Bão số 7 gây mưa to tại miền Trung

Cập nhật: 06-10-2012 | 00:00:00

Ảnh hưởng của bão số 7, chiều nay tại các tỉnh Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên tiếp tục có mưa, lũ trên các sông đang lên.

Các địa phương tích cực triển khai các phương án ứng phó với mưa lớn gây ngập lụt, tăng cường kiểm tra việc điều tiết, xả lũ của các hồ chứa thủy điện, đảm bảo an toàn cho vùng hạ du.

Tại tỉnh Bình Định, mưa to, biển động  mạnh, triều cường xâm thực đã gây sạt lở  nhiều điểm , đe dọa cuộc sống hàng trăm hộ dân các  xã ven biển  huyện Phù Cát.

 Cảnh sát biển tuần tra nhắc nhở ngư dân tránh bão 

Bà Nguyễn Thị Hường, ở thôn Trung Lương, xã Cát Tiến nhà ở sát biển lo lắng: “Khu này mỗi khi bão lên khổ lắm, sóng to nhà sập, triều cường gây sạt lở. Những chỗ bị sạt lở nặng, nhà ra sát biển, giờ phải lo sơ tán đi nơi khác.

Chiều nay, đoàn công tác của Ban Chỉ đạo Phòng chống lụt bão Trung ương do Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát, Trưởng Ban chỉ đạo dẫn đầu đã kiểm tra công tác đối phó với bão số 7 tại tỉnh Quảng Ngãi và Bình Định.

Báo cáo với Bộ trưởng Cao Đức Phát, lãnh đạo tỉnh Quảng Ngãi cho biết, đến đầu giờ chiều nay, tỉnh Quảng Ngãi vẫn còn 338 phương tiện với 3.500 lao động, chủ yếu đang đánh bắt ở vùng biển phía Nam. Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Ngãi tiếp tục giữ liên lạc với các phương tiện này.

Tại buổi làm việc, thiếu tướng Nguyễn Quy Nhơn, Phó Tư lệnh Quân khu 5 cho biết, hiện Quân khu 5 đã điều động lực lượng phương tiện ém quân tại Bình Định, Phú Yên. Trong chiều nay, Quân khu 5 tiếp tục điều động lực lượng vào giúp Quảng Ngãi đối phó với tình hình mưa lũ do hoàn lưu của bão.

Tại Bình Định, Bộ trưởng Cao Đức Phát đã thị sát tình hình neo đậu tàu thuyền ở cảng cá Quy Nhơn. Tại đây hiện có hơn 1800 tàu cá được sắp xếp, neo đậu an toàn. Bộ trưởng Cao Đức Phát thăm hỏi, động viên ngư dân neo buộc tàu thuyền chắc chắn không để va đập do mưa, lũ. Tại buổi làm việc với Ban chỉ đạo Phòng chóng lụt bão Trung ương, ông Lê Hữu Lộc, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh Bình Định cho biết: tỉnh Bình Định đã kêu gọi gần 3.400 tàu thuyền vào các khu neo đậu tập trung như: Tam Quan, Đề Gi, Quy Nhơn, hiện chỉ còn 16 tàu ở khu vực quần đảo Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa. Đến 15 giờ chiều nay, Bình Định đã sơ tán hơn 900 hộ dân với hơn 4.000 nhân khẩu tránh trú an toàn.

Bộ trưởng Cao Đức Phát đánh giá cao tinh thần chủ động của tỉnh Quảng Ngãi và Bình Định trong việc triển khai các phương án đối phó với bão, nhất là thông tin cho tàu thuyền tránh bão.

Theo Bộ trưởng Cao Đức Phát, tâm bão sẽ đi vào vùng ranh giới địa phận Bình Định và Phú Yên vào khoảng 18h chiều nay, nhưng gió lốc và tâm mưa sẽ tập trung nhiều nhất ở tỉnh Quảng Ngãi và phía Bắc Bình Định. Bộ trưởng Cao Đức Phát chỉ đạo tỉnh Quảng Ngãi và tỉnh Bình Định cần quan tâm chỉ đạo việc sơ tán dân vùng xung yếu, ven sông, vùng có nguy cơ bị chia cắt.

Bộ trưởng Cao Đức Phát nhấn mạnh, “cần tiếp tục kiểm tra hướng dẫn để nhân dân không chủ quan, sẵn sàng đối phó tình huống xấu. Đề phòng khi mưa, nước trên các dòng sông và vùng trũng lên nhanh, nên việc bố trí phương châm 4 tại chỗ..... ở các địa bàn xung yếu tiếp tục kiểm tra, bố trí phù hợp”.

  Người dân huyện Tuy Phước được đưa về nơi an toàn.Hôm nay, lãnh đạo tỉnh Bình Định cũng đã chia thành 5 đoàn công tác đi kiểm tra, chỉ đạo  sơ tán dân ở vùng xung yếu, vùng sạt lở ven sông, ven biển đến nơi an toàn. Tỉnh cũng đã cấp thêm 400.000 bao tải cho các địa phương sẵn sàng hộ đê, bảo vệ hồ chứa khi có sự cố xảy ra.

Kiểm tra công tác phòng tránh thiên tai tại các địa phương, Bí Thư tỉnh uỷ Bình Định, Nguyễn Văn Thiện  lưu ý cần  tập trung bảo vệ an toàn hồ đập: “Đề phòng mưa lớn sau bão, đồng thời hoàn lưu bão gây mưa lớn, tỉnh đã chỉ đạo không được chủ quan. Toàn bộ dân ven biển đi trú ẩn khi nào hết bão mới trở về. Đối với những hồ nước chứa lớn giám sát qui trình vận hành, đặc biệt là 30 hồ chứa xuống cấp, không an toàn dễ xảy ra sự cố”.

Đến cuối giờ chiều nay, trên địa bàn tỉnh Phú Yên trời mưa to, gió giật mạnh. Lượng nước từ thượng nguồn đổ về nhiều, Uỷ ban Nhân dân tỉnh Phú Yên đồng ý cho Công ty cổ phần thủy điện sông Ba Hạ tăng lượng xả lũ lên 3.500 mét khối/giây,  gấp 5 lần so với sáng nay, nhằm hạ cao trình từ 105 mét xuống còn 103 mét theo yêu cầu của Ban chỉ huy phòng chống lụt bão.

Ông Lê Văn Trúc, Phó Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân tỉnh, Trưởng Ban chỉ huy phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Phú Yên cho biết, sau khi hồ thủy điện Sông Ba hạ xả lũ khoảng 8 tiếng thì bắt đầu ảnh hưởng trực tiếp đến hạ du: “3500 mét khối/ giây vẫn ở báo động cấp 2, nếu bão vào nếu ở mực xả lũ như vậy có thể đảm bảo được. Khi bão vào xong, có thể tiến hành xả lũ ở mức lớn hơn để đảm bảo lượng mưa sau bão, đảm bảo dung tích của hồ an toàn. Cho đến thời điểm này, các huyện, thị xã, thành phố đã đưa khoảng 1 ngàn hộ vào nơi an toàn.

Theo VOV

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=265
Quay lên trên