Người lao động (NLĐ) là vốn quý của doanh nghiệp (DN). Vì vậy, các DN luôn có những chính sách, cách làm để giữ vốn quý của mình, trong đó việc trang bị kỹ năng lao động an toàn, kỹ năng phòng cháy chữa cháy cho NLĐ là hết sức cần thiết.
Theo báo cáo của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, đến nay số DN khai báo sử dụng máy, thiết bị, vật tư có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ) tăng cao so với cùng kỳ năm 2023. Các DN cũng có những cách làm hay như xây dựng những mô hình, tổ chức các đợt xử lý theo tình huống giả định có sự tham gia của lực lượng chức năng. Qua các hoạt động này giúp NLĐ nâng cao các kỹ năng cơ bản như kỹ năng thoát nạn, sơ cấp cứu, xử lý sự cố cháy nổ ban đầu được tốt hơn, từ đó hạn chế thiệt hại về người và tài sản, mà cụ thể nhất là lực lượng trực tiếp lao động tại nhà máy.
Theo số liệu của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, trong năm 2022, từ báo cáo của 62 tỉnh, thành cho thấy cả nước đã xảy ra 7.718 vụ tai nạn lao động (TNLĐ), tăng 1.214 vụ, tương đương 18,66% so với năm trước. Đáng chú ý, qua số liệu tổng hợp cả nước thì Bình Dương là một trong những địa phương có số vụ TNLĐ ở mức cao. Từ áp lực đó, các cơ quan, ban ngành trong tỉnh đã có những nỗ lực không ngừng trong việc chủ động phòng ngừa TNLĐ.
Hàng loạt giải pháp đã được Bình Dương thực hiện xuyên suốt như chủ động kiểm tra công tác ATVSLĐ; phối hợp thanh tra, kiểm tra các DN hoạt động trong các lĩnh vực có nhiều nguy cơ xảy ra TNLĐ, sự cố nghiêm trọng; tăng cường tổ chức tuyên truyền, phổ biến kiến thức, pháp luật về ATVSLĐ phù hợp với từng lĩnh vực và ngành nghề. Các DN cũng quan tâm triển khai công tác ATVSLĐ; chú trọng đến các hoạt động tự kiểm tra, chủ động kiểm soát phòng ngừa các yếu tố nguy hiểm, có hại tại DN, phòng ngừa TNLĐ do ngã cao, điện giật, vật rơi, đổ sập; tổ chức huấn luyện ATVSLĐ cho NLĐ… Những giải pháp mang tính dài hơi nhằm hạn chế thấp nhất các vụ tai nạn cũng như hệ lụy sau đó, đặc biệt là được NLĐ, DN nhiệt tình hưởng ứng, đến nay các giải pháp trên đã phát huy hiệu quả.
L.T.PHƯƠNG