Bão số 3: Gây ngập úng hàng trăm hécta lúa, hoa màu
Theo Ban chỉ huy phòng chống lụt bão tỉnh Thanh Hóa: Do ảnh hưởng bão số 3, từ 17h chiều 23-8 đến 16h chiều 24-8, mưa lớn đã xảy ra trên diện rộng với lượng mưa trung bình gần 100mm.
Trong đó tại các huyện Nông Cống, Triệu Sơn, TP.Thanh Hóa, Hoằng Hóa, Hậu Lộc… mưa diễn ra với thời lượng kéo dài làm ngập úng hàng trăm hécta lúa, hoa màu. Tại huyện Tĩnh Gia đã có gió lớn cấp 9, cấp 10, giật cấp 11 vào lúc 13h trưa 24-8. Toàn huyện có 6.200ha lúa, trong đó có hơn 1/3 tổng diện tích đang làm đòng và lúa đang thì con gái có nguy cơ ngập lụt. Tại thị xã Sầm Sơn, chính quyền địa phương và người dân đã đưa tàu, bè lên đường Hồ Xuân Hương tránh bão.
Quan sát của chúng tôi, vào lúc 16h chiều 24-8 cho thấy: Tại một số xã ven biển như Hải Bình, Hải Thanh… thuộc huyện Tĩnh Gia, người dân ven mép nước đã được di dời khỏi khu vực nguy hiểm. Nhiều người dân tích cực chèo chống nhà cửa. Một số nhà dân nằm ngoài khu vực đầm phá bị ngập lụt do nước triều dâng lên. Đến 17h chiều 24-8, gió bắt đầu giật mạnh dần lên, nhiều cây cối gãy đổ, hàng quán, biển hiệu quảng cáo gẫy gục. Thị xã Sầm Sơn, tàu thuyền được đội an ninh trật tự thị xã tập kết ngay trên tuyến phố Hồ Xuân Hương. Tại một số khu du lịch sinh thái như Quảng Cư, Vạn Chài... nhiều khu nhà chòi ven biển bị sóng cuốn trôi hoặc đánh sập.
Chủ động đối phó với bão số 3, tỉnh Thanh Hóa đã cho di dời 5.477 hộ dân với 19.829 nhân khẩu thuộc 6 huyện, thị ven biển đến nơi an toàn. Hai huyện Tĩnh Gia và Quảng Xương là những địa phương có số dân phải di dời đông nhất, riêng Tĩnh Gia có là 8.889 nhân khẩu, huyện Quảng Xương là 6.633 khẩu. Cho gọi gần 7.000 tàu thuyền với trên 28.000 lao động vào bờ tránh bão. Song, đến 11 giờ trưa 24.8, toàn tỉnh vẫn còn 475 tàu thuyền với hơn 2.500 lao động tuy đã liên lạc được với đất liền nhưng vẫn chưa về đến những nơi trú ẩn.
Đặc biệt, trưa 24-8 có bốn thuyền đánh cá trên biển với 18 lao động là cư dân huyện Hoằng Hóa, Hậu Lộc, Tĩnh Gia đang trên đường vào bờ trú đã bị mắc cạn. Lực lượng chức năng kịp thời ứng cứu đưa 18 ngư dân vào bờ. Trong đó có 2 tàu với 9 ngư dân huyệnTĩnh Gia; một tàu với ba ngư dân trú xã Minh Lộc, huyện Hậu Lộc; huyện Hoằng Hoá, chiếc tàu vận tải mang tên Đức Minh, số hiệu TH 0418 đã bị sóng đánh chìm ngay gần bờ biển thuộc địa phận thôn Xuân Vi, xã Hoằng Thanh, trên tàu có 6 thuyền viên đã được đưa vào bờ an toàn. Tỉnh Thanh Hóa cũng huy động 1.200 cán bộ, chiến sĩ công an, bộ đội biên phòng sẵn sàng trực chiến, trong tình huống khẩn cấp sẽ kịp thời di dời dân và phòng hộ đê, tham gia ứng cứu hồ chứa nước thủy điện thủy lợi Cửa Đặt.
Ông Nguyễn Trọng Hải - Chánh Văn phòng Ban chỉ huy phòng chống lụt bão tỉnh Thanh Hóa lúc 19h ngày 24-8 cho biết: Với lượng mưa hiện nay và sau hoàn lưu của bão, tỉnh đã chuẩn bị phương án tiêu úng. Các huyện miền núi đã triển khai phương án phòng chống lũ ống, lũ quét xuống tận bản làng để kịp thời giúp dân ứng phó với thiên tai, giảm thiểu thiệt hại xuống mức tối thiểu đối với người dân. Khu vực các huyện rìa tây nam như Như Thanh, Nông Cống, Như Xuân, Cẩm Thủy… cần đề phòng với lượng mưa lớn khủng khiếp có thể lên đến 400mm.
Theo Lao Động