Bầu Kiên với phi vụ "câu nhử" 264 tỷ đồng của Thép Hòa Phát

Cập nhật: 14-08-2013 | 00:00:00

Về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản mà Nguyễn Đức Kiên (bầu Kiên) bị CQĐT đề nghị truy tố, có nạn nhân là doanh nghiệp Thép Hòa Phát. Giám đốc Công ty Thép Hòa Phát ký chuyển đủ 264 tỷ đồng cho Công ty ACBI để mua 20 triệu cổ phần, không ngờ đó là "bẫy" do Nguyễn Đức Kiên bày ra và ông bầu này nhẹ nhàng chiếm trọn số tiền trên.

Lập khống hồ sơ của HĐQT

Hành vi lừa đảo, chiếm đoạt 264 tỷ đồng của Công ty Thép Hòa Phát dưới dạng mua cổ phần đã được CQĐT làm rõ và chỉ riêng việc ẵm số tiền trên, hình phạt mà ông bầu Nguyễn Đức Kiên đang đối mặt không hề nhỏ. Trở lại vấn đề cách đây gần một năm, Công ty Thép Hòa Phát có đơn gửi cơ quan CSĐT Bộ Công an với nội dung: Ngày 21/5/2012, Công ty TNHH một thành viên Thép Hòa Phát có 100% vốn của Tập đoàn Hòa Phát do ông Kiều Chí Công làm Giám đốc đại diện ký hợp đồng với Công ty cổ phần Đầu tư ACBI Hà Nội, do ông Trần Ngọc Thanh làm Giám đốc, nội dung Công ty Thép Hòa Phát mua lại 20 triệu cổ phần của Công ty ACBI Hà Nội tại Công ty Thép Hòa Phát với giá 264 tỷ đồng.

Sau khi ký hợp đồng, Công ty Thép Hòa Phát đã trích số tiền từ nguồn vốn tự có doanh thu hàng tháng để chuyển cho Công ty ACBI Hà Nội 3 đợt. Việc thanh toán số tiền 264 tỷ đồng được thực hiện đầy đủ sau khi ký hợp đồng chuyển nhượng. Tuy nhiên, Công ty Thép Hòa Phát vẫn chưa nắm được quyền sở hữu số cổ phần này, trong khi đó họ nhận được thông báo từ Công ty Chứng khoán ACBS rằng 20 triệu cổ phần mà họ đã mua vẫn đang là tài sản đảm bảo thế chấp tại Ngân hàng ACB và Công ty Chứng khoán ACBS cho vay 800 tỷ đồng trái phiếu do Công ty ACBI Hà Nội phát hành. Nhận thấy dấu hiệu "gửi trứng cho ác", nguy cơ mất trắng 264 tỷ, Công ty Thép Hòa Phát làm đơn đề nghị cơ quan CSĐT Bộ Công an vào cuộc.

  Với các tội danh bị đề nghị truy tố, bầu Kiên đang đối mặt hình phạt nghiêm khắc.

Thực tế, từ tháng 5-2010, Nguyễn Đức Kiên đã chỉ đạo Trần Ngọc Thanh đại diện Công ty ACBI ký hợp đồng thế chấp 22,497 triệu cổ phần Công ty Thép Hòa Phát vào Ngân hàng ACB để đảm bảo cho việc phát hành trái phiếu 800 tỷ đồng.

Đến đầu tháng 4-2012, thông qua ông Trần Đình Long, Chủ tịch HĐQT và ông Trần Tuấn Dương, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn Hòa Phát, Nguyễn Đức Kiên biết được tập đoàn này có chủ trương tăng sở hữu tại các công ty thành viên, trong đó có Công ty cổ phần Thép Hòa Phát. Nguyễn Đức Kiên đã đồng ý bán lại 20 triệu cổ phiếu (13.200 đồng/cổ phiếu, tổng số tiền là 264 tỷ đồng).

Tháng 5-2012, Nguyễn Đức Kiên chỉ đạo bà Nguyễn Thị Hải Yến, Kế toán trưởng Công ty ACBI soạn thảo văn bản để Trần Ngọc Thanh, Giám đốc ký, gửi Ngân hàng ACB và Công ty Chứng khoán ACBS (viết tắt là Công ty ACBS) đề nghị xem xét giải tỏa 20 triệu cổ phiếu trong tổng số 22,497 triệu cổ phiếu mà Công ty Thép Hòa Phát đang thế chấp tại Ngân hàng ACB cho khoản trái phiếu 800 tỷ đồng. Sau khi nhận được nội dung phản hồi của Công ty ACBS, Nguyễn Thị Hải Yến đã báo lại cho Nguyễn Đức Kiên, nhưng ông Kiên không có ý kiến chỉ đạo xử lý.

Sau đó tới tháng 9-2012, lãnh đạo Ngân hàng ACB và các thành viên đã họp bàn, khẳng định 29,996 triệu cổ phần của Công ty Thép Hòa Phát, trong đó có 22,497 triệu cổ phần thế chấp cho trái phiếu và 7,499 triệu cổ phiếu thế chấp cho khoản vay vẫn đang thế chấp tại Ngân hàng ACB là chưa có bất cứ văn bản nào đồng ý giải chấp số cổ phiếu này.

Tiền trao đủ, cháo không được một thìa

Ngày 21-5-2012, ông Trần Ngọc Thanh, Giám đốc ACBI ký hợp đồng với Công ty Thép Hòa Phát về việc Công ty ACBI Hà Nội bán lại 20 triệu cổ phần trong tổng số 22,497 triệu cổ phần, tương ứng 264 tỷ đồng. Tại điểm 1, khoản 5 của hợp đồng này, Công ty ACBI cam kết: "đảm bảo số cổ phần và quyền tiếp tục góp vốn, các quyền và lợi ích khác có liên quan được chuyển nhượng, chuyển giao cho Công ty TNHH một thành viên Thép Hòa Phát đầy đủ theo hợp đồng này thuộc sở hữu hợp pháp của Công ty ACBI, chưa chuyển nhượng và không có tranh chấp hoặc thực hiện bất kỳ nghĩa vụ bảo đảm với bất kỳ tổ chức, cá nhân nào".

 

Với hợp đồng đầy đủ cơ sở, lý lẽ như vậy, Công ty Thép Hòa Phát tin tưởng chuyển ngay số tiền 264 tỷ đồng vào tài khoản của Công ty ACBI (chia làm 3 đợt). Sau khi nhận đủ số tiền, bầu Kiên giao Trần Ngọc Thanh ký ủy nhiệm chi, chứng từ dùng số tiền này để chi trả các khoản nợ và sử dụng riêng. Trong đó, trả lãi trái phiếu cho Ngân hàng ACB 119,12 tỷ đồng; chi chuyển 22,8 tỷ đồng góp vốn vào Công ty TNHH một thành viên thương mại và đầu tư Liên Á Châu...

Đặc biệt, ngày 6-6-2012, Nguyễn Đức Kiên lĩnh tới 72,5 tỷ đồng sử dụng mục đích cá nhân. Trong khi đó, Công ty Thép Hòa Phát sau khi chuyển đủ số tiền vẫn dài cổ ngồi đợi cổ phần nhưng đã quá lâu mà mọi việc vẫn "bặt vô âm tín". Bi hài đến mức, ngay cả khi bầu Kiên bị CQĐT khởi tố, bắt giam về tội "kinh doanh trái phép" thì Công ty Thép Hòa Phát vẫn không hề nhận được bất kỳ cổ phần nào trong tổng số 20 triệu cổ phần đã ký hợp đồng. Rõ ràng, tiền đã trao đầy đủ mà "cháo" thì không được một thìa, Công ty Thép Hòa Phát đã lĩnh đủ bẫy cổ phiếu.

Khi CQĐT vào cuộc, xác minh tại Ngân hàng ACB thì ngân hàng này vẫn đang quản lý 29.996.000 cổ phần Công ty Thép Hòa Phát là tài sản thế chấp của Công ty ACBI cho việc phát hành trái phiếu và vay tiền tại Ngân hàng ACB, trong đó có 22,497 triệu cổ phiếu thế chấp cho việc phát hành trái phiếu và 7,499 triệu cổ phần thế chấp cho khoản vay. Tới nay, Ngân hàng ACB chưa có bất cứ văn bản nào đồng ý giải chấp số cổ phần này cho Công ty ACBI.

Với hành vi nêu trên, CQĐT có đủ căn cứ xác định, Nguyễn Đức Kiên trên cương vị Chủ tịch HĐQT Công ty ACBI đã chỉ đạo Trần Ngọc Thanh là Giám đốc ACBI ký hợp đồng thế chấp 22,497 triệu cổ phần Công ty Thép Hòa Phát vào Ngân hàng ACB để đảm bảo cho việc Công ty ACBI phát hành trái phiếu 800 tỷ đồng tại Ngân hàng ACB.

Nguyễn Đức Kiên đã lập khống quyết định của HĐQT và chỉnh sửa sai lệch thông tin về thời gian trên các văn bản để thể hiện chủ trương Công ty ACBI bán 20 triệu cổ phần Công ty Thép Hòa Phát, làm công ty này tin tưởng, giao đủ số tiền theo hợp đồng mà không nghi ngờ gì. Hành vi của Nguyễn Đức Kiên, Trần Ngọc Thanh, Nguyễn Thị Hải Yến phạm vào tội "lừa đảo chiếm đoạt tài sản", quy định tại Điều 139, BLHS, trong đó Nguyễn Đức Kiên với vai trò chủ mưu, Trần Ngọc Thanh và Nguyễn Thị Hải Yến là đồng phạm giúp sức. Về vấn đề này, CQĐT cũng cho rằng, các bị can Thanh và Yến chỉ là người làm thuê, thực hiện theo lệnh chỉ đạo của Nguyễn Đức Kiên. Quá trình điều tra, hai bị can này khai báo thành khẩn, chưa có tài liệu chứng minh Thanh được hưởng lợi cá nhân.

Về phần Nguyễn Đức Kiên, tại CQĐT khai nhận rằng, Kiên là người trực tiếp gặp gỡ, giao dịch với các bên liên quan để bán 20 triệu cổ phần tại Công ty Thép Hòa Phát. Ông Kiên thừa nhận đã giao cho bà Yến liên hệ với Ngân hàng ACB, Công ty ACBS để làm thủ tục giải chấp số cổ phiếu này và thay thế bằng hơn 7,6 triệu cổ phiếu Eximbank nhưng ACB và ACBS không đồng ý. Ông Kiên cũng thừa nhận việc bán 20 triệu cổ phần Công ty Thép Hòa Phát khi số cổ phần này đang được thế chấp tại Ngân hàng ACB là vi phạm pháp luật, đồng thời có đơn xin khắc phục hậu quả thiệt hại. Tuy nhiên, toàn bộ số tiền 264 tỷ đồng đều do cơ quan CSĐT truy thu theo các quyết định thu giữ vật chứng.

Theo CAND

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên