Bẫy lừa giả danh công an rút sạch tài khoản ngân hàng - Bài 1

Cập nhật: 02-07-2024 | 12:01:39

Bài 1: Bỗng dưng bị chiếm đoạt… hàng trăm triệu đồng

(BDO) Đóng vai nhân viên dịch vụ công, chi cục thuế, thậm chí cả công an để dẫn dụ người dân tải các ứng dụng giả mạo tương tự như: VNeID (Bộ Công an), VssID (Bộ Y tế)... và chỉ cần vài thao tác chớp nhoáng, đối tượng lừa đảo đã rút sạch tiền của nạn nhân.


Trang website và ứng dụng độc hại lừa đảo người dân. Ảnh: chụp màn hình

Tài sản “bốc hơi” khi cài đặt ứng dụng lạ

Vào ngày 10-1-2024, bà Lê Thị B. (44 tuổi) ngụ tại TP.Dĩ An, nhận được cuộc gọi từ một thuê bao tự xưng là công an và thông báo bà bị ra lệnh bắt tạm giam, niêm phong tài sản của Viện kiểm sát nhân dân tối cao do nghi ngờ nhận tiền từ đối tượng mua bán ma túy. 

Sau khi kết bạn Zalo, người này yêu cầu bà B. rút toàn bộ tiền trong sổ tiết kiệm nộp vào tài khoản ngân hàng của bà B. để chứng minh không liên quan vụ án. Đồng thời đối tượng còn hướng dẫn bà B. phải tải ứng dụng tên “TeamViewer QuickSupport” để khai báo thông tin cá  nhân. Sau khi tải xong ứng dụng, bà B. đến ngân hàng để rút hết tiền từ sổ tiết kiệm vào tài khoản của mình.

Mặc dù, đối tượng thông báo đợi cơ quan điều tra sao kê, xác minh sau 2 ngày sẽ sử dụng lại tài khoản ngân hàng, nhưng đến ngày 12-1, bà B. phát hiện hơn 600 triệu đồng trong tài khoản ngân hàng đã “bốc hơi”. 


Cảnh báo hình thức giả danh công an từ Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao - Công An Bình Dương. (Ảnh: Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao - Công An Bình Dương)

Tương tự như bà B, ngày 21-4-2024, anh Đỗ Tấn H. (24 tuổi), ngụ tại TP.HCM cũng nhận được cuộc gọi của một người tự xưng là công an huyện Củ Chi yêu cầu đến trụ sở công an để làm định danh mức 2, nếu bận có thể làm qua điện thoại. Nhanh chóng một tài khoản Zalo có tên “Nguyễn Minh Thông” kết bạn với anh H. để hướng dẫn làm thủ tục.

Đối tượng gửi cho anh H. đường link “dichvucong.ougov.com” để tải ứng dụng “Cổng dịch vụ công Bộ Công an” nhằm đồng bộ mã định danh với ứng dụng VneID của Bộ Công an. Cài đặt xong ứng dụng cho mình và vợ, anh H. lại bị đối tượng yêu cầu chuyển 12.000 đồng vào tài khoản ngân hàng “Quy Bao Tro Tre Em VN”, sau khi chuyển tiền, anh H. và vợ mới tá hỏa khi phát hiện tài khoản ngân hàng bị chuyển hết gần 800 triệu đồng vào các tài khoản ngân hàng lạ. 

Tăng cường công tác đấu tranh tội phạm an ninh mạng

Thượng tá Trần Thanh Hoàng Hai, Trưởng phòng an ninh mạng, Công an tỉnh Bình Dương, cho biết: thời gian gần đây Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao nhận được nhiều cuộc gọi của người dân phản ánh về các đối tượng giả danh công an yêu cầu định danh mức 2 hoặc đánh đòn tâm lý vi phạm pháp luật về ma túy, tai nạn giao thông… để yêu cầu tải ứng dụng không rõ ràng nhằm rút sạch tiền trong tài khoản ngân hàng của nạn nhân. 


Tích cực tuyên truyền, nâng cao cảnh giác trước thủ đoạn lừa đảo từ tội phạm an ninh mạng. (Ảnh: Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao - Công An Bình Dương)

“Hình thức giả danh công an để lừa đảo trước đây chỉ thực hiện thủ công qua gọi điện thoại, nhằm khiến nạn nhân cung cấp thông tin danh tính để chiếm đoạt tài sản. Tuy nhiên, thủ đoạn này ngày càng tinh vi hơn với sự trợ giúp của công nghệ cao, chỉ cần dẫn dụ nạn nhân tải ứng dụng giả mạo, đối tượng hoàn toàn chiếm quyền kiểm soát điện thoại từ xa và rút sạch tiền trong tài khoản ngân hàng”, Thượng tá Trần Thanh Hoàng Hai cho biết. 

“Người dân cần nâng cao cảnh giác hơn nữa về hình thức lừa đảo này, nếu bắt gặp số thuê bao lạ nghi giả danh công an có thể xác minh bằng cách hỏi thông tin về địa điểm làm việc, họ tên, chức vụ của đối tượng. Hoặc gọi vào đường dây nóng của công an tỉnh để xác thực. Đặc biệt, công an chỉ làm việc khi đã gửi giấy mời và phối hợp với địa phương, hoàn toàn không thông qua số điện thoại hay mạng xã hội” (Thượng tá Trần Thanh Hoàng Hai).

Trả lời về mức độ nguy hiểm của các đối tượng lừa đảo giả danh công an, Thượng tá Hồ Thọ Hải, Phó trưởng phòng an ninh mạng, Công an tỉnh Bình Dương, cho biết đây là hình thức lừa đảo khó phát hiện và gây nhiều bất lợi cho công tác truy vết, điều tra. 

“Sau khi tiếp nhận các vụ việc và tiến hành truy vết, điều tra, kết quả ban đầu nhận thấy đa số các dòng tiền khi các đối tượng chiếm đoạt của người dân đã bị chuyển qua nhiều tài khoản ngân hàng khác nhau để xóa dấu vết dòng tiền phi pháp. Sau đó, sẽ chuyển đổi thành một dạng tiền ảo và chuyển ra khỏi phạm vi lãnh thổ Việt Nam”, Thượng tá Hồ Thọ Hải cho hay.

Ngoài ra, Thượng tá Hồ Thọ Hải cũng cho biết các đối tượng còn tinh vi hơn, khi thường thực hiện hành vi lừa đảo vào các ngày cuối tuần, vì hầu hết các ngân hàng sẽ ngưng làm việc ở thời điểm này. Do đó, rất hạn chế để tiến hành công tác phối hợp với ngân hàng chặn dòng tiền bị thất thoát.

“Nạn nhân thường được các đối tượng nhắm tới là người trung niên hoặc cao tuổi ít có sự cập nhật về công nghệ cao, mạng xã hội và một bộ phận người trẻ chưa có nhiều kỹ năng phòng ngừa, chủ quan trước sự tác động tâm lý của đối tượng lừa đảo”, Thượng tá Hồ Thọ Hải nói. 

Trước tình trạng lừa đảo vẫn có thể diễn ra, Thượng tá Hồ Thọ Hải khẳng định: “Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao và Công an tỉnh Bình Dương đang tiếp tục nghiên cứu, tìm hiểu các phương thức thủ đoạn của tội phạm giả danh dịch vụ công và công an. Qua đó, nghiên cứu các phương thức mới để nâng cao công tác tuyên truyền sâu rộng đến người dân không chỉ trên không gian mạng mà còn trực tiếp đến người dân thông qua các dự án cộng đồng của Công an Bình Dương...”.

Thượng Hải

 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=944
Quay lên trên