Bài 1: Những cánh hoa bất tử
LTS: Ngày 1-12-2013, tròn 37 năm, ngày Báo Sông Bé sau này là Báo Bình Dương ra số đầu tiên. Nhân dịp này, Báo Bình Dương xin giới thiệu loạt bài viết về chặng đường hình thành và phát triển của Báo Bình Dương qua các thời kỳ lịch sử. Đây là nỗ lực nhằm mang đến cho độc giả góc nhìn khái quát hơn về tờ báo có lịch sử truyền thống hào hùng trong chiến tranh, luôn đồng hành cùng sự nghiệp xây dựng đất nước trong thời bình và đang sẵn sàng đón nhận những thách thức của kỷ nguyên số hóa với cuộc chiến thông tin toàn cầu…
Một thời hào hùng
Trong cái nắng hanh vàng những ngày cuối tháng 11, chúng tôi tìm đến nhà của ông Hà Minh Nghĩa (tên khai sinh là Hà Minh Cảnh, tự Mười Nghĩa), nguyên Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, nguyên Trưởng ban Tuyên giáo tỉnh Sông Bé thời kỳ từ 1978-1985. Đã 85 tuổi (sinh năm 1928), nhưng ông Mười Nghĩa vẫn còn khỏe mạnh, minh mẫn. Cất cây kéo cắt kiểng vào góc nhà, pha ấm trà mời khách, ông Mười Nghĩa có phần xúc động, nhưng không giấu được nét tự hào khi nghe chúng tôi đề cập đến một thời hào hùng của những tờ báo tiền thân báo Bình Dương ngày nay, trong giai đoạn kháng chiến chống quân xâm lược.
Sinh hoạt thời sự qua báo Đảng bộ địa phương tại Trung đoàn Bộ, tỉnh Thủ Dầu Một
Theo ông Nghĩa: “So với các tỉnh trong vùng Đông Nam bộ thì Bình Dương, trước đây là tỉnh Sông Bé, tỉnh Thủ Dầu Một là một trong những địa phương có báo chí cách mạng ra đời sớm nhất. Những năm tháng chiến tranh, cho dù chịu nhiều hy sinh, mất mát nhưng báo chí cách mạng Thủ Dầu Một kiên cường bám trụ trên mặt trận tuyên truyền, hoạt động mạnh mẽ, đóng góp hiệu quả vào sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc”.
Theo tư liệu biên soạn của ông Tiêu Như Thủy, cố Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sông Bé, Trưởng ban Tuyên huấn Sông Bé (giai đoạn 1976-1978), thì: Sau Hiệp định Geneva 1954, tỉnh Thủ Biên giải thể, hai tỉnh Thủ Dầu Một và Biên Hòa được tái lập trở lại. Năm 1955, Tuyên huấn tỉnh Thủ Dầu Một chỉ phát hành được tờ tin bằng giấy pelure.
Năm 1956, thi hành chỉ thị của Xứ ủy, tỉnh ra tờ báo có tên Đấu Tranh nhằm tranh đấu cho hòa bình thống nhất Tổ quốc. Tờ báo này mỗi tháng phát hành một lần, chừng 200 số, khổ 19x26cm. Sau đó theo chỉ thị cấp trên, tạm ngưng tờ báo Đấu Tranh và xuất bản song song 2 tờ báo: Tờ Cờ Giải Phóng nội san của tỉnh gồm những bài lãnh đạo tư tưởng cán bộ, đảng viên kiên trì đấu tranh chính trị, bất cứ tình huống nào cũng bám dân, bám Đảng chiến đấu đến cùng, nếu không may sa vào tay giặc thì luôn giữ vững lập trường, thà chết không khai báo, không đầu hàng địch. Tờ thứ hai là tờ Tin Tức, đăng những cuộc đấu tranh chính trị trực diện chống địch tại trụ sở tề xã, quận, tỉnh; chống bắt thanh niên đi lính, chống bắt xâu, đòi dân sinh dân chủ.
Sau vụ thảm sát ở Nhà tù Phú Lợi vào ngày 1-12-1958, tháng 2-1959 tại Thủ Dầu Một xuất bản thêm 1 bản tin lấy tên là “Đấu tranh chống vụ thảm sát Nhà tù Phú Lợi” đăng tin tranh đấu của đồng bào 2 miền chống vụ thảm sát Phú Lợi, dư luận thế giới lên án Mỹ - Diệm về tội giết người man rợ ở Phú Lợi…
Những năm 1956-1959 là thời kỳ rất khó khăn của cách mạng miền Nam, song cơ quan báo chí cách mạng Thủ Dầu Một vẫn tồn tại và hoạt động ngay trong vùng khủng bố của quân thù. Tháng 9-1960, hai tỉnh Thủ Dầu Một và Biên Hòa sáp nhập lại lần thứ 3. Đến tháng 6-1961, tỉnh Thủ Biên lại tách làm 2 tỉnh: Thủ Dầu Một - Biên Hòa và Phước Thành. Thủ Dầu Một xuất bản tờ Phú Lợi, là cơ quan ngôn luận của Mặt trận Dân tộc giải phóng tỉnh. Năm 1963, tờ Phú Lợi được in bằng chữ chì. Đến tháng 10-1967, tờ Phú Lợi ngưng xuất bản, tập trung cho cuộc tổng tiến công nổi dậy mùa xuân Mậu Thân 1968. Thời gian này, cán bộ thông tấn - báo chí - điện ảnh lần lượt bị tổn thất nặng nề.
Thà hy sinh chứ không chịu đầu hàng
Trong ký ức của ông Nguyễn Xuân Quang (SN 1938) - Nguyên Tổng Biên tập Báo Sông Bé giai đoạn 1978-1986 có lẽ không bao giờ quên được những năm tháng khốc liệt mà hào hùng đó. Quãng thời gian mà nhiều chiến sĩ -nhà báo - phóng viên - phát hành viên của tờ báo Phú Lợi (tiền thân của Báo Sông Bé) đã đánh đổi bằng xương máu và tính mạng của mình để chuyển tải thông tin, mang tờ báo cách mạng đến tay nhân dân đang ngày đêm đợi chờ.
Theo ông Quang, thời điểm đó, ông đang là phóng viên báo Phú Lợi, thuộc Ban Tuyên huấn Thủ Dầu Một, tờ báo Phú Lợi hay sau này là tờ Tin Tức tiếp nối thì cũng giống như tờ giấy chứng nhận cho sự tồn tại của phong trào cách mạng, của Đảng trong nhân dân ở những địa phương trong lòng địch hoặc trong vùng oanh tạc tự do.
Nhớ lại quãng ký ức đã chôn sâu vào tiềm thức, nay bất ngờ lại được khơi dậy, ông Quang bồi hồi nhớ lại: Tôi bắt đầu tham gia làm tờ báo Phú Lợi vào năm 1965, lúc đó căn cứ của báo (nằm trong Ban Tuyên huấn của tỉnh) đóng tại khu vực thuộc xã Thanh An, huyện Dầu Tiếng bây giờ.
Đến cuối năm 1967, từ Dầu Tiếng, tờ báo được lệnh rút về Chiến khu Đ để chuẩn bị cho công tác xuống đường trong Tết Mậu Thân 1968. Bây giờ nghe qua cứ tưởng việc di chuyển là việc đơn giản, nhưng đợt hành quân này đã khiến tờ báo Phú Lợi gặp nhiều tổn thất. Trên đường hành quân về lại Chiến khu Đ, một cán bộ phụ trách báo Phú Lợi là đồng chí Ba Chiển bị pháo bắn trúng đầu hy sinh mà xác không toàn vẹn; một đồng chí khác là Năm Côi (tổ điện ảnh) bị thương nặng.
Đến sau đợt 1 của chiến dịch Mậu Thân, đồng chí Đinh Quang Kỳ (tự Tư Ca) được Tỉnh ủy rút về để khôi phục tờ báo Phú Lợi, thay thế đồng chí Ba Chiển đã hy sinh. Tuy nhiên, trên đường nhận nhiệm vụ, chưa kịp đến nơi thì đồng chí Đinh Quang Kỳ bị giặc bắt, chúng giải ông về bót. Ông đã anh dũng kháng cự, thà chết chứ không chịu khuất phục trước họng súng và gót giày đinh của kẻ thù. Bọn giặc đã đê hèn tử hình, bắn nát người ông, ngay tại khu vực gần trường Mội Nước (xã Hòa Lợi, Bến Cát ngày nay) trước sự chứng kiến của rất nhiều người dân. Đó là cái chết anh dũng, khiến cho kẻ thù cũng phải khiếp sợ về khí tiết của người cầm bút. Nói đến đây, khóe mắt của ông Quang rướm lệ. Bình tâm đôi chút, nhà báo lão thành của báo chí Sông Bé - Bình Dương kể tiếp: Cũng trong những đợt di chuyển, đổi căn cứ để tránh biệt kích, địch càn vào căn cứ, máy bay trút bom đạn hủy diệt, đã có nhiều chiến sĩ phóng viên, phóng viên ảnh khác cũng đã hy sinh, như: ông Nguyễn Văn Hùng (quê Bến Cát) hy sinh trong trận phục kích, được ông Quang quy tập hài cốt tại Nghĩa trang liệt sĩ huyện Tân Uyên. Hay trường hợp của ông Minh Châu Thiện, là phóng viên chủ lực, rất năng động của tờ báo, đã bị trúng bom hy sinh ở bờ Bắc Sông Bé thuộc vùng Chiến khu Đ…
Cô Thu Hương, nữ phóng viên xinh đẹp, trẻ tuổi, được đào tạo bài bản về báo chí tại Trung ương Cục đã hy sinh trong lần đi tải gạo bị xe tăng Mỹ phục kích. Hay như cô Quế Anh, hy sinh dưới hầm trong một trận càn của xe tăng Mỹ tại Vĩnh Tân, Tân Uyên năm 1970. Và còn nhiều, nhiều nữa những phóng viên - nhà báo trẻ tuổi đã quên mình ngã xuống vì nhiệm vụ thiêng liêng của Tổ quốc.
Ông Hà Minh Nghĩa, nguyên Trưởng ban Tuyên huấn Phân khu 5 (bao gồm các địa bàn Bến Cát, Dầu Tiếng, Châu Thành, Lái Thiêu, Dĩ An, Thủ Đức, quận I) trong giai đoạn từ năm 1968 đến 1975 cho biết: “Sự khốc liệt của cuộc chiến trong quãng thời gian này mà quân dân ta, trong đó có những người làm báo đất Thủ phải gánh chịu, không biết phải miêu tả như thế nào cho đủ. Chỉ biết rằng, khi tôi về nhận nhiệm vụ tại Ban Tuyên huấn Phân khu 5 lúc đó có 252 người (vào năm 1968) đến khi ký Hiệp định Paris (năm 1973) thì chỉ còn lại 55 đồng chí”.
Báo chí Thủ Dầu Một - Bình Dương những năm kháng chiến chống Pháp
Theo tài liệu lịch sử, vào năm 1937, tại tỉnh Thủ Dầu Một đã xuất hiện tờ báo có tên là Tranh Đấu, do Đảng bộ tỉnh Thủ Dầu Một thành lập. Báo được in bằng mực polycopie và in trên xu xoa. Mỗi tháng phát hành một lần với số lượng 30 đến 100 số. Khổ của báo là 12x15cm, độ dày là 8 trang. Tờ báo này xuất bản được 6 tháng thì bị chính quyền do thực dân Pháp bảo hộ truy ráp dữ dội nên Tranh Đấu đành dồn lại, 3 tháng mới ra 1 kỳ. Đến giữa năm 1938, tờ Tranh Đấu phải đình bản.
Sau khi cùng với cả nước tiến hành Tổng khởi nghĩa thắng lợi, đến ngày 25-8- 1945, chính quyền cách mạng ở tỉnh Thủ Dầu Một được thành lập, báo Sao Vàng ra đời. Khuôn khổ của báo là 28x40cm, có độ dày 4 trang, in bằng chữ chì tại địa phương. 2 tháng sau, báo Sao Vàng bị tạm ngưng vì giặc Pháp đưa quân chiếm đóng tại thủ phủ tỉnh lỵ Thủ Dầu Một cũng như các địa phương khác cả nước. Đến giữa năm 1946, để động viên cán bộ và đồng bào vững tâm kháng chiến, tờ báo Tiến Lên được xuất bản, mỗi tuần phát hành 1 số; độ dày từ 4 - 6 trang, in trên giấy pelure, đánh máy bằng chữ Pháp, mỗi kỳ xuất bản vài chục số. Tờ báo được đưa đến các cơ quan, đơn vị hay địa phương nào thì liền chuyền tay nhau đọc đến rách nát mới thôi.
Sau đó, tờ Tiến Lên chuyển qua in bằng chữ chì, phát hành vài trăm số. Năm 1947, tờ Tiến Lên đổi tên thành Thông Tin và trở thành tờ báo kháng chiến của tỉnh và nội dung hình thức phong phú hơn, báo đăng nhiều tin chiến sự, có những bài bình luận chính trị, đả kích địch, thơ, ca dao, truyện ngắn...
Sau đó, tờ Thông Tin đổi tên là Thủ Thông Tin Quân Dân Chính và trong 20 tỉnh Nam bộ lúc ấy, tờ báo Thủ Thông Tin Quân Dân Chính được xếp hạng là 1 trong 5 tờ thông tin có chất lượng khá nhất. Những năm 1948-1950 là thời kỳ phát triển rực rỡ của báo chí cách mạng tỉnh nhà. Tờ Thủ Thông Tin Quân Dân Chính phát hành mỗi kỳ từ 500 - 1.000 số, mỗi số 4 trang. Cứ vào những dịp lễ kỷ niệm Quốc khánh 2-9, Tết Nguyên đán báo ra số đặc biệt, in 12 trang, hai màu, có nhiều bài thơ, truyện, tranh vẽ.
Bài 2: Số báo Phú Lợi cuối cùng đẫm máu
CHÍ THANH – HUY BÌNH