Thời gian gần đây, xâm hại tình dục (XHTD) trẻ em đang là vấn nạn được xã hội đặc biệt quan tâm. Để trẻ chủ động phòng tránh XHTD, các ngành, đoàn thể trong tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, tuy nhiên công tác này cần sự góp sức của gia đình, nhà trường và toàn xã hội.
Học sinh trường THCS An Bình (TX.Dĩ An) tham gia vẽ tranh phòng, chống xâm hại tình dục trẻ em
Gia tăng tình trạng trẻ bị xâm hại
Những năm gần đây, số vụ trẻ em bị XHTD có chiều hướng tăng, diễn biến phức tạp. Đối tượng XHTD trẻ em phần lớn là những người thân, quen và cả người có trách nhiệm bảo vệ, chăm sóc trẻ em. 6 tháng đầu năm 2018, Bình Dương xảy ra 2 vụ việc trẻ em bị xâm hại tại huyện Phú Giáo, thì 6 tháng đầu năm 2019 các vụ xâm hại được phát hiện ở 5 địa phương với 8 vụ. Các huyện, thị: Bắc Tân Uyên, Bàu Bàng, Dầu Tiếng mỗi huyện xảy ra 2 vụ, TP.Thủ Dầu Một và huyện Phú Giáo, mỗi địa phương xảy ra 1 vụ. Các vụ xâm hại đều có chung tình huống là đối tượng lợi dụng sự thân quen, gần gũi để dụ dỗ và thực hiện hành vi đồi bại với trẻ.
Bà Nguyễn Thị Thanh Phương, Trưởng phòng Bảo vệ, chăm sóc trẻ em và Bình đẳng giới, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ- TB&XH) cho biết: “Trẻ em trai và trẻ em gái đều có thể là nạn nhân của XHTD. XHTD trẻ em xảy ra khi một ai đó sử dụng quyền lực hoặc lợi dụng sự tin tưởng của trẻ để lôi kéo trẻ vào hoạt động tình dục. Thủ phạm XHTD trẻ em thường là thành viên trong gia đình, cộng đồng hay ai đó mà trẻ tin cậy. Khi trẻ bị xâm hại, hãy tìm cách gọi điện cho lực lượng phản ứng nhanh (113) hoặc hotline bảo vệ trẻ em quốc gia 18001567”.
Thực tế, nhiều người chủ quan cho rằng; sự việc này sẽ không xảy ra với con em mình bởi chẳng bao giờ họ để con chơi với người lạ. Thạc sĩ Nguyễn Văn Dũng, Giảng viên trường Đại học Thủ Dầu Một cho biết: “Không ít người nghĩ rằng, XHTD trẻ em chỉ xảy ra với người lạ. Trong thực tế, nhiều trẻ bị xâm hại đều sống ở những gia đình có nền tảng giáo dục tốt hay học ở các ngôi trường tốt... Thậm chí có trường hợp trẻ lại bị chính những người quen biết, ruột thịt của mình xâm hại”.
Trang bị kỹ năng phòng, chống xâm hại tình dục
Trước tình trạng trẻ em bị xâm hại, nhiều gia đình đã tự trang bị các kiến thức cũng như dạy các em một số kỹ năng cơ bản để phòng, chống bị XHTD. Tuy nhiên, cách giáo dục này chỉ dừng lại ở mức giúp các em tiếp cận vấn đề mà chưa đi sâu về kỹ năng bảo vệ, phát hiện người xấu, người tốt.
Để trẻ chủ động phòng tránh XHTD cho trẻ, các ngành, đoàn thể trong tỉnh đã chung tay, triển khai nhiều giải pháp đồng bộ. Thầy Đặng Thanh Tuấn, Trưởng phòng Giáo dục - Đào tạo huyện Phú Giáo cho biết: “Hiện, tất cả các trường tiểu học, THCS, THPT trên địa bàn huyện đều đã thành lập ít nhất một tổ tư vấn tâm lý cho học sinh. Nội dung tư vấn rất đa dạng, gắn với tuyên truyền đạo đức, lối sống, kỹ năng sống, phòng, chống bạo lực, xâm hại”.
Trong khi đó, bà Ngô Thị Xuyến, Trưởng phòng LĐ- TB&XH huyện Dầu Tiếng cho biết: “Để bảo vệ trẻ trước nguy cơ bị xâm hại, huyện Dầu Tiếng đã thực hiện mô hình bảo vệ trẻ em cấp xã và cộng tác viên bảo vệ trẻ em ở khu dân cư. Nhiệm vụ các thành viên quản lý, theo dõi nhóm trẻ em có nguy cơ bị bạo lực, XHTD; từ đó có biện pháp hỗ trợ, can thiệp kịp thời”. Tuy nhiên việc phòng, chống XHTD trẻ em rất cần sự chung tay của gia đình, nhà trường và xã hội. Cha mẹ nên thường xuyên dành thời gian trò chuyện, tâm sự, làm bạn với con cái, tạo cho các con điểm tựa vững chắc về tinh thần. Khi phát hiện con em mình có những dấu hiệu, biểu hiện bị XHTD thì cha mẹ phải kịp thời lên tiếng, báo cáo với các cơ quan chức năng nhờ can thiệp, giải quyết.
KIM HÀ