Bảo tồn và phát triển làng nghề sơn mài Tương Bình Hiệp: Hướng đi bền vững, giàu ý nghĩa

Cập nhật: 09-10-2020 | 09:45:56

Hôm nay (9-10), UBND TP.Thủ Dầu Một tổ chức lễ công bố Đề án “Bảo tồn và phát triển làng nghề sơn mài Tương Bình Hiệp kết hợp với du lịch thuộc địa bàn TP.Thủ Dầu Một và các vùng lân cận” (gọi tắt là đề án) tại phường Tương Bình Hiệp. Việc phát triển du lịch gắn với làng nghề truyền thống góp phần bảo tồn và phát triển làng nghề truyền thống một cách bền vững, phát huy các giá trị văn hóa trong mỗi làng nghề ở Bình Dương.


Lãnh đạo tỉnh và TP.Thủ Dầu Một khảo sát thực tế làng nghề sơn mài Tương Bình Hiệp

Thực trạng khó khăn

Sản xuất sơn mài ở Tương Bình Hiệp là một trong những nghề thủ công truyền thống lâu đời của Thủ Dầu Một, kết hợp giữa tinh hoa văn hóa vùng phía Bắc với thổ nhưỡng, nguyên liệu, lực lượng lao động cần cù sáng tạo ở miền Nam tạo lập nên những sản phẩm mang nét đặc trưng, có tính riêng biệt, được lưu truyền và phát triển thành các sản phẩm tiểu thủ công nghiệp độc đáo được người tiêu dùng trong và ngoài nước tin dùng. Với những giá trị văn hóa quan trọng của làng nghề thủ công này, làng nghề sơn mài Tương Bình Hiệp được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Sản phẩm sơn mài Tương Bình Hiệp vốn nức tiếng cả nước bởi chất lượng, sự tinh xảo, nhẹ nhàng, mang đậm phong cách Á Đông. Thời kỳ vàng son nhất của làng nghề là vào khoảng thập niên 1980- 1990 khi sản phẩm được nhiều nước trên thế giới ưa chuộng, không chỉ mang lại nguồn thu nhập chính cho người dân địa phương mà còn tạo việc làm cho hàng ngàn lao động từ các nơi khác đến.

Đó là thời vàng son, còn nay nghề sơn mài ở Tương Bình Hiệp mai một dần do thị hiếu, thị trường có nhiều sản phẩm cạnh tranh với sơn mài về tranh, ảnh. Theo số liệu thống kê, năm 2001 làng nghề sơn mài Tương Bình Hiệp có đến gần 2.000 hộ tham gia sản xuất với gần 4.000 lao động, nhưng hiện nay chỉ còn vài chục cơ sở và doanh nghiệp (DN) sản xuất, chủ yếu giải quyết việc làm cho lao động nhàn rỗi và lớn tuổi tại địa phương. “Cái khó của làng nghề sơn mài hiện nay là thế hệ trẻ không còn đam mê với nghề sơn mài. Vì vậy, muốn bảo tồn và phát triển làng nghề sơn mài truyền thống thì cần đào tạo thế hệ trẻ, yêu nghề thì mới giữ gìn và phát triển được làng nghề”, ông Trương Quan Tịnh, chủ doanh nghiệp sơn mài Định Hòa bộc bạch. Ông Tịnh chia sẻ thêm, khi thực hiện việc phát triển làng nghề cũng nên tạo điều kiện thu hút học viên đăng ký học nghề vẽ tranh sơn mài tại trường Trung cấp Mỹ thuật tỉnh. Cần có các giải pháp thu hút khách hàng bằng cách xây dựng khu trưng bày sản phẩm sơn mài phong phú, hấp dẫn.

Ông Lê Bá Linh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Sơn mài, điêu khắc tỉnh, chủ DN sơn mài Tư Bốn, chia sẻ: “Hiện nay các DN đang gặp nhiều khó khăn về nhiều mặt như môi trường, quảng bá, tiêu thụ sản phẩm… Tỉnh phê duyệt đề án bảo tồn và phát triển làng nghề sơn mài Tương Bình Hiệp, chúng tôi - những người làm nghề hết sức phấn khởi. Từ đây, làng nghề sơn mài truyền thống Tương Bình Hiệp, một danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, nơi lưu giữ các giá trị văn hóa quý báu sẽ thắp lên hy vọng được bảo tồn và phát triển”.

Bảo tồn và phát triển

Để không bị mai một, tỉnh đã có nhiều hỗ trợ cho làng nghề sơn mài Tương Bình Hiệp phát triển, như xây dựng nhãn hiệu tập thể, triển khai dự án phát triển du lịch liên kết với phát triển làng sơn mài, hỗ trợ vốn để các cơ sở sản xuất bảo đảm môi trường… Cùng với đó, tỉnh phê duyệt Đề án bảo tồn và phát triển làng nghề sơn mài Tương Bình Hiệp kết hợp với du lịch trên địa bàn Thủ Dầu Một và các vùng lân cận.

Trên cơ sở đó, đề án được thực hiện tại khu đất công (Gò Ông Đốc) với tổng diện tích hơn 54.000m2, tọa lạc tại tổ 32, khu phố 8, phường Tương Bình Hiệp, TP.Thủ Dầu Một. Đề án được thực hiện trong thời gian 4 năm (2020-2023), với các nội dung: Xây dựng khu làng nghề sơn mài tập trung đầy đủ cơ sở hạ tầng với hệ thống xử lý nước thải, khu sản xuất tập trung, khu trưng bày sản phẩm, nhà thờ tổ, cổng chào làng nghề, dịch vụ du lịch. Kinh phí ước thực hiện 105 tỷ đồng.

Đề án nhằm điều tra khảo sát thực tế hoạt động làng nghề, những khó khăn, vướng mắc để đề xuất hướng tháo gỡ, giải quyết; tạo điều kiện tốt nhất cho các cơ sở, DN tiếp cận các chương trình, chính sách liên quan để hỗ trợ cũng như đề xuất để tham gia các hội thảo, triển lãm, hội chợ để quảng bá sản phẩm có chiều sâu, tìm kiếm thị trường, áp dụng khoa học kỹ thuật mới. Đồng thời, giới thiệu quảng bá về các di tích văn hóa, lịch sử, tôn giáo đặc thù ở địa phương lẫn cảnh quan khu vực xanh đẹp với các vườn cây ăn trái, ẩm thực và văn nghệ dân gian tạo sức mạnh tổng hợp để phát triển kinh tế - xã hội, vừa tạo được sự thích thú của du khách giúp cho việc phát triển loại hình tham quan, du lịch, mua sắm ở làng nghề và các khu vực lân cận ở TP.Thủ Dầu Một.

 THOẠI PHƯƠNG

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=1827
Quay lên trên