Kết quả một dự án nghiên cứu công phu có tên “Census of Marine Life” kéo dài 10 năm về sự sống ở đại dương mới công bố ngày 3-8 trên Tạp chí PLoS ONE đã hé lộ nhiều điều thú vị và bất ngờ.
80% sinh vật biển chưa được phát hiện
Các loài sinh vật biển có sự đa dạng và phân bố với khác biệt rất lớn giữa các vùng biển. Australia và Nhật Bản là những vùng nước phong phú sinh vật biển nhất, mỗi nơi có gần 33.000 loài đã được biết. Ở 25 vùng nước được nghiên cứu, số lượng trung bình các loài trong mỗi vùng là 10.750. Các loài động vật giáp xác là nhóm đông đúc nhất ở các vùng biển, chiếm khoảng 1/5 số sinh vật biển, tiếp theo là động vật thân mềm 17%, cá 12%, tảo và thực vật biển cùng sinh vật đơn bào mỗi thứ khoảng 10%...
Cuộc nghiên cứu không nhằm trả lời câu hỏi “Có bao nhiêu cá ở biển?” mà nhằm cho thấy hình ảnh sự sống ở đại dương, ghi nhận các loài sinh vật biển khác nhau. Theo tiến sĩ Patricia Miloslavich, một trong các nhà khoa học đứng đầu dự án, sự tương quan của các báo cáo, trong đó nhiều báo cáo từ các nguồn địa phương đã giúp “mang lại trật tự cho sự hỗn loạn”. Bà cho biết: “Thông tin rải rác trước đây hiện nay được xem xét lại toàn bộ, phân tích và trình bày trong một tập hợp báo cáo tại một tạp chí truy cập mở”.
Ốc xà cừ hình nhện ở ngoài khơi Trung Quốc.
Báo cáo này với một kết quả thống kê đầy đủ sẽ được công bố trong tháng 10-2010. Dù 360 nhà khoa học đã làm việc hơn 10 năm trong dự án này nhưng họ tin rằng phần lớn các loài sống ở đại dương vẫn đầy bí ẩn. Các nhà khoa học thống kê ước tính rằng có đến 80% số loài sinh vật biển vẫn chưa được phát hiện.
Với một vài nhóm, như cá, các nhà khoa học cho rằng hơn 70% số loài cá đã được ghi nhận, nhưng với hầu hết các nhóm sinh vật biển khác, có thể chưa đến 1/3 số loài đã được biết. Các vùng biển nhiệt đới, các vùng biển sâu và Nam bán cầu được cho là nơi cư trú của hầu hết các loài sinh vật biển chưa được phát hiện.
“Khi kết thúc dự án, phần lớn các sinh vật biển vẫn chưa có tên và số lượng vẫn chưa được xác định”, theo tiến sĩ Nancy Knowlton, nhà sinh vật học của Viện Smithsonian, người đứng đầu dự án này.
Đại dương bị đe dọa
Nhiều loài không chỉ sống ở một khu vực, như loài cá Manylight Viperfish, giành danh hiệu “cá có tính quốc tế nhất”, được tìm thấy ở hơn 1/4 số vùng biển trên thế giới. Các vùng biển kín như Địa Trung Hải, vịnh Mexico, các vùng ven biển Trung Quốc, Baltic và Caribbean bị đe dọa đa dạng sinh học nhiều nhất.
Địa Trung Hải là vùng biển có nhiều loài xâm hại hơn bất kỳ nơi nào khác, hầu hết các loài xâm hại này đến đây qua ngã kênh đào Suez. Các vùng biển tương đối cô lập như New Zealand, Nam Cực và Nam Phi có những loài sinh vật đặc hữu của mỗi nơi.
Theo báo cáo, tác động của đô thị hóa ven biển, đánh cá quá mức và mất môi trường sống là những mối đe dọa chính đối với các loài sinh vật biển. Các nhà khoa học hy vọng kết quả điều tra này sẽ thúc đẩy việc phát hiện và quản lý sự đa dạng sinh học biển.
Tiến sĩ Miloslavich nói: “Chúng ta phải nhanh hơn nữa trong việc nâng cao kiến thức về đa dạng sinh học chưa được biết vì e rằng chúng sẽ biến mất trước khi được phát hiện. Việc chia sẻ quốc tế về dữ liệu, chuyên môn và các nguồn lực là cách hiệu quả nhất để đạt được điều đó”.
Tiến sĩ Knowlton cho biết thêm: “Biển ngày nay đang gặp rắc rối. Các “công dân biển” không thể bỏ phiếu ở quốc gia hoặc tổ chức quốc tế nào nhưng chúng đang chịu đau khổ và phải được lắng nghe. Phần lớn biển đã thay đổi chỉ trong vài thập niên mà tôi nghiên cứu, nhưng biển vẫn tuyệt vời, phong phú khi được chăm sóc”.
Theo SGGP