Báo Sông Bé – Bình Dương: Những trang vàng hào hùng

Thứ bảy, ngày 30/11/2013
Theo dõi Báo Bình Dương trên

Bài cuối: Báo Sông Bé - Những cột mốc đáng nhớ

 

 

> Bài 2: Số báo Phú Lợi cuối cùng đẫm máu!

> Bài 1: Những cánh hoa bất tử

 

 

Sau ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, những người làm báo Thủ Dầu Một bước vào mặt trận mới cũng cam go không kém thời chiến. Làm thế nào để báo Sông Bé vươn lên trở thành 1 trong 4 tờ báo Tỉnh Đảng bộ có lượng phát hành lớn nhất nước?

Chuẩn bị ra báo Sông Bé số đầu tiên

Ông Nguyễn Xuân Quang, nguyên Tổng Biên tập Báo Sông Bé, giai đoạn 1978-1986 nhớ lại: “Khoảng tháng 6-1976 đã có chủ trương và quyết định của Thường vụ Tỉnh ủy Sông Bé về việc thành lập tờ báo Sông Bé. Theo quyết định này, ông Tiêu Như Thủy (thường gọi là ông Mười Quang), lúc đó là Trưởng ban Tuyên giáo giữ chức danh Chủ nhiệm kiêm Tổng Biên tập Báo Sông Bé, ông Nguyễn Xuân Quang (thường gọi là ông Hai Quang) làm Ủy viên Ban Biên tập. Lúc đó, báo không có trụ sở, phải trú tạm tại Ban Tuyên giáo tỉnh Sông Bé, đóng tại đường Bạch Đằng. Việc đầu tiên mà ông Hai Quang tiến hành sau khi nhận quyết định thành lập báo, là liên hệ với UBND tỉnh để xin trụ sở, làm nơi đặt tòa soạn”.

Manchette và trang nhất của báo Sông Bé số ra đầu tiên (trái) cùng các số báo Sông Bé được phát hành sau đó (Ảnh: LONG VĨNH)

Dừng lại giây lát, nhấp ngụm trà, ông Hai Quang cười sảng khoái, nói tiếp: “Lên gặp anh Ba Diệp (Nguyễn Ngọc Diệp, Ủy viên Thường trực UBND tỉnh Sông Bé), sau khi trình bày, anh Ba Diệp nói: “Thôi tao giao cho cơ quan mày cái lễ đài sân vận động Gò Đậu sử dụng tạm, chừng nào có trụ sở thì tính”. Điều kiện sống khi đó khá khó khăn. Không có nước sinh hoạt, điện lại rất yếu. Ông phải xây hồ nước khoảng 5 khối để dùng sinh hoạt, nấu nướng. Cứ 1 - 2 ngày phải nhờ xe chở nước vào tiếp tế.

Tháng 7-1976, Báo Sông Bé tổ chức cuộc thi tuyển phóng viên lần đầu tiên với chỉ vỏn vẹn 3 người tham dự. Và 2 người trúng tuyển là cô Phan Thị Huệ và cô Trang Huệ Lan (nguyên Phó Tổng Biên tập Báo Bình Dương sau này). Tuyển người xong, ông Mười Quang, Hai Quang bắt đầu đào tạo, chỉ bảo từng cách viết tin, chụp ảnh, viết bài (mục Người tốt việc tốt)… Sau đó, báo tuyển thêm 4 người nữa để làm nhiệm vụ y tế, thủ quỹ, kế toán, văn phòng.

Để tăng cường nhân sự, sau đó không lâu, báo tiếp tục tuyển thêm một số phóng viên nữa. Khi lực lượng nhân sự đã ổn định, lãnh đạo báo bắt đầu tính đến thời gian để ra số báo đầu tiên. Sau khi bàn bạc, hai ông thống nhất rằng đây sẽ là tờ báo tiếp nối truyền thống của báo Phú Lợi hào hùng trong kháng chiến chống Mỹ, vì vậy ngày ra số báo Sông Bé đầu tiên phải là ngày 1-12-1976 đánh dấu sự kiện “Ngày Phú Lợi căm thù”. Vì khó khăn trong điều kiện in ấn, nên dù hoàn thành công tác chuẩn bị về nội dung, hình thức, nên phải đến ngày 10-12-1976, tờ báo Sông Bé số 1 mới chính thức ra mắt, đánh dấu cột mốc quan trọng của lịch sử báo chí tỉnh nhà.

Những viên đá đầu tiên và bước chuyển mình

Nhằm giúp nâng cao chất lượng của tờ báo, tạo sự thu hút với độc giả, Ban Biên tập Báo Sông Bé đã liên hệ, mời những “cây đa cây đề” trong làng báo chí thời bấy giờ, như ông Hoàng Đạo, ông Trần Bạch Đằng, ông Trần Văn Giàu… tham gia cộng tác viết bài. Vào thời gian này, cứ mỗi 10 ngày tờ báo lại ra một số (khổ A3 như báo Bình Dương hiện tại), với nội dung tuyên truyền chủ yếu về lịch sử, kháng chiến, chính trị mà trọng tâm là về phát triển kinh tế mới, vận động giãn dân từ đô thị về nông thôn; công tác cứu đói, trấn áp các phần tử chống phá cách mạng…

Điểm nổi bật là thời kỳ này báo Sông Bé xây dựng lực lượng cộng tác viên khá hùng hậu. Nhưng, trong thành phần cơ hữu của báo cũng có những cá nhân rất xuất sắc. Đó là trường hợp của ông Trần Hoàng, được rút về từ Ban Tuyên huấn huyện Châu Thành, có kinh nghiệm làm báo. Theo ông Hai Quang, ông Trần Hoàng là một trong những người có nhiều đóng góp nhất trong thời kỳ đầu phát triển của báo Sông Bé. Vừa là phóng viên, ông Hoàng kiêm luôn vai trò của người phát hành. Chiếc xe Mogrit do ông trực tiếp cầm lái đã len lỏi mang tờ báo phát hành tận những vùng xa xôi như Phước Long, Đồng Xoài, Lộc Ninh, vào tận Sóc Bom Bo, Bù Gia Mập… Sau khi ông Hoàng qua đời, đến lượt ông Lưu Vi đạp xe khắp hang cùng ngõ hẻm để phát hành báo.

Khi đã dần ổn định, tờ báo bắt đầu nghĩ đến chuyện tự chủ trong khâu in ấn. Ban Biên tập lúc đó cho rằng: “Làm báo mà không có nhà in chẳng khác nào chiến sĩ mà không có súng”. Việc sở hữu nhà in riêng sẽ phục vụ đắc lực cho con đường phát triển lâu dài của tờ báo. Nghĩ là làm, với quyết tâm xây dựng nhà in, các ông đã bỏ công xuống Sài Gòn tìm hiểu, nghiên cứu và mang về dàn máy in với công nghệ được cho là bậc nhất lúc bấy giờ - in offset. Theo lời kể của ông Hai Quang, nhờ tận dụng tốt uy tín của ông Hoàng Đạo và sự ủng hộ của người bán mà Báo Sông Bé có được dàn máy in offset hiện đại - lúc ở miền Nam chỉ có Báo Sài Gòn Giải Phóng là có mà thôi - với giá 2.500 đồng, nhưng thực ra Nhà nước không phải chi trả một đồng nào.

Dây chuyền này được mang về lắp ráp tại một phân xưởng sản xuất được cấp lại cho Báo Sông Bé, nằm trên đường Đinh Bộ Lĩnh (phường Phú Cường, nay là trụ sở của Ngân hàng Đông Á). Có máy in hiện đại, lực lượng phóng viên ngày càng nâng cao trình độ, từ thời điểm này tờ báo Sông Bé bắt đầu vận hành trơn tru, phát huy sức mạnh của mình trong công tác tuyên truyền, phục vụ đắc lực các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước. Năm 1978, ông Nguyễn Xuân Quang chính thức giữ vai trò Tổng Biên tập Báo Sông Bé. Theo ông Quang, từ thời điểm này, báo ra 1 tuần 1 số vào ngày thứ tư; ban đầu có 4 trang sau dần dần nâng lên 8 trang; trong giai đoạn vào năm 1980 báo phát hành khoảng 7.000 bản/số.

Khi ông Nguyễn Xuân Quang đi học chính trị tại Hà Nội thì ông Trần Năng Tâm (nguyên Phó ban Tuyên huấn của tỉnh) về giữ chức Tổng Biên tập trong 2 năm 1983-1984. Sau đó, ông Nguyễn Xuân Quang trở về đảm nhiệm cương vị cũ tại Báo Sông Bé cho đến năm 1986, thì ông Nguyễn Xuân Vinh (Giám đốc Đài Phát thanh Truyền hình Sông Bé) thay thế. Báo Sông Bé bước vào một thời kỳ mới...

Đã hơn 18 giờ, chúng tôi có mặt tại nhà riêng của ông Nguyễn Xuân Vinh (Tổng Biên tập Báo Sông Bé - Bình Dương từ năm 1986-2003) như lịch hẹn. Vị Tổng Biên tập từng đưa báo Sông Bé trở thành 1 trong 4 tờ báo Đảng bộ địa phương có lượng phát hành lớn nhất nước, mở đầu câu chuyện khá cởi mở: “Tôi gốc là giáo viên từ thời còn trong rừng, nhưng có duyên nghiệp đặc biệt với báo chí tỉnh nhà”...

Bước đột phá ngoạn mục

“Khi tôi về làm Tổng Biên tập, cơ quan chỉ có 11 - 12 cán bộ nhân viên, trong đó phóng viên là 6 - 7 người. Sau thời gian chuẩn bị, tôi bắt đầu cho tăng kỳ lên 2 số/ tuần vào năm 1989. Lúc đó, đầu mối đặt mua báo Sông Bé nhiều nhất là Ban Quản lý chợ Thủ. Sau khi tìm hiểu, tôi và Ban Biên tập (BBT) mới té ngữa ra là họ mua về bán lại cho các tiểu thương! Gạt qua một bên nỗi niềm khôn tả, tôi và BBT khẳng định quyết tâm phải cải cách mạnh mẽ về nội dung để người dân phải bỏ tiền mua báo về đọc.

Tôi còn nhớ, đồng chí Sáu Phong (tên gọi thân mật của ông Nguyễn Minh Triết, nguyên Chủ tịch nước, lúc đó là Bí thư Tỉnh ủy) đã chỉ đạo rằng: “Làm báo là làm chính trị, tức là thực hiện công tác vận động quần chúng, tuyên truyền, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước qua báo chí. Nhưng nếu cứ tuyên truyền theo cách cũ thì sẽ không hiệu quả, mà phải giúp người dân tiếp cận bằng chất lượng nội dung, tin bài phải đi sát với thực tế đời sống. Nghĩa là, sau khi mua báo đọc hết những trang mục, bài vở yêu thích, đúng vấn đề quan tâm thì họ sẽ từ từ tiếp nhận luôn những thông tin về chính trị, kinh tế, xã hội của địa phương, đất nước”, ông Xuân Vinh tiếp lời.

“Được sự gợi mở này, càng giúp chúng tôi thêm quyết tâm đổi mới nội dung, khâu then chốt của tờ báo. Trên mặt báo chúng tôi mở những trang mục được bạn đọc yêu thích như đăng truyện nhiều kỳ (của các tác giả Chín Bình Tây, Ký Ninh, Mạc Can) bên cạnh đó tăng cường mảng ký sự pháp đình, hôn nhân - gia đình… Tuy nhiên, trong những số báo đó, chúng tôi vẫn không quên nhiệm vụ chủ yếu là tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; các hoạt động chính yếu của lãnh đạo địa phương”.

Tờ báo bắt đầu thu hút được nhiều bạn đọc, nhưng khâu phát hành vẫn chưa ngon, lúc đó Bộ Văn hóa - Thông tin không cho tờ báo địa phương phát hành ngoài địa giới hành chính của mình. Đây là cái khó mà nếu không tháo gỡ được thì công sức anh em sẽ rất uổng phí. Đương nhiên hiệu quả tuyên truyền quảng bá về kinh tế tỉnh nhà cũng không cao do các nhà đầu tư trong và ngoài nước ít có cơ hội biết rõ về Sông Bé. Nhờ có sự ủng hộ của anh Sáu Phong, chúng tôi mạnh dạn thực hiện việc phát hành tờ Sông Bé đỏ (tờ Sông Bé có Manchette màu đỏ - chuyên phát hành trong tỉnh và ngoài tỉnh) và Sông Bé màu đen (chỉ phát hành trong tỉnh). Tờ “Sông Bé đỏ” thành công lớn, số lượng phát hành từ 35.000 - 40.000 bản/số, tờ “Sông Bé đen” cũng vọt lên 7.000 - 8.000 bản/số. Nhưng đó vẫn chưa phải là thời kỳ hoàng kim của báo Sông Bé. Năm 1992, báo Sông Bé phát hành thêm 1 kỳ, như vậy 2 tờ “Sông Bé đỏ” ra ngày thứ tư và thứ sáu đều phát hành ngoài tỉnh, khắp khu vực miền Tây và Đông Nam bộ là chính yếu, còn tờ “Sông Bé đen” vẫn ra ngày thứ hai hàng tuần.

Ông Xuân Vinh chắc lưỡi: “Lúc cao điểm vào những năm 1993-1994, tờ Sông Bé có lượng phát hành lên đến hơn 80.000 bản/số, ngang bằng với tờ Tuổi Trẻ. Từ năm 1994 đến 1997, báo Sông Bé không phải nhận ngân sách của tỉnh cấp.

CHÍ THANH – HUY BÌNH