Bão tăng tốc, đổ bộ vào Bắc Trung bộ

Cập nhật: 24-08-2010 | 00:00:00

* Bộ trưởng Cao Đức Phát: Phải sẵn sàng ứng cứu

 

Trái với dự đoán, bão Mindulle đã tăng tốc độ và cường độ khi áp sát đất liền các tỉnh từ Bắc Trung Bộ chiều 24-8. Gió mạnh, mưa lớn đã nhấn chìm hàng loạt tuyến đường, hàng trăm cây xanh bật gốc.

 

Tại Nghệ An, nhiều huyện miền núi đã bị cắt điện từ sáng. Thành phố Vinh bị cắt muộn nhất, khoảng 15h chiều. Mưa to, nhưng không liên tục, chỉ có gió càng lúc càng mạnh. Hàng loạt biển quảng cáo, cây xanh trên các tuyến đường như Lê Hồng Phong, Hồ Tùng Mậu, Minh Khai... bị giật đổ, nhiều mảnh tôn bay vèo vèo.

 

Tại chi nhánh Ngân hàng SHB ở đường Hồ Tùng Mậu, một nhánh cây cổ thụ đổ đè lên chiếc xe Ford để trước cửa. May mắn không ai bị thương. Gió bão cũng giật đổ bức tường rào của một nhà hàng trên phường Trường Thi. Trên đường Đinh Công Tráng, Đặng Thái Thân, một số đoạn ngập đến gần nửa mét. Nhiều vụ va quệt đã xảy ra.

Cây lớn gãy đổ trên đường Nguyễn Thái Học, TP Vinh, Nghệ  An (Ảnh: Dân Trí)

Lo ngại mưa lớn gây ngập sâu, chia cắt, nhiều người dân thành phố Vinh đã đội mưa đi mua lương thực tích trữ. Tuy nhiên, từ sáng nay các cửa hàng, chợ búa đã đóng cửa. Ông Nguyễn Trọng Hoàn, Chánh Văn phòng Sở Giáo dục và Đào tạo Nghệ An cho biết, từ 13h chiều nay, các trường đã cho học sinh nghỉ học. Việc đi học trở lại sẽ do các trường tự quyết định, dựa trên tình hình mưa lũ.

 

Đến 16h30, Ban chỉ huy phòng chống lụt bão tỉnh Nghệ An cho biết, các vùng biển như Cửa Lò, Cửa Hội, Diễn Châu, Quỳnh Lưu, gió đang giật rất mạnh. Một số tàu thuyền nhỏ đã bị bão đánh chìm tại nơi neo đậu. Đặc biệt, tại biển Cửa Hội, một tàu lớn đã bị đứt neo, trên tàu có 12 thuyền viên và 300 tấn hàng. Phương án tiếp cận tàu đang được lực lượng cứu hộ triển khai.

 

Trước đó, để đảm bảo an toàn, tỉnh đã cho di dời 650 hộ dân với 3.000 nhân khẩu ở vùng ven biển, vùng có nguy cơ ngập sâu về nơi an toàn.

 

Tại Hà Tĩnh, những vùng ven biển như Can Lộc, Nghi Xuân, Lộc Hà... bị gió bão quần cho tả tơi. Cây đổ, nhà cửa tốc mái, đường sá ngập lụt khiến giao thông bị đình trệ. Liên lạc di động thường xuyên bị gián đoạn vì mưa quá lớn, gió giật mạnh làm sóng yếu.

 

Trước đó, tại cuộc họp khẩn sáng nay, lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh đã yêu cầu di dời 14.640 người dân của 26 xã thuộc 3 huyện và thành phố Hà Tĩnh. Trong đó huyện Kỳ Anh dời 4.130, Cẩm Xuyên 3.230, Lộc Hà 6.480 và thành phố Hà Tĩnh 780 người. Đây là những hộ dân sống ven cửa biển, cửa sông, cửa lạch.

 

Tại Quảng Bình, mưa to đi kèm theo lốc gây thiệt hại nghiêm trọng. Ông Nguyễn Ngọc Giai, Chi Cục trưởng Quản lý đê điều và phòng chống lụt bão tỉnh cho biết, lốc đã làm một ngôi nhà bị sập, 2 trường học bị tốc mái và 29 nhà bị hư hỏng nặng. May mắn không có thương vong. Hai xã bị thiệt hại nặng nề nhất là Duy Ninh và Hiền Ninh của huyện Quảng Ninh.

 

Tình trạng ngập lụt cũng ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất hè thu. 3.000 ha lúa đã chìm trong biển nước, hoa màu trên toàn địa bàn cũng hư hỏng nặng. Một số tuyến đường ở các huyện Tuyên Hóa, Minh Hóa, Lệ Thủy và quốc lộ 12A bị ngập gây ách tắc giao thông. Học sinh hôm nay phải nghỉ học để tránh bão.

 

Tại Quảng Trị, nơi bão đi sượt qua, theo Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Văn Bài, chiều nay trời đã ngớt mưa. Hiện cả tỉnh còn 3.000 ha lúa, hoa màu đang bị ngập úng. Tỉnh đang huy động lực lượng bơm tiêu, cứu diện tích lúa đang đến kỳ thu hoạch này.

 Người dân Quảng Trị đắp đất đỏ ngăn nước…(Ảnh: Dân Trí)

Quảng Trị hiện không có thiệt hại về người do ảnh hưởng của bão Mindulle.

 

Trong khi đó, theo Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn trung ương, 14h chiều nay, tâm bão cách bờ biển các tỉnh Thanh Hóa - Nghệ An khoảng 40 km, cường độ mạnh cấp 10-11, tăng một cấp so với sáng nay.

 

Dự báo trong 12 giờ tới, bão di chuyển chủ yếu theo hướng Tây Bắc, tốc độ 20-25 km mỗi giờ, ảnh hưởng trực tiếp đến các tỉnh từ Quảng Bình đến Thanh Hóa và đồng bằng Bắc Bộ. Như vậy chiều nay, vùng tâm bão sẽ đi vào địa phận các tỉnh từ Thái Bình đến Hà Tĩnh.

 

Sau đó suy yếu dần thành áp thấp nhiệt đới, đến 1h ngày 25-8, tâm áp thấp nhiệt đới ở trên địa bàn các tỉnh nam đồng bằng Bắc Bộ và Thanh Hóa. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 7.

 

Các tỉnh từ Quảng Bình đến Thanh Hóa và Nam đồng bằng Bắc Bộ sẽ có mưa to; các nơi khác thuộc Bắc Bộ có mưa vừa. Người dân cần đề phòng lũ quét, sạt lở đất ở vùng núi, ngập úng ở vùng trũng.

 

Vùng ven biển các tỉnh từ Hải Phòng đến Thanh Hóa nước biển dâng kết hợp với thủy triều cao 3-5 m.

 

Theo báo cáo của Bộ tư lệnh Bộ đội Biên phòng, đến sáng nay tổng số tàu thuyền được kiểm đếm, thông báo, kêu gọi, hướng dẫn là 44.297 tàu, thuyền/197.129 người.

 

Trong đó: hoạt động ven bờ và neo đậu tại vùng biển khác: 1.492 tàu/7.620 người. Neo đậu tại bến: 42.807 tàu/189.509 người. Hiện có 15 tàu Quảng Ngãi với 207 lao động đang trú tại khu vực đảo Trụ Cẩu và Gò Mới quần đảo Hoàng Sa , các tàu này vẫn giữ liên lạc).

 Dự báo đường đi và khu vực ảnh hưởng của bão lúc 14h30. 

Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương (NCHMF) cho biết, bão số 3 đang tiến sát đất liền Nghệ An - Quảng Bình và đã gây mưa to đến rất to ở các tỉnh ven biển Trung Trung Bộ,  lượng mưa phổ biến 70 - 150mm.

 

Riêng tại đảo Lý Sơn, mưa 343mm, Đà Nẵng 175mm, Huế 181mm, Thạch Hãn (Quảng Trị) 202mm, Hà Tĩnh 193mm;… Tại đảo Cồn Cỏ (Quảng Trị) có gió mạnh cấp 7, giật cấp 8, Hòn Ngư (Nghệ An) có gió mạnh cấp 8, giật cấp 9.

 

Trong ngày hôm nay (24-8), Ban chỉ đạo phòng chống lụt bão Trung ương BCĐ PCLBTƯ cử đoàn công tác do ông Đào Xuân Học - thứ trưởng Bộ NN&PTNT, Phó trưởng ban thường trực BCĐ PCLBTƯ làm trưởng đoàn đi kiểm tra, đôn đốc công tác phòng tránh bão số 3 tại các tỉnh Quảng Bình, Hà Tĩnh.

 

Trước đó vào ngày 23-8, đoàn công tác của UB Quốc gia Tìm kiếm Cứu nạn do Phó Chánh văn phòng Đỗ Văn Sơn làm trưởng đoàn đi kiểm tra, đôn đốc công tác phòng tránh bão số 3 tại các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An.

 

Tại cuộc họp BCĐ PCLB TƯ sáng nay, Trưởng ban chỉ đạo, Bộ trưởng NN&PTNT Cao Đức Phát yêu cầu các địa phương tiếp tục kêu gọi, kiểm đếm tàu thuyền, hướng dẫn ngư dân vào nơi neo đậu an toàn. Riêng các tỉnh ven biển miền Trung tiếp tục yêu cầu người dân chằng chống nhà cửa. Các đơn vị cứu hộ, cứu nạn phải chuẩn bị lực lượng sẵn sàng ứng cứu Bắc Trung bộ.

 

Ông Phát lưu ý, sau khi bão qua các địa phương ở Bắc Trung Bộ vẫn phải đề phòng lũ như đã từng xuất hiện trong các cơn bão trước đây khi mưa to, lũ lên nhanh gây thiệt hại rất lớn.

 

Hơn 600 hành khách bị kẹt vì bão

 

Bão số 3 chuyển hướng làm ảnh hưởng trực tiếp đến các chuyến bay của các hãng hàng không. Vietnam Airlines (VNA) cho biết hơn 600 hành khách đã mắc kẹt lại do các chuyến bay trong ngày 24-8 đã không thực hiện được.

 

VNA cho biết do thời tiết tại Vinh đang rất xấu, các chuyến bay từ Hà Nội và TP.HCM đến/đi từ Vinh trong ngày 24-8 bị hủy. Cụ thể các chuyến VN 372, VN374, VN376 chặng Tp. HCM - Vinh, giờ khởi hành 10 giờ 20, 14 giờ và 19 giờ 20. VN373, VN375, VN377 chặng Vinh - TP.HCM, giờ khởi hành 12 giờ 55, 16 giờ 35, và 21 giờ 55. VN 383 chặng Hà Nội - Vinh, giờ khởi hành 16 giờ 50. VN 382 chặng Vinh - Hà Nội, giờ khởi hành 18 giờ 30.

 

VNA cũng cho biết sẽ chuyển hành khách của các chuyến bay trên sang các chuyến bay thường lệ trong ngày 25-8. Trong ngày 25-8, hãng sẽ bố trí thêm các chuyến bay tăng chuyến mang số hiệu VN3762/ VN3773 trên đường bay TP.HCM - Vinh và VN 3822/ VN3831 trên đường bay Hà Nội – Vinh để giải tỏa toàn bộ 641 hành khách bị hủy chuyến bay đến/đi từ Vinh trong ngày 24-8.

 

Trước đó, chiều ngày 23-8, do ảnh hưởng của cơn bão, VNA đã buộc phải hủy một số chuyến bay đến/đi từ Huế và Buôn Ma Thuột, đồng thời đã kịp thời lập kế hoạch tăng chuyến, và bố trí cho hành khách đi trên những chuyến bay thường lệ.

 

Cụ thể: 253 khách trên chuyến bay VN246/VN247 chặng Hà Nội - Huế - Hà Nội bị hủy tối 23-8 đã được chuyển sang chuyến bay VN240/VN241 ngày 24-8 (chuyến sớm nhất trong ngày).

 

Trên 500 hành khách trên 4 chuyến bay VN254/VN255/VN256/VN257 chặng TP.HCM – Huế - TP.HCM bị hủy tối 23-8 đã được chuyển sang các chuyến bay thường lệ trong ngày 24-8 và chuyến bay tăng chuyến mang số hiệu VN2533 khởi hành lúc 13 giờ ngày 24-8 từ Huế đi TP.HCM. Trên chặng TP.HCM - Buôn Ma Thuột và ngược lại, VNA đã chuyển 125 khách trên chuyến bay VN444/ VN445 bị hủy chiều tối 23-8 sang các chuyến bay VN442/ VN444/ VN445 và VN341 trong ngày 24-8.

 

 

Theo VNE, Tuổi Trẻ

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên