Bầu cử Mỹ 2012: Các ứng cử viên tranh cử nước rút

Cập nhật: 25-10-2012 | 00:00:00

Mười ba ngày trước cuộc bầu cử tổng thống ở Mỹ, cử tri Mỹ vẫn còn lưỡng lự giữa hai sự lựa chọn. Các kết quả thăm dò riêng rẽ công bố ngày 24-10 cho thấy, ứng cử viên của đảng Dân chủ, đương kim Tổng thống Barack Obama và ứng cử viên đảng Cộng hòa, cựu Thống đốc Mitt Romney vẫn đang thay nhau dẫn điểm với mức chênh lệch sát nút.

Kết quả thăm dò chung công bố ngày 24-10 của Reuters/Ipsos cho biết, trong số 1.030 cử tri đã đăng ký trên cả nước được phỏng vấn qua điện thoại ở thời điểm còn đúng hai tuần nữa sẽ diễn ra cuộc bầu cử, có 47% cam kết sẽ bỏ phiếu cho ông Romney so với 46% hậu thuẫn nỗ lực tái cử nhiệm kỳ thứ hai của ông Obama.

 Đương kim Tổng thống Barack Obama (phải) và cựu Thống đốc Mitt Romney trong cuộc tranh luận trực tiếp tối 22-10. Tuy nhiên, ông chủ đương nhiệm của Nhà Trắng dẫn vị cựu Thống đốc cũng với tỷ lệ 47%-46% trong số những cử tri chắc chắn sẽ đi bỏ phiếu trong ngày 6-11 tới.

Ông Obama cũng dẫn điểm ông Romney tại các bang được cả hai bên xác định là "sống còn" như Ohio, Florida và Virginia. Các ứng cử viên của các đảng từng giành được ghế ông chủ Nhà Trắng đã giành chiến thắng tại ít nhất hai trong ba bang này.

Kết quả thăm dò cùng ngày của ABC News/Washington Post cũng cho thấy một chiều hướng tương tự, theo đó ông Romney đang tạm dẫn ông Obama với tỷ lệ sát nút 49%-48%.

Một thách thức không nhỏ đối với ông Obama là tỷ lệ ủng hộ chung của dân chúng Mỹ dành cho ông ở thời điểm hiện tại chỉ ở mức 49%, thấp nhất kể từ thời điểm cuối tháng 9 vừa qua (48%). Tuy nhiên, thăm dò cùng ngày của Quinnipiac University/CBS News cho biết, ông Obama đang dẫn ông Romney với khoảng cách chênh lệch khá xa (50%-45%) tại Ohio, một bang mà chưa ứng cử viên Cộng hòa nào lên làm tổng thống mà không giành chiến thắng.

Các kết quả thăm dò này được công bố khi ông Obama bắt đầu chiến dịch nước rút trong hai ngày tới để vận đông tranh cử tại tám bang dao động quan trọng, trong khi đối thủ Romney ngày 24-10 cũng đã bắt đầu chuyến vận động con thoi tới ba bang Nevada, Iowa và Ohio.

Phát biểu khi vận động tranh cử tại Nevada, bang có tỷ lệ thất nghiệp tới 11,8% và là bang đứng đầu cả nước về số lượng nhà bị tịch thu gán nợ, ông Romney cảnh báo các cử tri bang dao động này về nguy cơ kinh tế Mỹ sẽ rơi vào thảm họa nếu ông Obama được bầu làm tổng thống thêm một nhiệm kỳ bốn năm nữa.

Tỷ phú bất động sản, người thường xuyên chỉ trích các chính sách của Tổng thống Obama, lại một lần nữa lên tiếng mỉa mai rằng ông sẽ đóng góp vào quỹ từ thiện 5 triệu USD nếu ông Obama công khai hóa hồ sơ đại học, giấy khai sinh và hộ chiếu.

Cựu Thống đốc 65 tuổi này cũng bày tỏ tin tưởng vào cơ hội thắng cử của mình. Theo ông Romney, ông Obama không có khả năng thiết lập một nghị trình làm việc hiệu quả, thực hiện cũng như bảo vệ nghị trình đó. Cựu Thống đốc bang Massachusett ám chỉ việc Tổng thống Obama đã "cạn kiệt" ý tưởng và do đó vào tháng 11 tới, dân chúng Mỹ nên cho ông Obama "nghỉ hưu."

Trước đó, trong chặng dừng chân đầu tiên ngày 24-10 tại thành phố Davenport thuộc bang Iowa, Tổng thống Obama nhấn mạnh ông là người hoàn toàn có thể tin tưởng được.

Thông điệp này cũng được Phó Tổng thống Joe Biden gửi tới cử tri tại bang Ohio.

Trong khi đó, ứng cử viên phó tổng thống Paul Ryan, người đứng chung liên danh với ông Romney, cũng có mặt tại bang Ohio, bang mà cả hai phe Dân chủ và Cộng hòa đều cho là phải thắng trong cuộc bầu cử sắp tới.

Trong khi dư luận Mỹ chưa có lựa chọn dứt khoát, thì người dân của hầu hết các quốc gia cho biết nếu được tham gia bầu tổng thống Mỹ vào ngày 6-11 tới, họ sẽ bỏ phiếu cho Tổng thống đương nhiệm Obama, chứ không phải cho ứng cử viên của đảng Cộng hòa Romney.

Kết quả thăm dò dư luận do BBC tiến hành ngày 24-10 tại 21 quốc gia cho thấy đương kim Tổng thống Mỹ Obama nhận được sự ủng hộ của 50% số người được hỏi ý kiến, trong khi đó cựu Thống đốc Romney chỉ có 9% người được hỏi ưa thích. Có 24% số khác cho biết họ không nhận thấy sự khác biệt giữa hai ứng cử viên tổng thống Mỹ, còn 16% trả lời rằng không thể lựa chọn.

Pakistan là quốc gia duy nhất mà ông Romney nhận được nhiều sự ủng hộ hơn.

Theo TTXVN

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=284
Quay lên trên