Đối tượng Lê Thế Song hiện đang bị tạm giam
Biết người quen đang gặp rắc rối chuyện tiền bạc với ngân hàng, một đối tượng buôn bán sách báo dạo “tự phong” là cộng tác viên của tờ báo lớn, quan hệ rộng với nhiều phóng viên trong cả nước, có thể viết bài tác động để giải quyết sự việc. Đổi lại, bên kia phải làm hợp đồng khống với khoản tiền “hoa hồng” mà hắn được hưởng 10%. Sự việc không suôn sẻ...Khoảng 9 giờ 30 phút ngày 10-12-2009, một chiếc xe máy dẫn đường xe taxi chạy thẳng vào trang trại của anh Phan Văn Tuyết, SN 1971, ở Thới Hòa, Bến Cát. Sau một hồi cự cãi, những người này đã rút mã tấu khống chế buộc anh Tuyết lên xe taxi đi đến một phòng trọ ở quận Thủ Đức (TP.HCM) và giam lỏng anh. Công an huyện Bến Cát vào cuộc, ngày hôm sau đối tượng đầu vụ bị bắt, anh Tuyết được giải thoát.
Đối tượng đạo diễn toàn bộ sự việc này là Lê Thế Song, SN 1963, ngụ Nghệ An. Song hành nghề bán sách báo dạo vỉa hè. Năm 2008, Song thuê kios của anh Tuyết ở đường D11, KCN Mỹ Phước, Bến Cát để mở quầy bán sách báo Song Long Phát. Qua trò chuyện, Song biết anh Tuyết đang có vướng mắc trong vấn đề tiền nong ở một ngân hàng có trụ sở đóng tại Bình Dương. Vào năm 2007, anh Tuyết gửi số tiền 3,7 tỷ đồng, sau đó ngân hàng xảy ra sự cố về nhân viên nên hồ sơ của anh bị thất lạc. Anh Tuyết muốn rút tiền ra nhưng không được. Do buôn bán, chịu đọc sách báo nên Song “rành” về các đầu báo, trình tự để giải quyết vụ việc kiểu này. Song tự xưng là cộng tác viên của một tờ báo lớn có trụ sở đóng tận Hà Nội, quan hệ rộng với các phóng viên có thể viết bài tác động để anh Tuyết lấy lại được 3,7 tỷ đồng. Đổi lại, Song buộc anh Tuyết thỏa thuận bằng cách viết một giấy tay với nội dung: “Song có cho anh Tuyết mượn 250 triệu đồng. Anh Tuyết sẽ trả tiền khi rút được tiền từ ngân hàng ra”. Đây là “giấy nợ khống” nhằm hợp thức hóa việc Song được hưởng 10% số tiền rút ra từ ngân hàng. Sau đó Song đã nhờ người viết bài về trường hợp của anh Tuyết đăng trên Tạp chí “phóng sự xã hội” - tỉnh Thanh Hóa. Sau khi đăng bài, Song tìm đến đưa tờ giấy giao kèo trước đó, yêu cầu anh Tuyết trả tiền theo đúng thỏa thuận. Tiền ở ngân hàng chưa rút ra, nay lại phải chịu mất thêm một khoản vô cớ, nên anh Tuyết không đồng ý. Cả hai phát sinh mâu thuẫn trong việc giải quyết “món nợ khống” 250 triệu đồng. Không thể nói miệng, anh Tuyết và Song đã đưa vụ việc ra chính quyền xã Thới Hòa giải quyết nhưng không thành. Mỗi bên đều có lý riêng; tuy nhiên với tính toán của một đối tượng đã chủ ý giăng “bẫy” thì Song không bỏ qua mà muốn gia tăng áp lực với anh Tuyết. Khoảng 9 giờ 30 phút ngày 10-12-2009, Song điều khiển xe máy chở Hạnh “sẹo” dẫn đường cho 3 thanh niên khác cùng đi trên một xe taxi chạy đến trang trại của anh Tuyết tại Thới Hòa, Bến Cát để buộc anh đưa tiền. Anh Tuyết vẫn giữ lập trường, đòi đưa sự việc ra chính quyền địa phương giải quyết. Song ra lệnh cho Hạnh “sẹo” và 3 đối tượng kia dùng mã tấu khống chế bắt anh Tuyết lên xe taxi, sau đó chúng đưa anh đến nhốt tại một phòng trọ vắng ở ở quận Thủ Đức, TP.HCM nhằm gây áp lực, buộc đưa tiền. Công an Bến Cát đã vào cuộc, giải cứu anh Tuyết, bắt giữ Song và tạm giam cho đến nay. Tại cơ quan công an, Song khai nhận đã thuê các đối tượng giang hồ này ở khu vực bến xe Lam Hồng thuộc địa phận huyện Dĩ An nhằm dằn mặt, gây áp lực với anh Tuyết.
Ngày 7-1-2010, thượng tá Nguyễn Văn Thắng, Phó Trưởng Công an huyện Bến Cát cho biết: Cơ quan CSĐT Công an huyện đã ra quyết định khởi tố vụ án, bắt tạm giam Lê Thế Song về hành vi “bắt giữ người trái pháp luật”.
L.V.CHÂU