Một cơn bão từ thoát ra từ mặt trời đã ập xuống địa cầu vào ngày 5-4 nhưng không gây thiệt hại.
Bão từ gây nên cực quang ở phía trên núi lửa Eyjafjallajökull tại Iceland vào ngày 5-4.
Vào ngày 3-4, tàu vũ trụ SOHO phát hiện một đám mây hạt mang điện tích thoát ra từ mặt trời với vận tốc 500 km/s. Các chuyên gia cho rằng, với tốc độ đó, đám mây có thể bay tới trái đất trong gần ba ngày kể từ thời điểm xuất phát. Nhưng thực tế nó đã tới hành tinh xanh vào ngày 5-4, sớm hơn một ngày so với dự đoán.
“Đám mây mạnh hơn và tới địa cầu sớm hơn so với tính toán của giới khoa học”, Doug Biesecker – một chuyên gia của Trung tâm dự báo thời tiết vũ trụ thuộc Cục Đại dương và Khí quyển quốc gia Mỹ - phát biểu.
May mắn thay, cơn bão không đủ mạnh để phá hoại các hệ thống tải điện và gây tê liệt hoạt động của các vệ tinh nhân tạo. Tuy nhiên nó tạo nên cực quang ở nhiều nơi, trong đó có Iceland. Newscientist cho biết, đây là cơn bão từ mạnh nhất kể từ tháng 12-2006.
Bão từ xuất hiện khi dòng hạt mang điện tích phóng ra từ gió mặt trời tác dụng lên các đường cảm ứng từ của trái đất. Chúng có thể làm tê liệt hoạt động của các vệ tinh nhân tạo và thậm chí còn tấn công các mạng lưới điện trên mặt đất. Các nhà khoa học tính toán được rằng các trận bão từ đạt mức cực đại theo chu kỳ 11 năm. Theo Telegraph, các nhà thiên văn dự đoán lần cực đại sắp tới của bão từ sẽ xảy ra đúng vào dịp Thế vận hội Olympic 12 tại thành phố London, Anh.
(THEO VNE)