Bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị các di tích

Cập nhật: 16-09-2013 | 00:00:00

Bài 1: Mật khu Hố Trầu - Một thời oai hùng

Trải qua 2 thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, người dân xã Tương Bình Hiệp, TX.Thủ Dầu Một (nay là TP.Thủ Dầu Một) luôn phát huy truyền thống yêu nước, tham gia kháng chiến chống giặc ngoại xâm, góp phần giành độc lập, tự do cho đất nước. Gắn liền với cuộc đấu tranh của người dân địa phương là những địa danh với những chiến tích lẫy lừng được sử sách ghi nhận và mãi mãi là niềm tự hào của người dân nơi đây. Một trong những địa danh nổi tiếng đó là mật khu Hố Trầu (MKHT).  

Một góc mật khu Hố Trầu (xã Tương Bình Hiệp, TP.TDM)

Địa đạo trong lòng địch…

Năm 1963, chi bộ xã Tương Bình Hiệp lãnh đạo nhân dân tập trung cao độ cho việc xây dựng MKHT để tạo thế đứng chân trên địa bàn hoạt động, đã huy động 600 lượt quần chúng tích cực tham gia xây dựng MKHT từ hố Làng ngang qua nhà ông Hai Ảnh. Địa đạo được đào theo hình chữ chi với hệ thống hầm hào có sức chứa hàng trăm người. Trên miệng hầm địa đạo, ta làm nắp đậy có ngụy trang, miệng hầm trổ ra nhiều phía; xung quanh mật khu ta lập các ụ chiến đấu. Hai bên địa đạo gài trái nổ dày đặc, thuận lợi cho hoạt động chiến tranh du kích. Mỗi khi càn quét, bọn địch chỉ ở vòng ngoài, không dám thọc sâu vào mật khu…

 

Trong những năm tháng kháng chiến, Tương Bình Hiệp (TBH) là một địa bàn không rộng, địa hình trống trải lại không liên hoàn, do vậy phong trào cách mạng gặp rất nhiều khó khăn nhưng lực lượng du kích và quần chúng nhân dân ở đây vẫn kiên cường bám trụ, biến từng vàm sông, khe suối, gốc cây, ụ đất thành chiến hào chiến đấu cho đến ngày cách mạng toàn thắng. Từ đó, trong suốt 2 thời kỳ kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, TBH là nơi thử thách của cách mạng bởi đây là một địa bàn vô cùng ác liệt, địch thường xuyên tổ chức các cuộc càn quét để tiêu diệt lực lượng cách mạng do đây là khu đệm để chúng tiến đánh vùng “Tam giác sắt”, nơi lực lượng kháng chiến của miền Nam xây dựng thành một trong những cứ địa anh hùng…

Từ giữa năm 1962, Mỹ - Diệm đã tăng cường càn quét, bắn phá, đốt nhà, gom dân tập trung vào những trại giam trá hình mà chúng gọi là ấp chiến lược, bắt dân đi làm xâu, nếu không đi thì phải đóng tiền… Chúng cho bọn thám báo, chỉ điểm, gián điệp, mật vụ trà trộn vào trong dân để dò la tin tức, nắm tình hình của ta… Lúc ấy, chi bộ xã TBH đã xác định nhiệm vụ phải lãnh đạo xây dựng chỗ đứng chân an toàn cho cán bộ, đảng viên và du kích.

Cũng năm 1962, Tỉnh ủy phát động phong trào làm địa đạo ở 3 xã phía tây nam của huyện Bến Cát. Chấp hành chỉ đạo chung đó, chi bộ xã TBH quyết định xây dựng địa đạo khu Hố Trầu để cán bộ, đảng viên và du kích xã làm chỗ đứng chân bám trụ địa bàn hoạt động. Đồng chí Huỳnh Văn Tấn (lúc ấy là bí thư chi bộ), cùng với các đồng chí Nguyễn Văn Phương, Trần Văn Dày, Đỗ Văn Long, Tám Thành đã tổ chức cho du kích và quần chúng nhân dân xây dựng mật khu (thời kỳ đầu ta gọi là khu trù mật để che mắt địch). Ta đã tổ chức 4 tổ đào từng đoạn hầm vào ban đêm, chuyển giấu đất mới đào để giữ bí mật…

Sau 2 tháng các đoạn hầm được thông với nhau. Trên 4 miệng hầm có nắp đậy được ngụy trang để giữ bí mật. MKHT có diện tích khoảng 5 ha, xung quanh mật khu là một hệ thống hầm hào, hố đinh, là khu tử địa đối với địch và đây cũng là căn cứ chiến đấu, là chỗ đứng chân của các lực lượng cách mạng trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

…Kiên cường che chở lực lượng cách mạng

Để tách rời địa bàn đứng chân của các cơ sở, đồng thời cắt đứt mối quan hệ khắng khít giữa quần chúng với cách mạng, giữa cán bộ với nhân dân, địch buộc các hộ dân sinh sống chung quanh Hố Trầu phải dời nhà đi nơi khác để chúng dễ dàng thực hiện các cuộc càn quét và truy lùng cách mạng, song các cơ sở quần chúng ở đây vẫn bám trụ và đứng vững.

Để kiểm soát và kìm kẹp nhân dân trong xã, địch huy động lính tiểu khu về càn quét và phát quang nhằm lập đồn bót, phá bỏ MKHT, chúng cũng tổ chức nhiều đợt đánh úp vào mật khu hòng đẩy bật cán bộ cách mạng ra khỏi địa bàn xã… Dù kẻ thù cố tình tách nhân dân ra khỏi cách mạng, nhưng tình cảm của nhân dân đối với cách mạng vẫn gắn bó với nhau như cá với nước. Ông Trần Quốc Cường, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã TBH - chỉ huy du kích xã thời bấy giờ, hào hứng kể lại: “Vào thời điểm đó ranh giới giữa sự sống và cái chết mong manh lắm. Đã là người con của cách mạng ai cũng xác định được điều đó. Ban ngày chúng tôi sống ở mật khu trong rừng, đêm đến bò vào các khu xóm để hoạt động. Nhiều lúc địch tuần tra, bố ráp, ta ở trong nhà, địch ở trước nhà, cách nhau chỉ bụi cây hay tấm phên tre mà thôi, nhưng nhờ sự nhanh nhạy, khéo léo của nhân dân mà chúng tôi đã vượt qua được những thời khắc hiểm nguy đó”.

Từ cuối năm 1966 đến đầu năm 1967, chính quyền Mỹ - Ngụy ráo riết chuẩn bị kế hoạch mở đợt phản công chiến lược mùa khô lần thứ hai. Ở TBH và các xã lân cận, địch huy động 1 trung đoàn chủ lực thuộc sư đoàn 5, 1 tiểu đoàn lính địa phương quân, 1 đoàn bình định và 10 xe ủi tiến hành càn quét, ủi đất, phá rừng. Địch tập trung tiến vào MKHT ủi đất san bằng địa hình, tìm hầm bí mật để đánh bật cán bộ, du kích ra khỏi địa bàn. Nhưng với hệ thống hầm chông hố đinh và các loại trái nổ được gài dày đặc, xung quanh có giao thông hào bao bọc, ta đã bảo vệ an toàn mật khu.

Ngay tại vòng ngoài, trái nổ đã làm hư 4 chiếc xe của địch. Lực lượng C.61 kết hợp với du kích xã tổ chức đánh trả lại địch trong 3 ngày đêm, làm thiệt hại cho chúng khá lớn. Hai ngày sau trận đánh, địch mới cho trực thăng đến lấy xác đồng bọn… “Cũng tại mật khu này, nhiều tên ác ôn, chỉ điểm gây nợ máu với nhân dân và cách mạng đã phải đền tội. Chúng bị bắt, tuyên án trước sự chứng kiến của đông đảo quần chúng nhân dân”, ông Cường cho biết thêm.

Năm 1969, thực hiện chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh”, chính quyền Mỹ - Ngụy tăng cường lực lượng phục vụ cho chương trình bình định. Trên khắp địa bàn nông thôn, chúng đưa bọn sĩ quan khét tiếng về làm xã trưởng, ấp trưởng, đồn trưởng để kìm kẹp nhân dân…

Tại xã TBH, để đánh phá MKHT, địch cho khoanh vùng dân cư, cho lính tháo dỡ nhà dân, bắt buộc dân phải rời khỏi khu vực Hố Trầu… Chúng xây dựng rộng rãi mạng lưới tình báo để vừa đánh phá cách mạng, vừa gây chia rẽ nặng nề, tạo sự nghi ngờ ly gián ngay trong gia đình, xóm ấp để triệt hạ cơ sở cách mạng và cô lập những cán bộ đảng viên đang hoạt động bí mật, nhưng chúng vẫn không thể nào khuất phục được ý chí kiên cường của cán bộ, đảng viên và người dân nơi đây.

Bài 2: Cần bảo tồn, tôn tạo và công nhận di tích MKHT

BÌNH MINH - VIỆT KHÁNH

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=311
Quay lên trên