Bầu cử Tổng thống Mỹ: Giờ "G" đã điểm, các điểm bỏ phiếu dần mở cửa

Cập nhật: 05-11-2024 | 10:31:03

Một số bang của Mỹ đã tiến hành bỏ phiếu sớm bằng hình thức trực tiếp hoặc qua bưu điện, trong đó Alabama là bang “nổ phát súng” đầu tiên hôm 11/9 dưới hình thức bỏ phiếu qua đường bưu điện.


Cử tri bỏ phiếu sớm trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ ở Queens, New York, Mỹ, ngày 27/10/2024.

Sáng 5/11 giờ địa phương (chiều tối cùng ngày theo giờ Việt Nam), cuộc tổng tuyển cử lần thứ 60 tại Mỹ chính thức bắt đầu với các điểm bỏ phiếu ở các bang New York, New Jersey và Virginia mở cửa đón cử tri đến bỏ phiếu bầu tổng thống thứ 47 của nước Mỹ, cũng như hai viện của Quốc hội khóa 119 và thống đốc các bang.

Để bỏ phiếu trong cuộc bầu cử tổng thống, cử tri phải là công dân Mỹ, đủ 18 tuổi vào hoặc trước ngày bầu cử và đáp ứng các yêu cầu về cư trú tùy theo từng bang.

Nhìn chung, người Mỹ sống ở nước ngoài có thể bầu bằng lá phiếu vắng mặt, song khoảng 3,5 triệu người sống tại các vùng lãnh thổ của Mỹ ở Puerto Rico, Guam, Quần đảo Virgin thuộc Mỹ, Quần đảo Bắc Mariana và Samoa không được bỏ phiếu trong cuộc tổng tuyển cử mặc dù có tư cách công dân.

Tuy nhiên, nếu công dân Mỹ cư trú tại các vùng lãnh thổ trên chuyển đến bất kỳ bang nào trong số 50 bang của Mỹ và đăng ký bỏ phiếu, họ có thể tham gia bầu cử tổng thống.

Năm nay có khoảng 231 triệu người Mỹ đủ điều kiện đi bỏ phiếu, trong đó khoảng 161,42 triệu cử tri đã đăng ký đi bỏ phiếu. Các cử tri sẽ bầu chọn tổng thống và phó tổng thống, toàn bộ 435 ghế tại Hạ viện có nhiệm kỳ 2 năm, 34/100 ghế tại Thượng viện có nhiệm kỳ 6 năm, cùng 11 vị trí thống đốc bang.

Ngoài ra, còn có hàng nghìn cuộc đua cấp bang và địa phương, bao gồm ghế trong các cơ quan lập pháp cấp bang, thị trưởng và các vị trí dân cử cấp địa hạt trên toàn quốc. Ngoài các cuộc đua này, nhiều bang cũng tiến hành trưng cầu dân ý về một loạt vấn đề, từ luật phá thai đến chính sách thuế và sử dụng cần sa.

Trước đó, một số bang của Mỹ đã tiến hành bỏ phiếu sớm bằng hình thức trực tiếp hoặc qua bưu điện, trong đó Alabama là bang “nổ phát súng” đầu tiên hôm 11/9 dưới hình thức bỏ phiếu qua đường bưu điện.

Tiếp đó, từ ngày 11/9 đến 3/11 là một loạt bang khác tiến hành bỏ phiếu sớm như Wisconsin, Minnesota, South Dakota, Virginia, North Carolina, Mississippi, Michigan, Nebraska, Georgia, Arizona, Nevada, Texas và thủ đô Washington DC. Số liệu thống kê của Election Lab (Đại học Florida) cho thấy tính đến ngày 2/11 đã có hơn 75 triệu cử tri Mỹ hoàn thành nghĩa vụ công dân, trong đó hơn 40,7 triệu cử tri đi bỏ phiếu sớm trực tiếp và hơn 34,4 triệu cử tri gửi phiếu bầu qua đường bưu điện.

Việc đi bỏ phiếu sớm đã không còn xa lạ với cử tri Mỹ và ngày càng trở nên phổ biến trong những kỳ bầu cử gần đây, được nhiều người hoan nghênh vì giảm thiểu các nguy cơ như lây lan dịch bệnh, khủng bố, tạo điều kiện cho tất cả những người đủ điều kiện đi bầu được thực hiện quyền công dân của mình. Theo luật liên bang, chỉ đến ngày bầu cử chính thức công tác kiểm phiếu mới được phép tiến hành.

Cử tri bỏ phiếu sớm trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ ở Queens, New York, Mỹ, ngày 27/10/2024.

Trong ngày bầu cử, thời gian mở cửa và đóng cửa các địa điểm bỏ phiếu phụ thuộc vào từng bang, thậm chí là từng thành phố và hạt, tuy nhiên sẽ kéo dài ít nhất là 12 giờ.

Ở những bang có hai múi giờ khác nhau, việc kiểm phiếu chỉ được thực hiện khi điểm bầu cử cuối cùng đóng cửa.

Hầu hết các bang cho phép cử tri bắt đầu bỏ phiếu vào lúc 6h sáng, thậm chí ở Vermont, người dân có thể bỏ phiếu từ 5h sáng. Phiếu bầu được kiểm ở mỗi bang sau khi các điểm bỏ phiếu tương ứng đóng cửa.

Thời gian đóng cửa điểm bỏ phiếu khác nhau tùy theo từng bang nhưng thường bắt đầu từ khoảng 7h tối (giờ địa phương). Do các múi giờ trải rộng trên khắp nước Mỹ nên khi ở bờ Đông bắt đầu kiểm phiếu thì cử tri ở các bang như Alaska và Hawaii vẫn đang trên đường đến các điểm bỏ phiếu.

Trước đó, vào đầu giờ chiều 5/11 (giờ Việt Nam), theo truyền thống, cử tri ở hai thị trấn nhỏ gồm Dixville Notch và Millsfield thuộc bang New Hampshire đã trở thành những người đầu tiên đi bỏ phiếu trong ngày bầu cử.

Theo luật pháp bang New Hampshire, các cộng đồng dân cư có dưới 100 cử tri được quyền bắt đầu bỏ phiếu vào lúc nửa đêm và đóng hòm phiếu ngay khi tất cả các cử tri đăng ký đã hoàn thành nghĩa vụ công dân của mình.

Các vấn đề cử tri Mỹ quan tâm nhất trong mùa bầu cử năm nay bao gồm những vấn đề liên quan đến kinh tế như việc làm, lạm phát, cải cách thuế, chi tiêu của chính phủ, đầu tư vào cơ sở hạ tầng, cùng những vấn đề xã hội như nạo phá thai, quyền tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe, quyền của người LGBTQ, nhập cư, sở hữu súng đạn, bảo vệ môi trường, biến đổi khí hậu…

Tiến trình bầu chọn tổng thống Mỹ nhìn chung diễn ra tương đối phức tạp và tốn kém, dễ gây tranh cãi và kéo dài xấp xỉ 2 năm kể từ khi ứng cử viên đầu tiên đăng ký ra tranh cử.

Cử tri Mỹ không trực tiếp bầu tổng thống mà chỉ bỏ phiếu bầu Cử tri đoàn (Electoral College) đại diện cho bang mình để họ hình thành Đại cử tri đoàn bỏ phiếu trực tiếp bầu tổng thống và phó tổng thống.

Số lượng thành viên Cử tri đoàn của mỗi bang bằng tổng số ghế Thượng viện và Hạ viện được quy định cho bang đó căn cứ theo quy mô dân số. Cử tri đoàn có số lượng đông nhất là bang California, 55 người, tiếp đó là bang Texas với 38 người. Bảy bang dân số ít như Alaska, Delaware, Montana, North Dakota, South Dakota, Vermont và Wyoming thì Cử tri đoàn chỉ gồm 3 người.

Đại cử tri đoàn của toàn nước Mỹ có 538 thành viên, là phép cộng của 435 ghế Hạ viện, 100 ghế Thượng viện và 3 phiếu của thủ đô Washington DC. Mỗi thành viên của Đại cử tri đoàn này đại diện cho 1 phiếu Đại cử tri (Electoral Vote). Để trở thành tổng thống Mỹ, ứng cử viên phải giành được quá bán tối thiểu 270 phiếu trong tổng số 538 phiếu Đại cử tri.

Bỏ phiếu thông qua Cử tri đoàn là một hình thức bầu cử thỏa hiệp giữa một bên muốn quốc hội bầu chọn tổng thống với bên kia là lực lượng muốn bầu theo hình thức phổ thông đầu phiếu.

Bỏ phiếu thông qua Cử tri đoàn và hình thức “Winner-Take-All” (được ăn cả ngã về không) đã dẫn tới kết cục là, trong lịch sử bầu cử Mỹ, đã có không ít lần ứng cử viên giành được nhiều phiếu phổ thông trên toàn quốc nhưng lại không đắc cử tổng thống.

Gần đây nhất, trong cuộc bầu cử năm 2016, ứng cử viên đảng Dân chủ, bà Hillary Clinton giành được tổng cộng 65.853.514 phiếu bầu trên toàn quốc nhưng lại thua trước ứng cử viên đảng Cộng hòa Donald Trump, chỉ giành được 62.984.828 phiếu phổ thông (kém gần 2,9 triệu phiếu) vì ông Trump được 306 phiếu Đại cử tri trong khi bà Hillary chỉ có 232 phiếu.

Trong khi 48 bang trao toàn bộ phiếu đại cử tri của mình cho ứng cử viên giành số phiếu phổ thông nhiều nhất, thì bang Maine và Nebraska lại chia phiếu đại cử tri theo tỷ lệ.

Trước đây, các phương tiện truyền thông và các tổ chức thăm dò ý kiến thường công bố kết quả sơ bộ ngay trong đêm tổng tuyển cử hoặc rạng sáng hôm sau. Nhưng do cử tri ngày càng có xu hướng đi bỏ phiếu sớm với khối lượng phiếu cao kỷ lục nên công việc kiểm phiếu thường kéo dài, một số bang cho đến ngày hôm sau hoặc thậm chí muộn hơn mới biết kết quả cuối cùng.

Cuộc đua giữa các ứng cử viên quá sít sao cũng có thể khiến các hãng thông tấn khó “dự báo” người chiến thắng ngay sau khi các điểm bỏ phiếu đóng cửa. Năm 2020, chiến thắng gọi tên ông Joe Biden sau 4 ngày diễn ra cuộc bỏ phiếu chính thức khi kết quả ở bang Pennsylvania được xác nhận. Giống như năm 2020, có khả năng tiến độ kiểm phiếu năm nay sẽ bị chậm và khó có thể biết ngay kết quả bầu cử, bao gồm cả chức tổng thống, nhất là trong trường hợp xảy ra tranh chấp.

Những người chiến thắng dự kiến sẽ nhậm chức vào ngày 20/1/2025, với tư cách là tổng thống thứ 47 và phó tổng thống thứ 50 của Mỹ./.

Theo TTXVN

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=276
Quay lên trên