Hiện nay có nhiều “đại gia” dược sản xuất thuốc hàm lượng thấp nhưng lại trúng thầu giá cao. Trong khi quy định về đấu thầu thuốc vô bệnh viện đang có nhiều lỗ hổng!
Tràn lan thuốc hàm lượng “lạ”
Bên cạnh một số kháng sinh có hàm lượng “lạ” so với thông thường và Dược thư Quốc gia, như Cefalexin 350mg, thuốc phối hợp Cefoperazol + Sulbactam 1,5g + 750mg; Cefotaxim 1,5g; Ceftazidim 1,25g, thời gian qua còn một loạt thuốc khác có hàm lượng bất bình thường xuất hiện, kể cả sản xuất trong nước lẫn nhập khẩu. Chẳng hạn hoạt chất Amoxicillin + Acid clavulanic, theo Dược thư Quốc gia, thông thường chỉ có hàm lượng 250mg+125mg cho thuốc viên và 250mg/31ml cho thuốc gói. Tuy nhiên, với hoạt chất đó, một công ty của Hàn Quốc sản xuất ra loại thuốc Jenimax 250 và nhập khẩu vào Việt Nam có hàm lượng 250mg+50mg cho thuốc viên. Loại thuốc này cũng đã trúng thầu vào bệnh viện trong năm 2013.
Chưa hết, có loại thuốc mà theo các chuyên gia dược học là có hàm lượng “quá lạ” như Broncocef 250mg/4mg. Loại thuốc này có thành phần Cephalexin 250mg + Bromhexine.HCl 4mg do Công ty cổ phần Hóa-dược phẩm Mekophar (TPHCM) sản xuất, được chỉ định chống nhiễm trùng đường hô hấp. Hay như loại thuốc Colocol extra do Công ty Dược S.K. của Việt Nam sản xuất có hàm lượng 561,5mg, trong khi hàm lượng thông thường cho thuốc viên nén là 160mg, 325mg và 500mg. Tương tự, loại thuốc Dopropy do Công ty Đ.N. của Việt Nam sản xuất có hàm lượng 1,2g, trong khi Dược thư Quốc gia chỉ ghi nhận hoạt chất này có hàm lượng 400mg và 800mg.
Bệnh nhân nhận thuốc bảo hiểm y tế tại BV Nhân Dân 115 TPHCM.
Theo tìm hiểu của phóng viên, hiện chỉ riêng nhóm thuốc kháng sinh đã có hơn 40 loại có hàm lượng “lạ” đang lưu hành tại Việt Nam. Riêng qua thống kê sơ bộ của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, kết quả trúng thầu thuốc vào các cơ sở y tế của 9 tỉnh, thành vừa qua đã có hơn 20 loại thuốc có hàm lượng “lạ”, tập trung vào 3 “đại gia” ngành dược. Về quy chuẩn, những loại thuốc có hàm lượng “lạ” này đều được cấp số đăng ký lưu hành nhưng theo Bảo hiểm xã hội Việt Nam cần phải hướng dẫn thêm về các nhóm bệnh nhân đặc biệt cần thuốc hàm lượng bất thường này, chứ không thể sử dụng tràn lan và bảo hiểm y tế thanh toán với giá cao.
Lo thuốc... giá bèo
Trong khi đó, Thông tư liên tịch số 01/2012/TTLT-BYT-BTC ngày 19-1-2012 (Thông tư 01) hướng dẫn đấu thầu mua thuốc trong các cơ sở y tế, và Thông tư số 11/2012/TT-BYT ngày 28-6-2012 hướng dẫn lập hồ sơ mời thầu mua thuốc đã không quy định về hàm lượng thuốc. Một cán bộ Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) cho biết về nguyên tắc các công ty dược có thể sản xuất thuốc hàm lượng bất kỳ. Chính vì vậy, đây được xem là kẽ hở để một số công ty dược tạo ra cơ chế “một mình một chợ”.
Điều đáng nói, hầu hết các loại thuốc hàm lượng “lạ” trúng thầu với giá cao gấp từ 2-5 lần so với thuốc cùng loại có hàm lượng thông thường. Theo ông Nguyễn Minh Thảo, Phó Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam, đơn vị này chỉ xem xét thanh toán bảo hiểm y tế cho các loại thuốc có hàm lượng “lạ” trúng thầu với giá bằng thuốc cùng loại có hàm lượng thông thường, nếu không, bảo hiểm y tế thanh toán một khoản không nhỏ!
Bên cạnh với thuốc hàm lượng “lạ” trúng thầu giá cao, cũng có nhiều loại thuốc trúng thầu với giá rất rẻ. Qua phân tích kết quả trúng thầu của 7 sở y tế đã thực hiện đấu thầu theo quy định mới tại Thông tư 01, cho thấy một số nhóm thuốc qua khảo sát có giá trúng thầu khá thấp như Levofloxacin 500mg/100mg; Kháng sinh Imipenem + Cilastatin (500mg + 500mg) tiết kiệm tới 30% đến 40% chi phí sử dụng; Fascort (Methyl prednisolon 4mg) giảm 42,86%; Quincef (Cefuroxim 125mg) giảm 34,64%;... Thậm chí có loại kháng sinh tiêm Ceftriaxone 1g của Trung Quốc trúng thầu mới đây vào một bệnh viện có giá chưa tới 9.000 đồng/lọ. Nhưng cùng loại thuốc đó, cùng hàm lượng nếu sản xuất trong nước chi phí đã gần gấp đôi.
Tuy nhiên, Thông tư 01 chưa quy định cụ thể về nguồn gốc nguyên liệu, công nghệ bào chế, tá dược… nên đang có sự đánh đồng. Điều này đặt ra vấn đề “giá rẻ chưa chắc chất lượng tốt”. Cùng một loại thuốc, cùng hoạt chất nhưng nếu nguyên liệu nhập khẩu châu Âu sẽ có chất lượng khác với nguyên liệu từ Trung Quốc, Ấn Độ. Hay đều là nhà máy dược đạt GMP-WHO nhưng công nghệ bào chế tiêu chuẩn châu Âu hay Nhật Bản sẽ cho ra sản phẩm có chất lượng khác nhau.
Theo một chuyên gia dược, nguyên liệu Cefoperazon nhập từ Thụy Sĩ với giá hơn 360 USD/kg, từ Trung Quốc chỉ 200 USD/kg; nguyên liệu Ceftazidim mua từ Pháp có giá từ 500 đến 550 USD/kg nhưng nhập từ Trung Quốc giá 150 USD/kg hay Cefixim nhập từ Ý giá 360 USD/kg trong khi nguyên liệu này từ Ấn Độ giá chỉ 170 USD/kg... Do đó, Thông tư 01 đang tạo ra sự bất bình đẳng và bất cập, khiến ngành công nghiệp dược trong nước đang có xu hướng đi… thụt lùi khi thuốc giá rẻ Trung Quốc, Ấn Độ đang chiếm thị phần. Dù mới chỉ khảo sát sơ bộ thuốc trúng thầu vào bệnh viện ở 9 tỉnh, thành trong tháng 6 vừa qua, Bảo hiểm xã hội cho biết Ấn Độ đang dẫn đầu và Trung Quốc lần đầu tiên lọt vào “top 5” về thuốc ngoại trúng thầu.
Theo Sài Gòn Giải Phóng