Bảo tàng Quân đoàn 4: Tái hiện lịch sử, giáo dục truyền thống

Cập nhật: 09-07-2015 | 08:37:39

Tọa lạc tại số 10 đại lộ Độc Lập, Khu công nghiệp Sóng Thần, TX.Dĩ An, 20 năm qua, Bảo tàng Quân đoàn 4 - Binh đoàn Cửu Long anh hùng đã trở thành địa điểm tham quan, học tập và giáo dục cho cán bộ, chiến sĩ và các tầng lớp nhân dân về truyền thống hào hùng của quân đoàn cũng như của Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng.

Các em học sinh trường THCS thị trấn Củ Chi, TP.Hồ Chí Minh tham quan Bảo tàng Quân đoàn 4

Bảo tàng Quân đoàn 4 tiền thân là Nhà truyền thống quân đoàn, được xây dựng vào ngày 20-7-1984, đúng vào dịp kỷ niệm 10 năm ngày thành lập Quân đoàn 4. Thể theo nguyện vọng của bao thế hệ cán bộ, chiến sĩ đã từng chiến đấu, công tác tại quân đoàn và để đáp ứng yêu cầu lưu giữ, trưng bày các hình ảnh, hiện vật, tư liệu của dân tộc, quân đội và của Quân đoàn 4 anh hùng, ngày 13-7-1995 theo Quyết định số 613 của Bộ Quốc phòng, Nhà truyền thống Quân đoàn 4 được nâng cấp thành Bảo tàng hạng II trong hệ thống bảo tàng quốc gia. Cũng từ đó, ngày 13-7 hàng năm chính là ngày truyền thống của Bảo tàng Quân đoàn 4.

Trong suốt quá trình xây dựng, phát triển và trưởng thành, Bảo tàng Quân đoàn 4 luôn nhận được sự quan tâm của Bộ Quốc phòng, Tổng cục Chính trị, trực tiếp là Đảng ủy, Bộ Tư lệnh, các cơ quan của quân đoàn trong việc nâng cấp, đầu tư kinh phí xây dựng hạ tầng, bổ sung các hiện vật, hình ảnh, tư liệu… Đội ngũ cán bộ lãnh đạo của bảo tàng qua các thế hệ là những người thực sự tâm huyết với nghề, thường xuyên làm tốt công tác tham mưu, đề xuất những nội dung, giải pháp trong việc sư tầm, bảo quản, trưng bày và giới thiệu phục vụ khách tham quan.

Để có được hơn 3.000 hiện vật đang trưng bày tại bảo tàng, phục vụ khách tham quan, phải kể đến công sức đóng góp của bộ phận nghiên cứu sưu tầm qua nhiều thế hệ. Họ đã không quản ngại khó khăn, như những con ong cần mẫn góp mật xây đời, sưu tập nhiều hình ảnh, hiện vật vốn gắn bó cả cuộc đời với những người lính trận mạc. Có những hình ảnh, hiện vật đã trở thành một phần máu thịt, không dễ rời xa trong một sớm chiều… đòi hỏi những cán bộ, nhân viên làm công tác nghiên cứu, sưu tầm phải được trang bị một kiến thức lịch sử tương đối toàn diện, hiểu rõ tâm lý của những người đang lưu giữ, thể hiện được sự trân trọng quá khứ và trách nhiệm khi nhận được hiện vật.

Bên cạnh đó, việc kiểm kê, bảo quản hình ảnh, hiện vật cũng đòi hỏi cái tâm của người làm công tác bảo tàng. Các hiện vật gồm nhiều chủng loại, kiểu loại như máy bay, súng pháo, quần áo, quân trang, giấy tờ, hình ảnh... với các chất liệu đa dạng, phong phú như sắt, thép, cao su, vải, da, giấy, nhựa... phần lớn đã trải qua chiến tranh, có những hiện vật được chôn cùng liệt sĩ cả nửa thế kỷ. Vì vậy, việc kiểm kê, phân loại, lưu trữ, bảo quản đòi hỏi phải có sự tỉ mỉ và chu đáo. Nâng niu, trân trọng các hình ảnh, hiện vật chính là cách thể hiện sự trân trọng quá khứ của các thế hệ cha anh đã không tiếc máu xương vì độc lập tự do của Tổ quốc.

Công tác trưng bày hiện vật tại bảo tàng do đó có một vai trò, vị trí hết sức quan trọng, là cầu nối giữa các tư liệu, hình ảnh, hiện vật với khách tham quan. Thấy rõ được vị trí vai trò của công tác trưng bày, trong những năm qua, Bảo tàng Quân đoàn 4 đã đẩy mạnh việc nghiên cứu, thiết kế, trưng bày làm nổi bật các trọng tâm, trọng điểm, tái hiện được không khí lịch sử hào hùng của dân tộc, quân đội và quá trình xây dựng, chiến đấu và trưởng thành của quân đoàn. Sự đa dạng về phong cách trưng bày, sự sắp đặt hài hòa, tinh tế mỗi hiện vật, mỗi phương tiện, kết hợp với màu sắc, ánh sáng thích hợp đã mang tầm khái quát cao về tư tưởng, nội dung, gây biểu cảm cho người xem. Công tác giới thiệu, phục vụ khách tham quan là khâu cuối để người xem có cái nhìn sâu sắc nhất về những hình ảnh, hiện vật được trưng bày. Cán bộ, chiến sĩ làm nhiệm vụ hướng dẫn, với ý thức trách nhiệm cao, luôn biết cách làm sống lại lịch sử đấu tranh bất khuất kiên cường để mọi tầng lớp nhân dân khi đến với bảo tàng như được tiếp thêm niềm tự hào, lòng tin tưởng và quyết tâm tiếp bước các anh hùng liệt sĩ, các thế hệ cha anh, ra sức xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Trong những năm qua, Bảo tàng Quân đoàn 4 đã đón và hướng dẫn nhiều đoàn khách tham quan, đối tượng khách tham quan đa dạng như cán bộ, chiến sĩ trong quân đoàn, nhân dân, học sinh, sinh viên, cựu chiến binh…

Với những nỗ lực không mệt mỏi, tập thể cán bộ, nhân viên, hạ sĩ quan, chiến sĩ Bảo tàng Quân đoàn 4 đã được các cấp tặng thưởng nhiều bằng khen, giấy khen. Đây là niềm vinh dự, tự hào lớn lao và cũng là sự ghi nhận của các cấp, các ngành đối với Bảo tàng Quân đoàn 4 bởi những thành tích trong suốt 20 năm xây dựng và trưởng thành.

 Với diện tích hơn 11.000m2, Bảo tàng Quân đoàn 4 được thiết kế và trưng bày hài hòa, hợp lý, tạo điều kiện cho khách tham quan có cái nhìn tổng thể, logic về các sự kiện và hiện vật. Trong khu trưng bày nội thất được sắp xếp theo 10 đề mục về quá trình chiến đấu, xây dựng, trưởng thành của quân đoàn. Không gian trưng bày ngoài trời là khuôn viên cây xanh, thảm cỏ, bồn hoa, cây cảnh, sinh vật cảnh. Ở chính giữa khuôn viên là tượng đài chiến thắng của quân đoàn. Xung quanh khuôn viên trưng bày các hiện vật khối lớn, những vũ khí của quân và dân ta trong cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc và các chiến lợi phẩm thu được của địch.

• BÙI ĐÌNH LẠI

 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=1814
Quay lên trên