | 09:14:32

16 giờ ngày 7/9, bão số 3 (bão Yagi) đi sâu vào đất liền Quảng Ninh, Hải Phòng, sức gió vùng gần tâm bão mạnh cấp 12-13. Mưa to, gió rất mạnh khiến nhiều nhà bị tốc mái, biển quảng cáo, cây cối bị quật ngã, nhiều khu vực mất điện trên diện rộng...

Thành phố Cẩm Phả (Quảng Ninh) bị thiệt hại do bão số 3.

15 giờ ngày 7/9, tâm bão số 3 (Yagi) đi vào đất liền Quảng Ninh, Hải Phòng. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 12-13 (118-149km/h). Trong 3 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, tốc độ khoảng 15-20km/giờ.

Bão số 3 đã gây nhiều thiệt hại tại Quảng Ninh, Hải Phòng và một số tỉnh, thành phố.

Khu vực đồn biên phòng Trà Lý, huyện Thái Thụy (Thái Bình) mưa to kèm gió giật cấp 11, 12

Khu vực đồn biên phòng Trà Lý, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình mưa rất to kèm gió giật cấp 11, 12. Ngay lúc này, tranh thủ ngớt mưa gió, lực lượng phòng, chống lụt bão địa phương tiến hành thu dọn cây ngã đổ trên địa bàn.

Bão số 3 gây nhiều thiệt hại tại Hải Phòng

Mưa từng cơn cùng những cơn gió quất mạnh, tạo nên những tiếng gầm rú như máy bay phản lực. Nhiều cây cối đã ngã đổ, nhiều hàng quán tạm, mái tôn, biển quảng cáo bị bung, tốc mái, đổ vỡ. Hiện Hải Phòng đang mất điện trên diện rộng.

Ảnh mái tôn, bạt che, biển quảng cáo bay trong gió bão.

Chính quyền thành phố Hải Phòng thông báo trên các phương tiện truyền thông, mạng xã hội... yêu cầu người dân không có việc cần thiết, không nên ra đường trước 20 giờ tối 7/9.

Hà Nội tạm dừng hoạt động xe buýt để tránh bão số 3

Từ 13 giờ 30 phút ngày 7/9, hoạt động vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt trợ giá trên địa bàn Thủ đô tạm dừng nhằm bảo đảm an toàn cho người và phương tiện, tránh thiệt hại cho ảnh hưởng của cơn bão số 3 (bão Yagi).

Lãnh đạo Trung tâm Quản lý và điều hành giao thông thành phố Hà Nội cho biết, trước ảnh hưởng của cơn bão số 3 trên địa bàn Thủ đô, từ sáng 7/9, trung tâm đã phối hợp với các đơn vị vận hành xe buýt của thành phố thực hiện điều chỉnh tạm thời dịch vụ xe buýt các tuyến trợ giá với biểu đồ giảm dần tùy vào mức độ mưa bão.

Đến 13 giờ 30 phút cùng ngày thì dịch vụ này dừng hẳn; các lượt xe đang chạy dở về đến đầu bến sẽ dừng cho đến khi có thông báo mới.

Đông Triều: Gió to, đổ nhiều cây, nhiều nhà tốc mái

Tại một số xã, phường trên địa bàn thị xã Đông Triều (Quảng Ninh), gió mạnh đã làm đổ biển quảng cáo, mái tôn và bật gốc cây xanh.

 

Một số địa phương trên địa bàn bị mất điện. Một số địa phương bị bay mái nhà, cửa cuốn; đổ, rách các biển quảng cáo; chợ đô thị Kim Sơn một số gian hàng mái tôn đã bị đổ; phường Mạo Khê toàn bộ cây sao đen phải xử lý cho nằm xuống, mái tôn nhà thể thao khu Vĩnh Quang bị tốc mái; Yên Thọ có hộ bị tốc cửa cuốn, 1 hộ bị tốc mái nhà trọ (không có người ở) và 2 trường học bị tốc mái tôn nhà để xe và một số cây xanh bị gãy, đổ.

 

Phường Đông Triều 2 nhà tốc mái, gãy đổ cây xanh, hệ thống bảng tuyên truyền bị đổ gập; phường Hồng Phong 1 biển chỉ giới bị đổ ở đường 332; 1 biển quảng cáo bị đổ đường liên khu; một số cây bị đổ trên tuyến đường liên khu và đường 18A; phường Nguyễn Huệ báo cáo tốc mái nhà kho Nhà văn hóa thôn 2...

Yên Bái có 108 nhà ở bị thiệt hại do bão số 3

Do ảnh hưởng của bão số 3, từ đêm 6 đến sáng 7/9, toàn tỉnh Yên Bái đã có 108 nhà ở bị thiệt hại, trong đó có 20 nhà tại huyện Trấn Yên phải di dời khẩn cấp bảo đảm an toàn; nhiều nhà dân tại huyện Văn Yên, Văn Chấn và Trấn Yên, Lục Yên bị tốc mái.

Công an huyện Lục Yên (Yên Bái) tham gia sửa chữa nhà cho dân do bị bão số 3 thổi tốc mái.

Có hơn 77 ha cây trồng bị gẫy đổ; 105 con gia cầm bị chết; nhiều cây xanh, pa-nô biển báo bị gẫy đổ. Gió bão còn làm gẫy đổ 3 cột điện hạ thế.

Hiện tại, trên địa bàn tỉnh trời vẫn mưa nhỏ, nhà máy thủy điện Thác Bà tiếp tục xả 2 cửa mặt để bảo đảm an toàn hồ đập ở mức nước 57 mét.

Thành phố Cẩm Phả tan hoang trong bão số 3

Chiều 7/9, Thành phố Cẩm Phả ngổn ngang sau bão

Thành phố Hải Dương gió giật mạnh

Chiều 7/9, tại thành phố Hải Dương (tỉnh Hải Dương) có gió giật mạnh. Nhiều cây xanh trên địa bàn thành phố đã gãy đổ. Mưa to, gió mạnh từ ảnh hưởng bão số 3 cũng giật đổ nhiều biển quảng cáo, cuốn theo mái tôn nhiều nhà dân.

Nhiều cây xanh trên phố Quyết Thắng, phường Bình Hàn, thành phố Hải Dương bị gió bão đốn gục.

Thành phố Nam Định: Nhiều cây xanh bật gốc do gió lớn

Chiều 7/9, mưa kèm theo gió khá lớn diện rộng trên địa bàn thành phố Nam Định (tỉnh Nam Định). Theo ghi nhận của phóng viên, nhiều cây xanh trên các tuyến phố gãy, đổ, gây cản trở giao thông.


Nhiều cây xanh bật gốc, gãy đổ trên đường phố Nam Định.

Đáng chú ý, trên địa bàn thành phố Nam Định có nhiều tuyến phố cây bóng mát được trồng gần sát nhà dân, sát đường dây điện, cáp viễn thông, khi cây đổ kéo theo các đường dây này. Đến 14 giờ 30 phút ngày 7/9, nhiều cây đổ gãy chưa được xử lý.

Cán bộ, chiến sĩ Công an phường Lộc Hòa, thành phố Nam Định (tỉnh Nam Định), không quản ngại gió bão, tuần tra nắm tình hình, trực tiếp thu dọn cây gãy đổ trên đường Trương Hán Siêu thuộc địa bàn phường.

Được khuyến cáo từ trước, người dân thành phố Nam Định đóng cửa ở trong nhà, không ra ngoài đường khi không có việc thật sự cần thiết.

Cẩm Phả: Lại xuất hiện lốc nhỏ và vừa

14 giờ, tại thành phố Cẩm Phả gió đã giảm bớt, tuy nhiên hiện tượng lốc nhỏ và vừa lại xuất hiện. Rất nhiều cột giao thông, cột điện, cây cối và các hạng mục khác đã bị bão quét đổ.

Tin bão khẩn cấp (Cơn bão số 3 - Bản tin lúc 14 giờ của Trung tâm Khí tượng thủy văn)

Hiện trạng bão: Do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 3 tại đảo Bạch Long Vĩ có gió mạnh cấp 13, giật cấp 14; Đảo Cô Tô có gió mạnh cấp 13, giật cấp 16; Tiên Yên (Quảng Ninh) gió mạnh cấp 9, giật cấp 11; Đầm Hà (Quảng Ninh) gió mạnh cấp 10, giật cấp 13; Cửa Ông (Quảng Ninh) gió mạnh cấp 12, giật cấp 14; Bãi Cháy (Quảng Ninh) gió mạnh cấp 14, giật cấp 17, Phù Liễn (Hải Phòng) gió mạnh cấp 8, giật cấp 10; Cát Hải (Hải Phòng) gió mạnh cấp 7, giật cấp 10; Đông Xuyên (Hải Phòng) gió mạnh cấp 9, giật cấp 10; Ba Lạt (Thái Bình) gió mạnh cấp 8, giật cấp 10,…

Ở khu vực phía Đông Bắc Bộ đã có mưa to, cục bộ có nơi mưa rất to như: Cửa Ông (Quảng Ninh) 113mm, Cẩm Phả (Quảng Ninh) 110mm, Cát Bà (Hải Phòng) 86mm,…

Hồi 13 giờ ngày 7/9, vị trí tâm bão số 3 ở vào khoảng 20,8 độ Vĩ Bắc; 107,1 độ Kinh Đông, trên vùng ven biển Quảng Ninh-Hải Phòng. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 12-13 (118-149km/h), giật cấp 16, di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, tốc độ 15-20km/h.

Hà Nội tạm dừng hoạt động 2 tuyến đường sắt đô thị để tránh bão số 3

Công ty TNHH Một thành viên Đường sắt Hà Nội (Hanoi Metro) thông báo tạm dừng vận hành 2 tuyến đường sắt đô thị Cát Linh – Hà Đông và đoạn trên cao Nhổn – ga Hà Nội để tránh bão số 3 (bão Yagi).

Theo đó, thời gian tạm dừng hoạt động 2 tuyến đường sắt đô thị của Hà Nội bắt đầu từ lúc 13h ngày 7-9. Thời gian hoạt động trở lại sẽ được thông báo dựa trên tình hình thực tế sau khi bão tan.

Đại diện Hanoi Metro cho biết, đối với vấn đề vận hành 2 tuyến đường sắt đô thị trong điều kiện mưa bão, đơn vị đã có quy trình vận hành và kịch bản ứng phó với các tình huống không bình thường.

Theo đó, ngập lụt, mưa bão cũng nằm trong các tình huống không bình thường và dựa vào tình hình thực tế thì Ban Chỉ đạo phòng chống lụt bão của Hanoi Metro sẽ kích hoạt phương án ứng phó đối với mỗi tình huống.

Trong điều kiện mưa bão, các đoàn tàu của 2 tuyến metro sẽ chuyển từ chế độ lái tự động sang lái thủ công để điều chỉnh cho phù hợp. Tàu Cát Linh - Hà Đông sẽ phải ngừng chạy nếu gió vượt quá cấp 8; trong khi ngưỡng chịu gió của tàu Nhổn - Cầu Giấy là cấp 11.

Tại trung tâm điều độ (OCC), kíp trực sẽ căn cứ các bản tin của cơ quan khí tượng để đánh giá và ra quyết định tạm dừng chạy tàu. Nhà ga sẽ phát thông báo đến hành khách trong trường hợp lịch chạy tàu thay đổi.

Thiệt hại do bão số 3 gây ra tính đến 13 giờ ngày 7/9

Theo thống kê của Cục Đê điều và Phòng chống thiên tai, thiệt hại sơ bộ do bão số 3 gây ra tính đến 13 giờ ngày 7/9, tại Quảng Ninh, Hải Phòng, bão số 3 đã làm 5 tàu xi-măng, 1 tàu gỗ loại nhỏ bị chìm tại nơi neo đậu (Quảng Ninh); 146 cây xanh bị đổ (Quảng Ninh 100 cây; Hải Phòng 46 cây); 2 cột điện hạ thế, 1 trạm biến thế bị hư hỏng (Hải Phòng); các huyện Cẩm Phả, Vân Đồn (Quảng Ninh) mất điện diện rộng. Các tỉnh Thái Bình, Nam Định chưa ghi nhận thiệt hại.

Hoàn lưu bão số 3 làm cây xanh gãy đổ tại phố Hàng Trống, Hà Nội

Ảnh hưởng bão số 3 khiến cây xanh lâu năm gãy đổ tại phố Hàng Trống, Hà Nội.

 

Sóng biển cao, gió giật mạnh tại Hạ Long

 

Hiện bão số 3 đang tiến gần vào khu vực Quảng Ninh. Tại thành phố Hạ Long, sóng biển đánh rất cao, gió giật mạnh.

13 giờ ngày 7/9: Bão số 3 trên vùng ven biển Quảng Ninh-Hải Phòng, sức gió mạnh nhất cấp 12-13, giật cấp 16

Vị trí tâm bão: Khoảng 20.8 độ vĩ bắc; 107.1 độ kinh đông, trên vùng ven bờ biển Quảng Ninh-Hải Phòng.

Sức gió mạnh nhất: Cấp 12-13 (118-149km/giờ), giật cấp 16.

Dự báo: Trong 3 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, tốc độ khoảng 15-20km/giờ.

Siêu bão Yagi khiến 94 người thương vong ở đảo Hải Nam, Trung Quốc

Sáng 9/7, Tân Hoa xã dẫn thông tin từ chính quyền tỉnh Hải Nam (Trung Quốc) cho biết, siêu bão Yagi đổ bộ vào tỉnh đảo này chiều qua kèm theo mưa lớn và gió giật mạnh đã khiến ít nhất 2 người thiệt mạng và 92 người bị thương.

Hiện sức gió và lượng mưa đã giảm bớt. Do đó, Hải Nam đã hạ cảnh báo bão và bắt đầu các hoạt động khắc phục hậu quả thiên tai trên toàn tỉnh.

Gió giật mạnh tại thành phố Hải Khẩu, thủ phủ tỉnh Hải Nam trước khi siêu bão Yagi đổ bộ vào ngày 6/9.

Siêu bão Yagi, cơn bão mạnh nhất châu Á trong năm nay, đã đổ bộ vào Trung Quốc từ chiều qua, lần lượt vào Hải Nam và sau đó là tỉnh Quảng Đông. Khi đổ bộ vào Hải Nam, Yagi duy trì sức gió tối đa lên tới 234 km/giờ gần tâm bão.

Vào lúc rạng sáng nay, siêu bão Yagi đã chuyển hướng về phía bắc Việt Nam qua Vịnh Bắc Bộ. Theo các cơ quan khí tượng Trung Quốc, tốc độ gió tối đa của siêu bão vốn đã giảm nhẹ hồi đầu giờ sáng nay hiện đã tăng tốc trở lại, đạt vận tốc lên tới 216 km/giờ.

Hải Phòng ghi nhận thiệt hại ban đầu do bão số 3

Đến trưa 7/9, do ảnh hưởng của bão số 3, tại thành phố Hải Phòng đã có gió lớn, bắt đầu mưa và cũng ghi nhận những thiệt hại ban đầu nhưng không lớn do bão số 3.

Theo thông tin từ huyện đảo Bạch Long Vĩ, bão số 3 vẫn đang quần thảo trên đảo Bạch Long Vĩ (Hải Phòng) với sức gió khá mạnh. Bước đầu đã ghi nhận một số cây cối trên đảo bị đổ gãy, một số công trình bị tốc mái tôn mặc dù đã được chằng buộc kỹ.

Công tác sơ tán người dân phòng tránh bão số 3 tại các khu nhà nguy hiểm, các chung cư cũ, các khu vực trũng thấp đã được các địa phương tập trung cao trước khi bão đổ bộ.

 

Trong 1-3 giờ tới, tâm bão sẽ vào đất liền Quảng Ninh, Hải Phòng với cường độ cấp 10-12

 

Ông Nguyễn Văn Hưởng, Trưởng phòng Dự báo Khí hậu, Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn quốc gia cho biết cho biết, đến 12 giờ trưa 7/9, bão số 3 đã tiệm cận sát bờ biển các tỉnh Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình. Do ảnh hưởng hoàn lưu của bão số 3, hiện tại Bạch Long Vĩ có gió mạnh cấp 13, giật cấp 14; đảo Cô Tô có gió mạnh cấp 13, giật cấp 16; Tiên Yên (Quảng Ninh) có gió mạnh cấp 9 giật cấp 11; Đầm Hà (Quảng Ninh) có gió mạnh cấp 8 giật cấp 12; Cửa Ông (Quảng Ninh) có gió mạnh cấp 12 giật cấp 14; Đông Xuyên (Hải Phòng) có gió mạnh cấp 7, giật cấp 8; Cửa Ba Lạc (Thái Bình) có gió cấp 8 giật cấp 10.

Do tác động của hoàn lưu bão số 3 nên khu vực phía Đông Bắc Bộ có mưa vừa, mưa to. Tại Cửa Ông lượng mưa đo được 113mm, Cẩm Phả (Quảng Ninh) có mưa 110 mm, Cát Bà (Hải Phòng) có mưa 86mm.

Dự báo trong khoảng 1 đến 3 giờ tới, tâm bão sẽ di chuyển vào khu vực Quảng Ninh và Hải Phòng với cường độ cấp 10, cấp 12. Sau đó, bão sẽ di chuyển sâu vào trong đất liền. Với hoàn lưu của tác động bão, từ nay đến chiều, khu vực Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định sẽ có gió mạnh cấp 9, cấp 12.

Trong đó, khu vực Quảng Ninh, Hải Phòng là vùng có gió mạnh cấp 11, cấp 12 giật cấp 14, cấp 15. Khu vực Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hóa có gió mạnh cấp 9 cấp 10 và giật cấp 11, cấp 13. Sau đó những tỉnh như Lạng Sơn, Bắc Ninh, Bắc Giang , Hải Dương, Hưng Yên có gió mạnh cấp 7, cấp 8.

Với Thủ đô Hà Nội, tác động của bão sẽ chậm hơn so với khu vực ven biển. Khoảng từ 15 đến 16 giờ trở đi sẽ bắt đầu có gió mạnh cấp 6, cấp 7, có khả năng giật cấp 9, cấp 10.

Về tình hình mưa, thời điểm từ nay trở đi sẽ là thời điểm mưa lớn nhất ở khu vực phía Đông Bắc Bộ và sẽ dồn dập đến hết tối và đêm ngày 7/9. Từ chiều và đêm nay mưa sẽ mở rộng ra khu vực phía Tây Bắc Bộ. Đợt mưa này sẽ kéo dài từ nay đến ngày 9/9, tổng lượng mưa sẽ duy trì trong khoảng từ 150mm đến 350mm, có nơi trên 500mm.

Hà Nội bắt đầu có mưa nặng hạt

Từ khoảng 11 giờ 30, mưa bắt đầu nặng hạt tại khu vực Hà Nội. Đường phố vắng người qua lại. Tại các điểm thường xảy ra úng, ngập, công nhân công ty thoát nước Hà Nội đã tập trung lực lượng ứng trực từ sáng sớm.

Một số hình ảnh ghi nhận tại khu vực địa bàn quận Hoàn Kiếm:

Đường phố Hà Nội thưa thớt người qua lại.

Lực lượng thoát nước ứng trực từ sớm.

Tin nhanh về bão số 3 (lúc 11 giờ ngày 7/9)

Vị trí tâm bão: Khoảng 20.6 độ vĩ bắc; 107.5 độ kinh đông, trên vùng biển Quảng Ninh-Hải Phòng.

Sức gió mạnh nhất: Cấp 13 (134-149km/giờ), giật cấp 16.

Dự báo: Trong 3 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, tốc độ khoảng 15-20km/giờ.

Gió lốc tại Cẩm Phả, Quảng Ninh

Vào thời điểm 11 giờ 10 phút tại Cẩm Phả, Quảng Ninh đã xuất hiện gió lốc. Rất nhiều mái tôn bị thổi bay. Cây cối, cột điện ngã đổ. Hiện, không thể ra ngoài đường vào thời điểm này.

Cây đổ la liệt trên đường phố ở Hạ Long

Tại Thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh, gió lớn và mạnh đã khiến cây xanh đổ gãy rất nhiều. Hiện tại, trên nhiều đường phố, cây xanh đổ la liệt.

Cảng tàu khách quốc tế Hạ Long tạm đóng cửa, tàu bè đã được di trú tới nơi an toàn

Ông Phạm Văn Hiệp, Giám đốc Cảng tàu khách quốc tế Hạ Long cho biết: “Sáng sớm 7/9, mưa và gió lớn đổ bộ về khu vực cảng tàu, tuy nhiên, các công trình đã được gia cố và triển khai công tác phòng, chống thiên tai từ sớm, nên hiện chưa ghi nhận thiệt hại gì”.

Kiểm tra, gia cố các thiết bị, tài sản có nguy cơ bị ảnh hưởng bởi gió bão.

Tại bến tàu biển và bến nội địa, đơn vị đã rà soát và chằng buộc chắc chắn các công trình cũng như phối hợp với các cơ quan chức năng thông báo và điều phối để di chuyển các tàu du lịch về nơi neo đậu an toàn.

Đặc biệt, tại bến nội địa, các tấm gỗ ở khớp nối 2 ponton được lật lên, tháo xích lan can (để tránh sự rung lắc khi gió giật), chằng buộc phao cứu sinh… Hệ thống ponton nổi cố định vào trụ định vị. Khu vực này đã được cắt điện, nước để bảo đảm an toàn.

Tại khu vực nhà ga Cảng tàu khách quốc tế Hạ Long, đơn vị đã đóng kín các cửa sổ và cửa kính lớn, chèn khe cửa và gia cố thêm đinh, vít chắc chắn tại các khu vực cửa xung yếu.

Bộ Tổng tham mưu Quân đội gửi công lệnh hỏa tốc chỉ đạo tập trung ứng phó bão và mưa lũ sau bão

Bộ Tổng tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam vừa gửi công điện tới các tổng cục, quân đoàn, binh đoàn, học viện, đơn vị… về việc tập trung ứng phó với bão số 3 và mưa lũ sau bão.

Công điện nêu rõ, theo tin của Trung tâm dự báo Khí tượng thủy văn quốc gia, ngày 7/9, bão số 3 sẽ ảnh hưởng đến các tỉnh Bắc Bộ gây gió mạnh, (mưa lớn, lượng mưa phổ biển 100-350mm, cục bộ có nơi trên 500 mm), nguy cơ cao xảy ra ngập lụt tại các đô thị, vùng thấp trũng, sạt lở đất, lũ quét ở trung du và miền núi.

Thực hiện Công điện số 88/CĐ-TTg ngày 6/9/2004 của Thủ tướng Chính phủ về việc tập trung ứng phó với bão số 3 và mưa lũ sau bão. Bộ Tổng Tham mưu yêu cầu các cơ quan, đơn vị triển khai thực hiện một số nội dung sau:

Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Cửa khẩu cảng Vạn Gia (Móng Cái, Quảng Ninh) giúp nhân dân chằng chống, gia cố nhà cửa trước khi bão đổ bộ.

Duy trì nghiêm chế độ ứng trực, chủ động theo dõi nắm chắc tình hình diễn biến của bão và mưa lớn, kiểm tra, bổ sung, điều chỉnh các phương án, kế hoạch; triển khai các biện pháp phòng, chống, bảo đảm an toàn doanh trại, kho tàng, các công trình đang thi công.

Chuẩn bị lực lượng, phương tiện sẵn sàng ứng phó kịp thời, hiệu quả khi có tình huống xảy ra do bão số 3 và hoàn lưu sau bão gây ra. Bảo đảm tuyệt đối an toàn về người và phương tiện khi thực hiện nhiệm vụ

Bộ Tư lệnh các Quân khu 1, 2, 3, 4 chỉ đạo Bộ Chỉ huy quân sự các tỉnh, thành phố; Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội chỉ đạo Ban Chỉ huy quân sự các quận, huyện, thị xã chủ động, tham mưu với chính quyền địa phương, kiểm tra, rà soát các khu vực trọng điểm có nguy cơ xảy ra lũ ống, lũ quét, sạt lở đất, sạt lở bờ sông, bờ suối, khu vực thấp trũng, hỗ trợ nhân dân di dời ra khỏi khu vực nguy hiểm.

Chỉ đạo các đơn vị thuộc quyền, phối hợp với các đơn vị đứng chân trên địa bàn sẵn sàng lực lượng phương tiện giúp chính quyền và nhân dân địa phương ứng phó, khắc phục hậu quả và tìm kiếm cứu nạn; các quân khu, đơn vị khác sẵn sàng lực lượng phương tiện chi viện khi có lệnh.

Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng chỉ đạo Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng các tỉnh, thành phố ven biển từ Quảng Ninh đến Ninh Bình, theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão, phối hợp với chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng quản lý chặt chẽ các phương tiện, tổ chức kiểm đếm, thông báo kịp thời cho chủ các phương tiện, thuyền trưởng các tàu, thuyền đang hoạt động trên biển biết vị trí, hướng di chuyển và diễn biển của bão để di chuyển, tránh, trú hoặc không đi vào khu vực nguy hiểm. Hướng dẫn sắp xếp neo đậu tàu, thuyền tại nơi tránh trú an toàn.

Bộ Tư lệnh Quân chủng Hải quân, Cảnh sát biển, chỉ đạo các cơ quan, đơn vị thuộc quyền, triển khai các biện pháp bảo đảm an toàn sẵn sàng lực lượng hay phương tiện tìm kiếm, cứu nạn khi có tình huống xảy ra trên biển, đảo.

Bộ Tư lệnh Quân chủng Phòng không – Không quân, Binh đoàn 18 chuẩn bị lực lượng, phương tiện sẵn sàng cơ động thực hiện nhiệm vụ khi có lệnh.

Bộ Tư lệnh Quân đoàn 12, các binh chủng và các binh đoàn 11, 12 sẵn sàng lực lượng phương tiện tham gia ứng phó và tham gia cứu hộ, cứu nạn khi có yêu cầu.

Các Tổng cục Hậu cần, Kỹ thuật, Công nghiệp Quốc phòng, Tổng cục II theo chức năng, nhiệm vụ tăng cường chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra các đơn vị thuộc quyền làm tốt công tác ứng phó với bão số 3 và hoàn lưu do bão gây ra, khắc phục hậu quả sạt lở đất, đá, mưa lũ, bảo đảm an toàn kho xưởng, nhà máy, vũ khí trang bị, chuẩn bị tốt công tác bảo đảm về hậu cần, kỹ thuật phục vụ công tác ứng phó thiên tai; chủ động phối hợp, xuất cấp và vận chuyển kịp thời vật tư, trang bị cứu hộ, cứu nạn giúp đỡ các địa phương ứng phó, khắc phục hậu quả khi có tình huống xảy ra.

Gió đang rất lớn tại Cẩm Phú, Cẩm Phả, Quảng Ninh

Tại Cẩm Phú, Cẩm Phả gió đang rất lớn. Mọi phương tiện đều không thể di chuyển được trên đường.

10 giờ sáng 7/9: Bão số 3 giảm xuống 1 cấp, sức gió mạnh nhất cấp 13, giật cấp 16

Vị trí tâm bão: Khoảng 20.6 độ Vĩ Bắc; 107.6 độ Kinh Đông, trên vùng biển Quảng Ninh-Hải Phòng.

Sức gió mạnh nhất: Cấp 13 (134-149km/giờ), giật cấp 16.

Dự báo: Trong 3 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, tốc độ khoảng 20km/giờ.

 

Những thiệt hại ban đầu tại Cẩm Phả do ảnh hưởng của bão số 3

 

Những hình ảnh tan hoang tại Cẩm Phả do ảnh hưởng của bão số 3.

 

Hà Nội: Dùng xe container chặn cửa, ngăn gió bão số 3

 

Trước lo ngại sức gió cực mạnh do bão số 3 Yagi gây mưa to khiến hầm để xe bị ngập, nhiều chung cư Hà Nội cấp tập bê bao cát, sử dụng bàn ghế để ngăn, có nơi dùng xe container chặn cửa ngăn gió.

Hải Hà, Quảng Ninh: Nhiều nhà bị tốc mái tôn

Lúc 10 giờ sáng nay, ghi nhận tại huyện Hải Hà, tỉnh Quảng Ninh, một số nhà bị tốc mái tôn; nhiều cây xanh trên địa bàn huyện bị đổ gãy. Lực lượng chức năng di dời các hộ dân bị ảnh hưởng đến nơi an toàn.

Nhiều nhà bị tốc mái tôn.

Lực lượng chức năng di dời các hộ dân bị ảnh hưởng đến nơi an toàn.

Bão số 3 đổ bộ vào đảo Bạch Long Vĩ

Sáng 7/9, bão số 3 đang đổ bộ vào đảo Bạch Long Vĩ với sức gió khoảng cấp 13, cấp 14, giật cấp 15, cấp 16.

Cây đổ ngổn ngang trên đường phố Cẩm Phả

Quốc lộ 8 Cẩm Phả hiện đang có gió và mưa rất lớn. Nhiều miếng tôn bay khắp các con đường. Tình trạng ngập úng cũng xuất hiện. Ngay cả ô-tô cũng rất khó di chuyển trong điều kiện hiện tại.

Bắc Bộ và Thanh Hóa mưa lớn, cảnh báo ngập lụt diện rộng

Do ảnh hưởng của bão số 3, hôm nay (7/9), ở khu vực Bắc Bộ và Thanh Hóa có mưa to đến rất to. Cảnh báo, mưa lớn có khả năng gây ra tình trạng ngập úng tại các vùng trũng, thấp; lũ quét trên các sông, suối nhỏ, sạt lở đất trên sườn dốc.

Mưa to, gió lớn và sóng biển dâng cao tại đảo Cái Chiên, Quảng Ninh

Mưa to, gió lớn và sóng biển dâng cao tại đảo Cái Chiên, huyện Hải Hà, tỉnh Quảng Ninh.

Trong khi đó, tại xã Đồng Văn, huyện miền núi Bình Liêu (Quảng Ninh) cũng đã có mưa to và gió mạnh trong sáng 7/9.

Sức gió mạnh, nhiều cây bị đổ ngã tại Cẩm Phả, Quảng Ninh

9 giờ 40 phút, tại Cẩm Bình, TP Cẩm Phả, tỉnh Quảng Ninh, sức gió mạnh đã xô đổ hàng loạt cây. Nhiều mảnh tôn cũng bị bay ra đường. Việc lưu thông vào thời điểm này vô cùng nguy hiểm khi gió mỗi lúc một lớn hơn.

Mưa lớn và gió to tại Bãi Cháy, Hạ Long khiến nhiều công trình, cây cối gãy đổ

Các vùng biển ở Nam Định đang có mưa to, gió mạnh

Đài khí tượng thủy văn tỉnh Nam Định dự báo, hôm nay 7/9, vùng biển tỉnh Nam Định có gió mạnh cấp 10-11, vùng gần tâm bão đi qua mạnh cấp 12-13, giật cấp 15-16, biển động dữ dội.

Ghi nhận tại thời điểm này, vùng ven biển Nam Định, gồm các huyện Trực Ninh, Xuân Trường, Nghĩa Hưng, Hải Hậu và Giao Thủy đang có mưa to, gió mạnh.

Tàu thuyền neo đậu tại bến cá của Hà Lạn, thị trấn Quất Lâm, huyện Giao Thủy, Nam Định.

Lượng mưa trung bình đo được từ ngày 5/9 đến 7 giờ ngày 7/9 trên địa bàn tỉnh Nam Định là 47,2mm; trong đó huyện Giao Thủy có lượng mưa lớn nhất (100,5mm).

Đến 16 giờ ngày 6/9, toàn bộ các tàu và lao động của tỉnh Nam Định hoạt động trên biển đã vào nơi neo đậu, tránh trú an toàn; toàn bộ lao động các cơ sở nuôi trồng thủy sản đã di dời vào bờ an toàn.

Các huyện đã tổ chức kiểm tra, rà soát các khu vực nguy hiểm, có phương án sẵn sàng di dời người dân khi bão ảnh hưởng. Tại thành phố Nam Định, đã tổ chức di dời 476 hộ, với 1.009 người thuộc diện nhà yếu, nhà tạm và các khu tập thể cũ đến nơi an toàn.

Tỉnh đã chuẩn bị khối lượng vật tư dự trữ chống bão gồm: Gần 12.500 m3 đá hộc; 727 m3 đá thu gom; cấu kiện thu gom 216m3; rọ thép 1.201 cái; bao nilon 483.800 cái; vải lọc 22.216 m2; vải bạt chống sóng 67.967m2; cấu kiện bê tông 9.742 cái.

Đến thời điểm hiện tại, Nam Định chưa ghi nhận thiệt hại do bão.

Đã sơ tán 48.160 người vào nơi an toàn

Theo báo cáo nhanh của Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai, tính đến sáng 7/9, đã sơ tán 48.160 người trên lồng bè, chòi canh nuôi thủy sản, trong các nhà yếu đến nơi an toàn (Quảng Ninh: 3.460 người; Hải Phòng: 18.762 người; Thái Bình: 21.510 người; Nam Định: 1.734 người; Ninh Bình: 2.685 người).

Về khách du lịch trên các đảo, hiện có 193 khách du lịch ở lại trên đảo và lưu trú tại nơi an toàn (Quảng Ninh 12 người, Hải Phòng 181 người).

Theo báo cáo của Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng, tính đến 6 giờ 30 phút ngày 7/9, đã kiểm đếm, hướng dẫn cho 51.319 tàu cá/219.913 người; toàn bộ tàu thuyền đã vào nơi tránh trú.

Các tỉnh, thành phố từ Quảng Ninh-Nghệ An và Quảng Bình đã ban hành lệnh cấm biển: Quảng Ninh, Hải Phòng từ 11 giờ ngày 6/9; Thái Bình, Nghệ An từ 5 giờ ngày 6/9; Nam Định từ 6 giờ ngày 6/9; Ninh Bình từ 15 giờ ngày 5/9; Thanh Hoá từ 12 giờ ngày 6/9; Quảng Bình từ 18 giờ ngày 6/9.

Tình hình nuôi trồng thủy sản từ Quảng Ninh đến Nghệ An (theo báo cáo của Cục Thủy sản): Khu vực ven biển, trên biển các tỉnh, thành phố từ Quảng Ninh đến Hà Tĩnh hiện có 52.176ha, 19.343 lồng, bè và 3.906 chòi canh nuôi thủy sản. Nguy cơ rất cao bị thiệt hại khi bão vào vịnh Bắc Bộ với cường độ cấp 13-14, giật cấp 17.

Các địa phương đã triển khai gia cố lồng bè, khu nuôi thủy sản và di dời toàn bộ lao động đến nơi tránh trú an toàn.

Dừng tiếp thu tàu bay đối với Sân bay Vân Đồn từ 4-16 giờ ngày 7/9

Trong ngày 7/9, tại Cảng Hàng không quốc tế Vân Đồn có 2 lượt chuyến bay hạ cánh lúc 5 giờ 5 phút, cất cánh lúc 8 giờ 50 phút của hãng Vietnam Airlines. Như vậy chuyến bay này sẽ bị hủy.

Công tác phục vụ, thông báo cho hành khách phía Vietnam Airlines tham dự cuộc họp đã nắm được và triển khai.

 

Gió cấp 7, cấp 8 kèm mưa lớn tại Thái Bình

 

Tại xã Thụy Xuân, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình, gió đầu giờ sáng cấp 5, 6 hiện đã tăng lên cấp 7, 8.

Lực lượng hộ đê đang cho cát vào các bao tải để phòng gia cố đê kè, trong khi mưa bắt đầu to hơn.

Quốc lộ 37 đầu xã Thái Xuyên, huyện Thái Thụy, gió cũng đang cấp 7, cấp 8 kèm mưa lớn.

Ngay lúc này, các đồng chí lãnh đạo chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Thái Bình đang đi thị sát tại âu tàu cá xã Nam Thịnh, huyện Tiền Hải. Hiện mưa lớn kèm gió to cấp 7. Hiện tại, các tàu thuyền do được néo giữ chặt nên chưa có va đập do sóng lớn tác động.

Lãnh đạo chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Thái Bình đi thị sát tại âu tàu cá xã Nam Thịnh, huyện Tiền Hải.

Mưa lớn tại Hạ Long, Quảng Ninh

Vào lúc 9 giờ sáng nay, cơn mưa to dần tại TP Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh.

 

Bão giật đổ mái tôn tại Trường Phổ thông Dân tộc nội trú THCS Hải Hà, Quảng Ninh

 

Mái tôn ở khu ký túc xá Trường phổ thông dân tộc nội trú THCS Hải Hà (huyện Hải Hà, Quảng Ninh) bị bão giật đổ.

Trưởng phòng Dự báo Khí hậu, Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn quốc gia: Bão số 3 vẫn đang cấp 14

Ông Nguyễn Văn Hưởng, Trưởng phòng Dự báo Khí hậu, Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn quốc gia cho biết, đến thời điểm hiện, cơn bão số 3 vẫn ở cấp 14. Khoảng cách từ tâm bão đến khu vực đất liền các tỉnh Quảng Ninh-Hải Phòng còn khoảng 130km.

Trong thời gian tới, bão tiếp tục di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, trong khoảng chiều nay sẽ có khả năng đi vào đất liền, bão sẽ gây ra gió mạnh cấp 10, 11,12 ở khu vực Quảng Ninh, Thái Bình và Nam Định, gió mạnh cấp 8, cấp 10 ở khu vực Nam Định, Thái Bình, Thanh Hóa... và các tỉnh sâu hơn ở phía trong đất liền như: Lạng Sơn, Bắc Ninh, Bắc Giang.

Ông Nguyễn Văn Hưởng nhấn mạnh, bão số 3 sẽ gây ra đợt mưa rất lớn ở khu vực Bắc Bộ, thời gian mưa lớn ở khu vực Đông Bắc Bộ sẽ tập trung vào ngày và đêm nay (7/9), chiều và đêm nay mưa lớn sẽ mở rộng sang khu vực phía Tây Bắc Bộ.

Đợt mưa này sẽ kéo dài đến khoảng ngày 9/9. Tổng lượng mưa dự báo khoảng 150mm-350mm có nơi trên 500mm. Khu vực Bắc Bộ có khả năng xảy ra đợt lũ. Ngoài ra, các tỉnh vùng núi Trung du Bắc Bộ và Thanh Hóa, Nghệ An có khả năng xảy ra một đợt lũ quét diện rộng.

Cơn bão số 3 là cơn bão rất mạnh, hoàn lưu rộng. Mặc dù Hà Nội không chịu ảnh hưởng trực tiếp của hoàn lưu cơn bão số 3, nhưng do tác động của hoàn lưu bão số 3, từ chiều và tối nay Hà Nội có khả năng có gió mạnh cấp 6-7 giật cấp 9-10. Cùng với gió mạnh, Hà Nội có khả năng xảy ra một đợt mưa lớn, với lượng mưa dự báo khoảng 150-350mm.

Với gió mạnh ở Hà Nội sẽ tác động rất lớn đến cuộc sống của người dân, gió mạnh, gió giật sẽ có khả năng làm gãy đổ cây. Vì vậy, người dân lưu ý, trong chiều và tối nay hạn chế ra đường và tốt nhất không nên ra khỏi nhà. Về mưa lớn, có khả năng gây ra tình trạng ngập úng, người dân cần có phương án xử lý phòng tránh ngập úng vào chiều và đêm nay.

"Với gió mạnh cấp 6, cấp 7 giật cấp 9, cấp 10 như vậy sẽ tác động rất lớn đến cuộc sống của người dân. Đầu tiên là gió giật mạnh có khả năng làm bay mái tôn và gẫy đổ cây như cơn dông lốc chiều 6/9 là một thí dụ minh chứng. Người dân lưu ý trong thời điểm chiều và tối nay khi thời điểm tác động trực tiếp của cơn bão số 3 hạn chế và không nên ra đường.

Bên cạnh đó, mưa lớn cũng có khả năng xảy ra ngập úng, người dân cũng có phương án phòng chống ngập lụt ở khu vực Hà Nội trong chiều và đêm nay", Trưởng phòng Dự báo Khí hậu, Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn quốc gia nói.

Sức gió giật cấp 12 tại huyện đảo Cô Tô

Do ảnh hưởng của bão số 3, đến sáng 7/9, trên địa bàn huyện Cô Tô (Quảng Ninh) đã xuất hiện mưa to, gió to, kèm gió giật mạnh, gây biển động, mất điện toàn huyện.

Trước đó trong đêm 6, rạng sáng 7/9, toàn huyện Cô Tô đã thực hiện di tản gần 800 người đến nơi tránh bão an toàn bảo đảm các điều kiện sinh hoạt.

Chính quyền các xã, thị trấn đã bố trí các điểm trú bão an toàn cho các hộ dân có nhà xuống cấp, mái tôn, mái ngói kinh tế mới (xây dựng từ năm 1997) có nguy cơ tốc mái, sập đổ tại các nhà nghỉ, khách sạn, nhà văn hóa, trường học; một số hộ di tản đến nhà người thân.

Mưa nặng hạt tại khu vực ven biển Cái Rồng

Ven biển Cái Rồng, Vân Đồn hiện cũng mưa rất nặng hạt.

 

Thành phố Móng Cái đang có mưa to và gió thổi mạnh

 

Tại thành phố Móng Cái (Quảng Ninh), lực lượng chức năng đã khẩn trương xử lý các cây bị gãy đổ do bão để bảo đảm giao thông.

Theo báo cáo nhanh của các địa phương trên địa bàn, thành phố Móng Cái bị đổ gãy khoảng 40 cây xanh.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà làm việc tại Tổng cục Khí tượng thủy văn

Lúc 8 giờ sáng nay, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã chủ trì cuộc họp tại Tổng cục Khí tượng thủy văn để nghe công tác dự báo, ứng phó bão số 3.

Cuộc họp được kết nối với Trạm khí tượng hải văn Bạch Long Vĩ; Đài Khí tượng thủy văn tỉnh Quảng Ninh; Đài Khí tượng thủy văn khu vực đồng bằng và Trung du Bắc Bộ.

Tại cuộc họp, ông Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn quốc gia, đã báo cáo Phó Thủ tướng về những tác động về gió mạnh, mưa lớn và những nguy cơ của bão số 3 đối với các tỉnh Bắc Bộ và các tỉnh ven biển.

Gió mạnh dần tại Đồ Sơn, Hải Phòng

8 giờ ngày 7-9, gió mạnh dần tại quận Đồ Sơn, TP Hải Phòng; đường phố vắng bóng người qua lại.

Theo nhandan.vn

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=1641
Quay lên trên