Bát nháo hoạt động cầm đồ - Bài 1

Cập nhật: 12-12-2022 | 09:07:16

Bài 1: Khổ với lãi suất “trên trời”!

Vào dịp cuối năm và thời điểm diễn ra World Cup 2022, hoạt động thế chấp tài sản tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ cầm đồ (gọi tắt là tiệm cầm đồ) diễn ra sôi động. Vì lợi nhuận mà nhiều tiệm cầm đồ “phớt lờ” quy định nhận thế chấp tài sản không chính chủ với lãi suất cao hơn nhiều lần so với quy định. P.V Báo Bình Dương đã vào cuộc điều tra thực trạng này.


Sau khi kiểm tra xe, thanh niên trong tiệm cầm đồ Th.T. (khu phố Hòa Lân 2, phường Thuận Giao) đồng ý nhận thế chấp xe máy hiệu Vi

Lãi suất “trên trời”!

TP.Thuận An hiện có trên 800 cơ sở kinh doanh có điều kiện về an ninh trật tự, trong đó có khoảng 400 tiệm cầm đồ, chủ yếu tập trung ở các phường như An Phú, Bình Hòa, Thuận Giao… Bên cạnh những cơ sở cầm đồ chấp hành tốt quy định thì vẫn có một số nơi sẵn sàng nhận thế chấp tài sản không chính chủ với mức lãi suất cao nhiều lần so với quy định.

Chiều ngày 8-12, P.V vào vai người đang “kẹt” tiền mang xe máy hiệu Vision đời 2018 đến tiệm cầm đồ D.Kh. tọa lạc trên đường Đồng An, khu phố Đông Ba, phường Bình Hòa để thế chấp 20 triệu đồng. Khi biết chúng tôi cầm xe máy không chính chủ, hai thanh niên trong tiệm cầm đồ cho biết chiếc Vision trên chỉ cầm tối đa được 16 triệu đồng, lãi suất 960.000 đồng/1 tháng (tương đương 72%/1 năm).

Tương tự, khi chúng tôi mang chiếc Vision trên đến tiệm cầm đồ Q.D.3 (đường Bình Hòa 24, khu phố Đồng An 2, phường Bình Hòa) đề nghị cầm 20 triệu đồng. Sau khi sử dụng “đồ nghề” soi giấy chứng nhận đăng ký xe máy và căn cước công dân (CCCD) của chúng tôi, người phụ nữ ở tiệm cầm đồ cho biết do chiếc xe này không chính chủ, đời đã cũ nên chỉ đồng ý cầm 15 triệu đồng, lãi “bạc 5” (5%/1 tháng). Thấy chúng tôi đắn đo, người phụ nữ này cho biết so với những tiệm cầm đồ khác thì “bạc 5” là rẻ nhất rồi, không có chỗ nào có mức giá như trên!

Rời phường Bình Hòa, chúng tôi đến đường 22-12, con đường được người dân ví von là “phố cầm đồ” với khoảng 30 tiệm cầm đồ nằm ở khu vực giáp ranh phường Thuận Giao và An Phú. Tại tiệm cầm đồ Th.T. (khu phố Hòa Lân 2, phường Thuận Giao), mặc dù biết chúng tôi cầm xe máy không chính chủ nhưng hai nam thanh niên trong tiệm cầm đồ vẫn gật đầu đồng ý và yêu cầu đưa giấy tờ để kiểm tra. Nhận giấy tờ xe từ khách hàng, một thanh niên thành thạo đối chiếu số khung, số máy và kiểm tra hiện trạng xe. Kiểm tra xong, thanh niên này lấy lý do “dàn áo” chiếc Vision đã bị bể một số chỗ, đời xe đã cũ và không chính chủ nên “ép giá” 15 triệu đồng, lãi 1.050.000 đồng/1 tháng (84%/1 năm). Khi nghe chúng tôi “chê” lãi cao, nam thanh niên này khẳng định lãi suất như trên đã “thấp lắm rồi” và đưa lại giấy tờ cho chúng tôi.

Cùng thời điểm này, anh Phạm Văn Th. (quê Lâm Đồng) đến tiệm cầm đồ Th.T. để chuộc lại giấy tờ xe đã cầm trước đó với số tiền 2,2 triệu đồng. Khi nam thanh niên trong tiệm cầm đồ báo số tiền cả gốc và lãi là 3,7 triệu đồng thì anh Th. rất ngỡ ngàng vì chỉ mang theo gần 3 triệu đồng… Mặc dù anh Th. đã nài nỉ giảm tiền lãi nhưng nam thanh niên trong tiệm cầm đồ cương quyết nói không.

Trao đổi với chúng tôi, anh Th. cho biết vì công ty làm ăn khó khăn nên mấy tháng nay thất nghiệp, anh phải bấm bụng cầm giấy tờ xe để có tiền sinh hoạt. Trước khi về quê, anh xin tiền người thân đến chuộc lại giấy tờ xe nhưng không ngờ lãi cao như thế.

Trên tuyến đường này, chúng tôi ghi nhận các tiệm cầm đồ Th.Ph., Th.T.2, G., M.S. thuộc phường An Phú cũng nhận thế chấp xe máy không chính chủ với lãi suất từ 60 - 72%/1 năm.

Tại TP.Dĩ An, các tiệm cầm đồ chủ yếu nằm trên trục đường chính, khu vực có đông công nhân như ĐT743B, Nguyễn Thị Minh Khai, Nguyễn Tri Phương… Thời gian qua, lực lượng chức năng TP.Dĩ An thường xuyên tuyên truyền, kiểm tra việc chấp hành pháp luật đối với các tiệm cầm đồ trên địa bàn nhằm phòng ngừa, phát hiện xử lý những trường hợp vi phạm pháp luật. Tuy nhiên, bên cạnh những cơ sở chấp hành tốt quy định thì vẫn có nhiều tiệm sẵn sàng nhận thế chấp xe máy không chính chủ. Qua khảo sát của chúng tôi, các tiệm cầm đồ trên tuyến đường ĐT743B như M.Q. (phường Bình An), B.A.8, H.Ph. (cùng tọa lạc tại phường Tân Đông Hiệp)… đều nhận cầm cố xe máy không chính chủ. Tương tự, trên đường Hai Bà Trưng (phường Đông Hòa) cũng có một số cơ sở sẵn sàng nhận cầm xe máy không chính chủ, nhưng người cầm phải đóng phí “bảo hiểm” cao hơn so với xe máy chính chủ.

Theo cơ quan chức năng, tiệm cầm đồ nhận thế chấp tài sản không chính chủ, nhất là xe máy không chỉ vi phạm pháp luật trong lĩnh vực kinh doanh ngành nghề có điều kiện về an ninh trật tự mà còn “tiếp tay” cho tội phạm trộm cắp tài sản, tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có…

Trong một số vụ việc, tiệm cầm đồ vì hám lợi hay “non” kinh nghiệm thẩm định tài sản, nhận biết giấy tờ giả mà trở thành nạn nhân của đối tượng lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Thủ đoạn của tội phạm này là đối tượng mua xe máy không rõ nguồn gốc, xe gian rồi “phù phép” trở thành xe chính chủ, hợp pháp bằng giấy tờ giả, sau đó mang đến tiệm cầm đồ thế chấp.

Có thể bị xử lý hình sự

Hiện nay, ngành nghề kinh doanh có điều kiện về an ninh trật tự, trong đó có dịch vụ cầm đồ được quy định trong nhiều văn bản quy phạm pháp luật nhằm tạo thuận lợi cho công tác quản lý nhà nước và phòng ngừa, ngăn chặn hành vi lợi dụng loại hình kinh doanh này để vi phạm pháp luật. Do đó, trong quá trình hoạt động các cơ sở này phải chấp hành tốt quy định pháp luật trong lĩnh vực kinh doanh có điều kiện, nếu vi phạm thì sẽ bị xử lý. Phân tích điều này, luật sư Mai Tiến Luật, Giám đốc Công ty Luật TNHH hãng luật BigBoss Law (phường Đông Hòa, TP.Dĩ An), cho biết theo Điều 309, Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định, cầm cố tài sản là việc một bên (sau đây gọi là bên cầm cố) giao tài sản thuộc quyền sở hữu của mình cho bên kia (sau đây gọi là bên nhận cầm cố) để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ. Như vậy, việc cầm cố tài sản chỉ thực hiện được khi bên cầm cố giao tài sản thuộc sở hữu của mình cho bên nhận cầm cố. Nhưng hiện nay lại có nhiều trường hợp cầm cố xe máy không chính chủ cho tiệm cầm đồ thì việc cầm cố xe không chính chủ là vi phạm quy định pháp luật. Nếu chủ tiệm cầm đồ nhận cầm xe mà không cần giấy tờ thì cũng đã vi phạm pháp luật.

Bên cạnh đó, chủ sở hữu xe máy có cơ sở để đòi lại tài sản trong trường hợp người không chính chủ đi cầm cố xe của mình. Cụ thể, theo quy định tại Điều 166, Bộ luật Dân sự 2015, chủ sở hữu xe máy có quyền đòi lại tài sản từ người chiếm hữu hoặc người sử dụng xe máy. “Nếu bạn là chủ xe đang bị một đối tượng khác không phải chính chủ cầm cố thì hãy ngay lập tức mang giấy đăng ký xe đến để chứng minh quyền sở hữu đối với chiếc xe và trình bày lên cơ quan có thẩm quyền tại địa phương. Cơ quan công an sẽ điều tra và lấy lại chiếc xe đã bị đối tượng khác cầm cố đem về cho bạn”, luật sư Mai Tiến Luật cho biết thêm.

Về lãi suất, theo luật sư Mai Tiến Luật, căn cứ tại Điều 468, Bộ luật Dân sự 2015 quy định lãi suất vay sẽ do các bên thỏa thuận. Trường hợp các bên có thỏa thuận lãi suất thì lãi suất theo thỏa thuận không được vượt quá 20%/năm của khoản tiền vay, trừ trường hợp có quy định khác. Trường hợp lãi suất theo thỏa thuận vượt quá 20%/năm thì mức lãi suất vượt quá không có hiệu lực. Do đó, lãi suất cho vay giới hạn theo quy định hiện nay là 20%/năm. (Còn tiếp)

“Trường hợp người đem xe đi cầm cố nhưng không phải chính chủ là có dấu hiệu của tội “lạm dụng tín nhiệm nhằm mục đích chiếm đoạt tài sản” và sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 175, Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017) là sẽ bị phạt hành chính hoặc bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm, tùy thuộc vào mức độ vi phạm. Đối với chủ tiệm cầm đồ đồng ý nhận cầm xe không chính chủ thì có thể bị phạt tù tùy theo mức độ vi phạm, giá trị của chiếc xe”.

Luật sư MAI TIẾN LUẬT

 NGUYỄN HẬU

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=1286
Quay lên trên