Trong bối cảnh thương mại xanh ngày một phổ biến và dần được luật hóa tại các thị trường xuất khẩu lớn của Bình Dương, công tác xúc tiến thương mại cần thay đổi để thích nghi với bối cảnh mới. Theo các chuyên gia thì các doanh nghiệp (DN) địa phương cần thay đổi phương thức sản xuất, kinh doanh, đa dạng hình thức xúc tiến thương mại phù hợp với những xu hướng chuyển đổi lớn trên thế giới, như: Chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, chuyển đổi công nghệ… Qua đó, nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường nội địa và xuất khẩu.
Phó Giám đốc Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Chi nhánh TP.Hồ Chí Minh Nguyễn Hữu Nam, chia sẻ các DN trong nước nói chung và khu vực Đông Nam bộ nói riêng, trong đó có Bình Dương, có tiếp tục tận dụng hiệu quả các FTA đem lại hay không còn tùy thuộc vào các yếu tố chính, như: Phát triển, xuất khẩu xanh, chuyển đổi công nghệ…
Đơn cử với thị trường châu Âu (EU), điểm nhanh có thể thấy, tần suất ban hành các quy định pháp lý nhằm thúc đẩy tăng tưởng xanh của EU ngày càng dày đặc. EU đã ban hành luật cấm nhập khẩu sản phẩm liên quan đến nạn phá rừng và đề xuất mở rộng luật này. Tiếp theo đó, EU ban hành luật báo cáo bền vững, con số DN phải báo cáo về chuỗi cung ứng ước tính lên đến 50.000 DN. Theo kết quả khảo sát của Cục Xúc tiến thương mại, có khoảng 12 ngành hàng xuất khẩu của Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng bởi luật này. Trong đó có ngành gỗ, may mặc, giày da… những ngành xuất khẩu chủ lực của Bình Dương.
Trong thời gian tới, vấn đề phát triển xanh sẽ là động lực nhưng cũng sẽ là lực cản nếu DN chậm chân trong việc triển khai kế hoạch, lộ trình cụ thể và phù hợp về thay đổi nhận thức. DN phải kịp thời thay đổi trong việc chuyển dịch mô hình sản xuất truyền thống sang mô hình sản xuất áp dụng công nghệ mới theo hướng thân thiện với môi trường, chuyển dịch năng lượng truyền thống sang năng lượng tái tạo…
KHẢI ANH