Bầu cử ở Thổ Nhĩ Kỳ: “Được ăn cả, ngã về không”

Cập nhật: 13-05-2023 | 11:57:56

Chỉ còn hơn 1 tuần nữa là đến ngày bầu cử tổng thống và quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ, với việc Tổng thống Recep Tayyip Erdogan phải đối mặt với những thách thức chưa từng có mà giới quan sát dự báo có thể chấm dứt sự cầm quyền kéo dài 2 thập kỷ của ông.

Khó khăn bủa vây

Các cử tri Thổ Nhĩ Kỳ sẽ đi bỏ phiếu vào ngày 14/5 tới để quyết định tương lai của đất nước Thổ Nhĩ Kỳ sau nhiều biến cố xảy ra. Cách đây chưa đầy 3 tháng (ngày 6/2), một trận động đất kinh hoàng đã giết chết hơn 50.000 người và khiến hơn 5,9 triệu người phải sơ tán trên khắp vùng thuộc miền Nam Thổ Nhĩ Kỳ và miền Bắc Syria. Cuộc bầu cử cũng diễn ra trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế nghiêm trọng và cái mà các nhà phân tích cho là sự “xói mòn dân chủ” dưới sự cầm quyền của ông Erdogan.


Đương kim Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan.

Các cuộc thăm dò dư luận dự đoán số lượng cử tri đi bầu kỷ lục trong năm nay và cuộc chạy đua sít sao giữa ông Erdogan và ứng cử viên đối lập - ông Kemal Kilicdaroglu, lãnh đạo đảng Nhân dân Cộng hòa (CHP) và là ứng cử viên tổng thống của khối Liên minh Quốc gia gồm 6 đảng.

Mối quan tâm lớn của cử tri là tình trạng của nền kinh tế và thiệt hại do trận động đất gây ra. Ngay cả trước thảm họa động đất hồi tháng 2, Thổ Nhĩ Kỳ đã phải vật lộn với giá cả tăng cao và cuộc khủng hoảng tiền tệ khiến lạm phát lên tới 85% vào tháng 10. Điều đó đã ảnh hưởng đến sức mua của công chúng và về cơ bản là lý do khiến tỷ lệ ủng hộ ông Erdogan bị xói mòn. Đó sẽ là trở ngại lớn đối với ông Erdogan.

Các nhà phân tích cho biết cử tri cũng sẽ lựa chọn người mà họ cho là có khả năng quản lý bụi phóng xạ từ trận động đất, cũng như bảo vệ đất nước khỏi những thảm họa trong tương lai. Hầu hết các tỉnh bị trận động đất hồi tháng 2 tấn công đều là thành trì của ông Erdogan và đảng AK của ông. Nhưng, người đứng đầu Hội đồng Bầu cử Tối cao (YSK) Ahmet Yener cho biết vào tháng trước rằng ít nhất 1 triệu cử tri ở các vùng bị động đất dự kiến sẽ không bỏ phiếu trong năm nay do họ phải sơ tán khỏi chỗ ở.

Năm nay 69 tuổi, ông Erdogan đang nuôi hy vọng sẽ kéo dài thời gian nắm quyền của mình sang thập kỷ thứ ba. Và, ngay cả khi ông Kilicdaroglu giành chiến thắng trong cuộc bầu cử, một số nhà phân tích cho rằng ông Erdogan có thể không trao lại quyền lực cho người kế nhiệm mà không “kiếm chuyện này nọ”.

Các nhà phân tích cho biết, cuộc bầu cử năm nay đưa ra một kịch bản chưa từng có khi một ứng cử viên, ông Erdogan, đang tranh cử với một liên minh gồm các đảng vốn không có truyền thống đồng quan điểm về hệ tư tưởng. Giới chuyên gia cho biết ông Kilicdaroglu và 2 phó tổng thống mà ông chỉ định là 3 nhà lãnh đạo được yêu thích nhất trong nước. Nếu họ điều hành như một đội, điều này chắc chắn sẽ mở rộng sức hấp dẫn của liên minh đối lập.

Thời gian trong 3 tháng tới sẽ xác định tương lai của Thổ Nhĩ Kỳ. Trong khi nhiều nhà phê bình cho rằng trận động đất hồi tháng 2 sẽ ảnh hưởng đến cơ hội tái đắc cử của ông Erdogan, các cuộc thăm dò cho thấy chính phủ của ông Erdogan không mất nhiều phiếu bầu như phe đối lập dự đoán. Ozer Sencar, Chủ tịch MetroPOLL - một công ty thăm dò dư luận của Thổ Nhĩ Kỳ - cho biết: Sau trận động đất, mức độ ủng hộ ông Erdogan chỉ giảm 1 điểm, trong khi mức độ ủng hộ của ông Kilicdaroglu giảm đến 5 điểm. Những dữ liệu này cho thấy thiệt hại của chính phủ và ông Erdogan do trận động đất ở mức có thể bù đắp được. Đó sẽ là một cuộc trưng cầu dân ý giữa dân chủ và chuyên chế, không phải là cuộc bầu cử giữa hai ứng cử viên.

Vấn đề người Kurd

Người Kurd đang đóng vai trò “dựng vua” khá quan trọng trong cuộc bầu cử lần này. Trong một động thái được cho là trở ngại lớn nhất đối với Tổng thống Erdogan, đảng Dân chủ Nhân dân (HDP) thân người Kurd hồi tháng 3/2023 đã tuyên bố rằng họ sẽ không đưa ra ứng cử viên tổng thống của riêng mình. Từ đó các nhà phân tích cho rằng, những người ủng hộ đảng HDP có thể sẽ bỏ phiếu cho đối thủ chính của ông Erdogan. “Chúng tôi đang đối mặt với một bước ngoặt sẽ định hình tương lai của Thổ Nhĩ Kỳ. Để hoàn thành trách nhiệm lịch sử chống lại chế độ một người, chúng tôi sẽ không đưa ra ứng cử viên tổng thống trong cuộc bầu cử ngày 14/5” - tuyên bố viết.

Đó là một tình huống trớ trêu đối với ông Erdogan, người đã dành hơn nửa thập kỷ qua để trấn áp đảng HDP sau khi đảng này bắt đầu lấy cử tri của ông. Cựu lãnh đạo của HDP Selahattin Demirtas đã phải ngồi tù gần 7 năm và đảng này có thể bị tòa án đóng cửa vì bị nghi ngờ thông đồng với đảng Công nhân người Kurd (PKK) và các nhóm liên kết.

Các chuyên gia cho rằng, cuộc đàn áp đảng HDP bắt nguồn từ mối đe dọa mà đảng này gây ra cho ông Erdogan về mặt chính trị, cũng như vị thế là một trong những đảng chính đại diện cho người Kurd của Thổ Nhĩ Kỳ. Nhà lãnh đạo này đã tìm cách xây dựng mối quan hệ gần gũi với người Kurd bằng cách cấp cho họ nhiều quyền hơn và đảo ngược các hạn chế đối với việc sử dụng ngôn ngữ của họ. Mối quan hệ với HDP cũng từng rất thân thiết, khi ông Erdogan hợp tác với đảng này để xây dựng một tiến trình hòa bình ngắn với PKK. Nhưng, mối quan hệ giữa ông Erdogan và HDP sau đó trở nên xấu đi và HDP rơi vào cuộc đàn áp sâu rộng nhằm vào PKK và các chi nhánh của họ. Không rõ liệu HDP có ủng hộ ông Kilicdaroglu hay không nhưng các nhà phân tích cho rằng khoảng cách có chủ ý có thể có lợi cho ứng cử viên đối lập.

Mối đe dọa của HDP đối với việc nắm giữ quyền lực của ông Erdogan đã trở nên rõ ràng sau cuộc bầu cử tháng 6/2015, cuộc tổng tuyển cử đầu tiên mà đảng này tham gia. Đảng HDP khi đó đã giành được 13% số ghế, lần đầu tiên khiến cho đảng AK cầm quyền mất thế đa số kể từ năm 2002. Tuy nhiên, 5 tháng sau đó, ông Erdogan đã nhanh chóng tổ chức bầu cử lại dẫn đến tỷ lệ ủng hộ của đảng HDP giảm xuống còn 10,7%, đồng thời giúp đảng AK của ông Erdogan khôi phục thế đa số.

Ứng viên thay thế ông Erdogan là ai?

Kemal Kilicdaroglu, người đại diện cho khối đối lập Liên minh Quốc gia gồm 6 đảng phái, là ứng cử viên nặng ký nhất chống lại ông Erdogan trong nhiều năm qua. Và trong khi đảng HDP vẫn chưa công bố liệu họ có ủng hộ ông này hay không, các nhà phân tích cho rằng họ sẽ là người quyết định trong các cuộc bầu cử.


Ứng cử viên đối lập Kemal Kilicdaroglu.

Ông Kilicdaroglu năm nay 74 tuổi, là một nghị sĩ đại diện cho CHP từ năm 2002 - cùng năm đảng AK của ông Erdogan lên nắm quyền - đã leo lên nấc thang chính trị để trở thành chủ tịch thứ 7 của đảng CHP vào năm 2010. Sinh ra ở tỉnh Tunceli, miền Đông Thổ Nhĩ Kỳ, nơi có đa số người Kurd sinh sống, ông Kilicdaroglu từng ra tranh cử trong cuộc tổng tuyển cử Thổ Nhĩ Kỳ năm 2011 nhưng thua cuộc, đứng thứ hai sau ông Erdogan và đảng AK.

Ông Kilicdaroglu đại diện cho đảng được thành lập cách đây 100 năm bởi Mustafa Kemal Ataturk, cha đẻ của quốc gia Thổ Nhĩ Kỳ hiện đại và là một người theo chủ nghĩa thế tục cứng rắn. Ông hoàn toàn trái ngược với đảng AK bắt nguồn từ Hồi giáo của ông Erdogan và cơ sở bảo thủ của nó.

Tuy nhiên, bất chấp khuynh hướng thế tục của mình, ứng cử viên đối lập và liên minh của ông đã tuyên bố sẽ đại diện cho tất cả các phe phái trong xã hội Thổ Nhĩ Kỳ, điều mà các nhà phân tích cho rằng đã được thể hiện trong khối liên minh của ông. Lộ trình của khối đối lập đã rõ ràng nhằm mục đích đảo ngược hệ thống tổng thống của ông Erdogan, tiến tới một hệ thống nghị viện toàn diện hơn, trong đó tổng thống nắm giữ ít quyền lực hơn.

Mehmet Karli, điều phối viên của Chương trình về Thổ Nhĩ Kỳ đương đại tại Trung tâm Nghiên cứu châu Âu của Đại học Oxford và cũng là cố vấn của ông Kilicdaroglu cho biết: “Sẽ không còn sự tập trung quyền lực vào tay tổng thống. Chức tổng thống sẽ trở thành một chức vụ mang tính biểu tượng và Thổ Nhĩ Kỳ sẽ trở lại chế độ dân chủ nghị viện như năm 1921”.

Karli cho biết, ông Kilicdaroglu đại diện cho một “bản sắc Thổ Nhĩ Kỳ đa nguyên hơn”, nơi các quyền tự do được trân trọng. Đôi khi còn được gọi là “Ghandhi Kemal” vì ngoại hình giống với ông Mahatma Ghandhi của Ấn Độ cũng như cách cư xử khiêm tốn của mình. Ông Kilicdaroglu được coi là hình tượng đối lập hoàn toàn của ông Erdogan. “Kemal Kilicdaroglu là tất cả những gì mà Tổng thống Erdogan không có” - theo Gonul Tol, Giám đốc sáng lập chương trình Thổ Nhĩ Kỳ của Viện Trung Đông ở Washington, DC.

Murat Somer, giáo sư khoa học chính trị tại Đại học Koc ở Istanbul, cho biết: “Mặc dù cả hai ông Kilicdaroglu và Erdogan đều xuất thân từ nền tảng kinh tế xã hội khiêm tốn, nhưng “họ đã tiến hóa thành những nhân vật hoàn toàn khác biệt”. Người ta ví von rằng “ông Erdogan là chủ cửa hàng, còn ông Kilicdaroglu là quan chức”. Đó là cách tiếp cận kiểu doanh nhân của ông Erdogan, trái ngược với cách tiếp cận theo lối hành chính của ông Kilicdaroglu.

Nếu gió đổi chiều...

Các nhà phân tích cho rằng ông Kilicdaroglu dự kiến sẽ có cách tiếp cận mềm mỏng và dễ đoán hơn đối với phương Tây, vì ông sẽ không hành động đơn phương mà thông qua các thể chế. Karli, cố vấn của ông, cho biết: “Kilicdaroglu là một người tin tưởng mạnh mẽ rằng Thổ Nhĩ Kỳ thuộc về phương Tây. Nếu phương Tây muốn có một mối quan hệ với Thổ Nhĩ Kỳ dựa trên “các giá trị chung”, những giá trị mà ông cho là gần gũi hơn nhiều với phương Tây và Thổ Nhĩ Kỳ, thì họ rất có thể sẽ có được mối quan hệ đối tác tốt hơn nhiều nếu ông Kilicdaroglu lên nắm quyền.

Xung đột với các cường quốc nước ngoài chắc chắn sẽ diễn ra vì Thổ Nhĩ Kỳ có những lợi ích quốc gia riêng mà ông Kilicdaroglu và phe đối lập cũng rất muốn bảo vệ. Nhưng, ông Kilicdaroglu được cho là sẽ bảo vệ những lợi ích quốc gia Thổ Nhĩ Kỳ theo một cách tiếp cận khác. Chính sách đối ngoại của ông có thể sẽ dựa vào các liên minh với phương Tây. Ông Kilicdaroglu và phe đối lập có thể thay đổi để trở nên thể chế hóa hơn, dễ đoán hơn và dựa trên quyền lực mềm.

Các chuyên gia cho rằng, tình bạn của Thổ Nhĩ Kỳ với Nga cũng có thể chứng kiến sự thay đổi. Một người bạn thân của ông Erdogan, Tổng thống Nga Vladimir Putin rõ ràng ủng hộ người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ. Còn ông Kilicdaroglu thì được cho sẽ duy trì vai trò cân bằng giữa Moscow và các đồng minh phương Tây của Thổ Nhĩ Kỳ.

Các chuyên gia cho biết, ở Trung Đông, nơi ông Erdogan trong nhiều tháng đã cam kết thực hiện một cuộc tấn công mới vào miền Bắc Syria trong bối cảnh ông đang giao tranh với các chiến binh người Kurd, cách tiếp cận của ông Kilicdaroglu dự kiến sẽ ít can thiệp hơn nhiều. Ông Kilicdaroglu là một người theo châm ngôn của Ataturk, rằng “trừ khi cuộc sống của một quốc gia gặp nguy hiểm, chiến tranh là giết người”.

Theo CAND

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=1173
Quay lên trên