Phát triển đi đôi với BVMT là điều mà các cấp, các ngành và người dân huyện Dầu Tiếng quan tâm
Một số cán bộ phụ trách môi trường, cho biết ô nhiễm môi trường (ONMT) đang là một thách thức lớn đối với Dầu Tiếng. Cùng với tốc độ gia tăng hoạt động sản xuất nông nghiệp là quá trình đưa hóa chất bảo vệ nông nghiệp, phân bón hóa học vào MT đất. Cụ thể như hồ Dầu Tiếng, Cần Nôm... bị ô nhiễm từ những hộ nuôi cá bè, hoạt động vui chơi giải trí, du lịch và khai thác cát ồ ạt trên lòng hồ. Hai con sông Sài Gòn, Thị Tính cũng bị ô nhiễm rất nặng và gây mùi hôi cho cả hệ thống nước ngầm của người dân do không quản lý chặt chẽ và sự thiếu ý thức BVMT từ các nhà máy, xí nghiệp xả nước thải chưa qua xử lý trực tiếp ra MT... Vì vậy, làm sao để giải quyết cân đối và hài hòa giữa phát triển và BVMT là vấn đề mà các cấp, các ngành và người dân trên địa bàn huyện quan tâm. Do đó, đề tài “Xây dựng kế hoạch BVMT đến năm 2015 và tầm nhìn đến năm 2020” nhằm giải quyết bài toán khó đó.
Đối với MT và tài nguyên, Dầu Tiếng phấn đấu sẽ thực hiện bằng được các dự án như: Dự án giải quyết triệt để nước thải công nghiệp của ngành chế biến mủ cao su; lập tuyến thu gom, vận chuyển và lựa chọn vị trí xử lý chất thải rắn trên địa bàn huyện; xây dựng hệ thống xử lý nước thải sinh hoạt ở thị trấn Dầu Tiếng; xây dựng kế hoạch hành động bảo vệ tài nguyên nước trên địa bàn huyện, đặc biệt là khu vực hồ Dầu Tiếng và hồ Cần Nôm; bảo vệ tài nguyên đất, không khí dưới tác động của việc khai thác khoáng sản; bảo vệ thảm thực vật và đa dạng sinh học; lựa chọn nguồn nước mặt để hoàn thiện hệ thống cấp nước sinh hoạt cho người dân nông thôn.
Để đề tài đạt hiệu quả cao, cán bộ MT còn cho biết việc nâng cao trách nhiệm của người dân và các tổ chức là điều quan trọng. Vì vậy, công tác tuyên truyền nhằm tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm và tăng cường năng lực cho người dân về BVMT là rất quan trọng. Làm tốt công tác này, trước hết, Dầu Tiếng sẽ cung cấp kiến thức về pháp luật BVMT, hiểu biết về MT, tình trạng ONMT đang xảy ra tại các xã, thị trấn và tác động của ONMT tới sức khỏe con người... giúp người dân thức tỉnh và ý thức trách nhiệm về giữ gìn BVMT. Các phương tiện truyền thông được áp dụng là phát thanh, panô, tranh cổ động... cùng nhiều hoạt động tuyên truyền như biểu diễn văn nghệ, hội thảo, triển lãm... nhằm thu hút mọi người tham gia để vừa lồng ghép công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức BVMT, vừa khuyến khích cộng đồng phát huy các sáng kiến, nâng cao vai trò, trách nhiệm của cộng đồng tham gia công tác BVMT. Song song đó, đề án cũng tập trung nâng cao năng lực của các ban ngành, tổ chức xã hội, xây dựng chương trình huấn luyện và triển khai để nâng cao năng lực quản lý của cán bộ MT cấp huyện, xã; xây dựng cơ sở dữ liệu thông tin về tài nguyên và MT trên toàn huyện phục vụ công tác quản lý Nhà nước về bảo vệ tài nguyên và MT; thành lập và hỗ trợ đội ngũ tuyên truyền viên tại địa phương phục vụ cho các hoạt động BVMT... Với quan điểm “BVMT là nhiệm vụ của toàn dân, các cấp, các ngành, các tổ chức, cộng đồng và toàn dân phải tích cực tham gia nhằm giảm thiểu ONMT, phát triển kinh tế - xã hội bền vững” thì đề tài “Xây dựng kế hoạch BVMT đến năm 2015 và tầm nhìn đến năm 2020” hứa hẹn đem lại hiệu quả cao, tác động tích cực đến con người.
THU THẢO