“Tuần lễ giáp Tết Canh Dần, đặt cọc mua đất nền với giá 6,9 triệu đồng/m2. Vừa ra giêng đã có người trả mua ngay với giá 7,2 triệu đồng/m2, nhưng tôi chưa vội bán vì sắp tới giá đất đai sẽ còn tăng, nhất là chuyện Thành phố mới Bình Dương được dự kiến sẽ chính thức khởi công vào cuối tháng 4-2010”, bà Phạm Thùy Dương, một nhà môi giới bất động sản ở Bình Dương cho biết.
Phác thảo “chân dung” Thành phố mới Bình Dương
Bất động sản bắt đầu nóng!Theo bà Thùy Dương, kế hoạch di dời trung tâm hành chính tỉnh vào Thành phố mới Bình Dương được thông báo là vào năm 2012. Thời gian từ đây đến đó đủ để kích thêm sức hút đầu tư vốn đổ vào Thành phố mới Bình Dương. “Giá cả đất đai nơi đây chắc chắn sẽ tăng vọt từ cuối quý III-2010. Tuy nhiên, giá cả cho nhà ở vẫn trong mức vừa khả năng của khách hàng mua để an cư”, bà Thùy Dương nhận định.
Trả lời câu hỏi liệu giá đất Khu đô thị Mỹ Phước (Bến Cát) có tăng theo, bà Thùy Dương dè dặt cho rằng, điều này còn tiếp tục chờ sự kết nối của hạ tầng giao thông. “Những người đang sở hữu đất nền Mỹ Phước lo ngại là chuyện sang nhượng không ai mua, mặc dù giá rao bán giảm nhanh và rất đáng kể so với giá mua lúc đầu. Bên cạnh ảnh hưởng chung của thị trường, có nguyên do là một số đơn vị môi giới đã thiếu trung thực khi đưa khách hàng đến Mỹ Phước tìm hiểu lúc đầu”, bà Thùy Dương giải thích cho chuyện khi đêm về nhiều khu dân cư mới xây dựng rất hoành tráng tại Mỹ Phước vẫn thiếu ánh sáng đèn do không ai ở, mặc dù trên giấy tờ tất cả đều có chủ.
Hiện tại, theo quy hoạch Thành phố mới Bình Dương dành ra 1.000 ha cho việc phục vụ định cư của người dân. Đến nay, ở các vị trí được đánh giá là đắc địa như gần khu quy hoạch bệnh viện quốc tế, trường đại học, trung tâm thương mại - tài chính... của Thành phố mới Bình Dương đều đã được giới đầu tư sở hữu; kể cả những vị trí trong tương lai sẽ kinh doanh loại hình “bất động sản cây xăng” cũng đã được “xí phần”.
Bà Thùy Dương nhìn nhận chính yếu tố sẽ di dời trung tâm hành chính tỉnh vào Thành phố mới Bình Dương là nguyên nhân chủ yếu khiến giá đất nơi này hiện bắt đầu tăng. Khách đến tìm mua không chỉ từ Sài Gòn hay Biên Hòa như trước đây mà có cả một số tỉnh đồng bằng sông Cửu Long hay từ Tây nguyên đổ về. Tuy nhiên, về mặt thông tin trên báo chí thì có lẽ ảnh hưởng chuyện nghỉ Tết Canh Dần khá dài nên thị trường nơi đây chưa thu hút được sự chú ý của giới truyền thông.
Xu hướng mua... đồn điền!
Đây cũng là hướng kinh doanh bắt đầu phổ biến của giới đầu tư bất động sản. Bà Đỗ Thị Mỹ, chủ sạp vải chợ Chơn Thành, tỉnh Bình Phước cho biết cùng một số tiền 2 tỷ đồng, nếu mua một vị trí để cho thuê kinh doanh quán ăn ở khu vực ngã tư Chơn Thành, lợi nhuận thu được khoảng trên dưới chục triệu đồng/tháng. Nếu cho thuê làm nhà ở, lợi nhuận giảm còn phân nửa. Nhưng cũng số tiền này nếu đầu tư mua khoảng trên 2 mẫu cao su đã trồng được 5 tuổi, thu nhập từ khai thác “vàng trắng” cao hơn rất nhiều so với 2 loại hình kinh doanh quán ăn hay cho thuê nhà ở nói trên.
Chia sẻ vấn đề này, bà Phạm Thùy Dương cho biết tùy vị trí mà giá đồn điền cao su khác nhau. Có nơi chỉ khoảng 300 triệu đồng/ha; còn mức bình quân thì khoảng nửa tỷ bạc cho một ha. “Tôi có 15 mẫu cao su đang khai thác. Đầu tư vào bất động sản đồn điền an tâm do có lợi nhuận ngay và ổn định. Tuy nhiên, đầu tư vào lĩnh vực này thì cực khâu thuê mướn lao động...”, bà Phạm Thùy Dương, nói.
Dân môi giới nhà đất Bình Dương và Sài Gòn tiến ra Bắc!
Sau rằm tháng Giêng, có đoàn các nhà đầu tư bất động sản từ Bình Dương đã ra tỉnh Hà Nam để chuẩn bị cho những kế hoạch đón đầu kinh doanh đất đai nơi này. Lý do, theo quy hoạch, đây là vùng thuộc Hà Nội. Các nhà môi giới nhà đất ở Bình Dương và Sài Gòn đều chung nhận định là thị trường bất động sản Hà Nội lâu nay chủ yếu rất ít doanh nghiệp làm nghề này thuộc khối tư nhân có thương hiệu lớn. Mặt khác, nguồn cung hiện tại khá hạn chế, nhất là các dự án thuộc loại vừa túi tiền của người dân khu vực Hà Nội và lân cận.
“Thị trường miền Bắc có điểm lạ là có rất nhiều nhà đầu tư xuôi vào Nam tìm mua đất đai, căn hộ ở Phú Mỹ Hưng (TP.HCM) hay các khu dân cư ở Thủ Dầu Một (Bình Dương), Biên Hòa (Đồng Nai). Bước đầu tìm hiểu cho thấy tại miền Bắc, nhu cầu đầu tư lớn song lại ít dự án nên những đại gia thủ đô phải tìm vào miền Nam”, bà Phạm Thùy Dương cho biết.
Phân tích khả năng lợi nhuận kinh doanh ở thị trường mới, bà Phạm Thùy Dương lập luận sở dĩ mặt bằng giá đất Hà Nội (tính luôn cả phần mở rộng) cao hơn Sài Gòn vì cho đến nay mức độ cạnh tranh ở thị trường này vẫn thấp hơn rất nhiều so TP.HCM hay Bình Dương, Đồng Nai. Trong lúc năm vừa qua tại TP.HCM nhiều chủ đầu tư quy mô vốn nhỏ đã phải cắn răng sang nhượng dự án bởi sức ép cạnh tranh, thì ở Hà Nội sức ép này không đáng kể; cung vẫn kém xa mức cầu, nhất là phân khúc thị trường nhà giá trung bình. Đặc biệt trong cung cách tiếp thị dự án, hầu hết các nhà đầu tư phía Nam đều tự tin cho rằng đang là thế mạnh vượt trội mà các đồng nghiệp nơi khác khó thể so bì.
THẢO VY