Nghị quyết 41-NQ/TƯ của Bộ Chính trị về bảo vệ môi trường (BVMT) trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa không chỉ làm chuyển biến tích cực về nhận thức mà còn trong hành động đối với các cấp, các ngành ở Bình Dương...
Nhiều việc làm cụ thể, thiết thực và hiệu quả
Thể hiện rõ nhất là BVMT trong sản xuất công nghiệp. Thống kê từ năm 2006 đến nay cho thấy, đã có 94 dự án đầu tư bị từ chối, trong đó có 87 dự án không phù hợp quy hoạch và 7 dự án không bảo đảm về môi trường. Tỷ lệ cơ sở mới bố trí đúng quy hoạch được phê duyệt, áp dụng công nghệ sạch hoặc trang bị các thiết bị giảm thiểu ô nhiễm và xử lý chất thải đến nay đạt 80%. Các khu công nghiệp (KCN) và các cơ sở sản xuất mới thành lập đều có lập báo cáo đánh giá tác động môi trường, bản cam kết BVMT trước khi đi vào hoạt động. Hiện nay, 18/24 KCN đi vào hoạt động đã có hệ thống xử lý nước thải tập trung, đạt tỷ lệ 75%. Tỷ lệ các doanh nghiệp trong KCN đấu nối nước thải về hệ thống xử lý tập trung đạt 92%, trong đó có nhiều KCN đạt 100%. Có đến 75% số cơ sở sản xuất nằm ngoài KCN đã cố gắng đầu tư xây dựng các hệ thống xử lý chất thải nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Tỷ lệ các cơ sở sản xuất kinh doanh đạt tiêu chuẩn môi trường hoặc được cấp giấy chứng nhận ISO 14001 là 16,5%.
Một góc cây xanh ở thành phố mới Bình Dương
Bên cạnh BVMT trong sản xuất công nghiệp, việc BVMT đô thị cũng được chú trọng. Để giải quyết vấn đề bức xúc về thoát nước, xử lý nước thải tại các khu đô thị, tỉnh cũng đã xác lập danh mục 15 dự án thoát nước, xử lý nước thải ưu tiên đầu tư trong giai đoạn 2006-2012. Đến nay, các dự án này đã hoàn thành thủ tục đầu tư, một số dự án đã được triển khai thi công như hệ thống thoát nước Thủ Dầu Một, dự án cải thiện môi trường nước Nam Bình Dương. Bên cạnh đó, các khu dân cư mới cũng đã quan tâm, xây dựng hệ thống thoát nước theo quy hoạch được phê duyệt, nhiều khu nhà trọ được cải tạo, nâng cấp góp phần cải thiện môi trường đô thị trên địa bàn tỉnh.
Việc thu gom, xử lý chất thải rắn đô thị được cải thiện đáng kể trong thời gian qua. Các xí nghiệp công trình đô thị được tăng cường thêm nhân lực và trang thiết bị, nhiều tổ rác dân lập được hình thành đã nâng tỷ lệ rác đô thị được thu gom đạt trên 81%. Một số hạng mục như hố chôn lấp hợp vệ sinh, trạm xử lý nước rỉ rác của Khu liên hợp xử lý chất thải Nam Bình Dương được xây dựng và đưa vào vận hành, giúp cho việc xử lý rác ngày càng tốt hơn.
Cấp nước và cây xanh đô thị cũng được triển khai, bao gồm các dự án cấp nước Nam Thủ Dầu Một, nhà máy nước Tân Hiệp và nhà máy nước Nam Tân Uyên. Đến nay, dự án cấp nước Nam Thủ Dầu Một đã hoàn thành, các dự án còn lại triển khai đúng tiến độ, dự kiến đến năm 2010 sẽ đi vào hoạt động, tăng thêm nguồn nước phục vụ cho quá trình phát triển công nghiệp và đô thị. Tỷ lệ cây xanh, mặt nước đô thị trên địa bàn tỉnh hiện nay đạt 7,4% diện tích đất đô thị.
Song song với việc BVMT đô thị, BVMT nông thôn có nhiều chuyển biến. Tính đến nay, toàn tỉnh có 73 câu lạc bộ nhà nông. Việc lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật trong canh tác, bảo quản và chế biến nông sản đã được kiểm soát và hạn chế. Các mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao cũng như việc áp dụng phương thức, kỹ thuật canh tác tiên tiến được hình thành và nhân rộng tại các huyện Tân Uyên, Phú Giáo, Bến Cát và Dầu Tiếng. Chương trình nước sạch nông thôn và vệ sinh môi trường tiếp tục triển khai thực hiện. Do thực hiện tốt công tác tuyên truyền và vận động, ý thức giữ gìn vệ sinh của người dân ở nông thôn được nâng cao, nhiều hộ dân đã tự xây dựng hố xí hợp vệ sinh và nhiều chuồng trại xây dựng hệ thống xử lý chất thải. Đến nay tỷ lệ hộ dân có nhà xí hợp vệ sinh đã tăng lên 82% và số chuồng trại có hệ thống xử lý chất thải lên 52%. Việc thu gom xử lý chất thải sinh hoạt ở nông thôn cũng được thực hiện, góp phần cải thiện môi trường nông thôn.
Bằng những giải pháp hữu hiệu...
Ngoài việc tăng cường phổ biến, tuyên truyền sâu rộng bằng các hình thức, việc tăng cường công tác quản lý Nhà nước về BVMT đã đáp ứng được công tác quản lý môi trường hiện nay trong tất cả các ngành công nghiệp, y tế, giao thông, nông nghiệp, khai thác khoáng sản và xác định rõ trách nhiệm của các ngành, địa phương trong công tác BVMT. Đồng thời, còn thành lập nhiều tổ chức chuyên trách BVMT như Chi cục BVMT, Trung tâm quan trắc Tài nguyên và Môi trường, Cảnh sát môi trường, Phòng quản lý Môi trường của Ban quản lý các KCN, Quỹ BVMT, Đội kiểm tra liên ngành về BVMT đã được thành lập và đi vào hoạt động. Đến nay, mỗi Phòng Tài nguyên và Môi trường của các huyện, thị đều có 6 - 7 cán bộ môi trường, các xã có tốc độ phát triển công nghiệp và đô thị cao đều có cán bộ chuyên trách môi trường. Nhờ có sự phân cấp, cụ thể và rõ ràng, đã giúp công việc ngày càng sát với thực tế và chủ động hơn.
Hiện nay, trong kế hoạch vốn đầu tư giai đoạn 2007-2010 về môi trường đã có hơn 1.100 tỷ đồng vốn của doanh nghiệp trong nước tham gia và gần 1.500 tỷ đồng là nguồn vốn ODA hoặc ADB; đồng thời trên địa bàn tỉnh còn có 6 doanh nghiệp tham gia xử lý và tái chế chất thải với tổng số vốn đầu tư lên đến gần 50 tỷ đồng, nhiều khu phố của thị xã, thị trấn thành lập các tổ thu gom rác dân lập. Một số phong trào quần chúng BVMT và các mô hình tự quản về môi trường đã được hình thành như mô hình cộng đồng dân cư tự quản về môi trường tại khu phố 3, phường Hiệp Thành (TX.TDM). Xã hội hóa về công tác BVMT đã góp phần tạo chuyển biến tích cực về công tác BVMT.
MINH HIỀN