Nhóm bếp để kho nồi thịt, chiếc bật lửa không cháy, cô bé loay hoay mãi rồi túm nắm lá dừa đi xin lửa, về đến túp lều trống hoác vừa lúc gió thổi lửa tắt ngấm. Em thẫn thờ vào chõng ngồi cạnh người mẹ hom hem đang co ro.
Bé Vy đang nhặt đậu để kho chung với nồi thịt.
Bé Nguyễn Thị Tường Vy sinh năm 2001, ở ấp An Bình, xã An Thạnh, huyện Mỏ Cày Nam (Bến Tre), đã phải nghỉ học từ lớp một để chăm sóc người mẹ bị bệnh AIDS giai đoạn cuối, dù em có cha, ông bà ngoại và người dì ruột ở gần bên.
Từ ngày bệnh mẹ em trở nặng, đôi mắt không còn nhìn thấy được gì, bị người thân kỳ thị xua đuổi, bé Vy đưa mẹ ra mảnh vườn cách biệt này, dựng tạm cái chòi che bằng lá dừa nước rách nát để chăm sóc... "Mẹ cháu mù yếu rồi, không ai giúp nấu cơm, rót nước uống, tắm rửa, cả lĩnh thuốc ở bệnh viện... nên cháu phải cố gắng chăm mẹ", cô bé 9 tuổi xinh xắn có đôi mắt tròn vo trong veo, quệt tay đang lem nhem nhọ nồi lên mặt, nói, rồi lại đi nhóm bếp nấu nồi thịt.
Gọi bếp cho sang, chứ chỉ là mấy cục gạch đặt dưới đất, bên trên che bằng lá dừa. Thịt là những cục xương lợn to bằng quả ổi. "Sáng nay cháu được các cô chú cho ít tiền nên ra chợ mua xương với đậu que về kho chung cho mẹ ăn", bé Vy khều khều lửa trong bếp rồi kể. Ngọn lửa này cô bé vất vả lắm mới khơi lên được.
Cái chòi rộng chừng 15 m2, lụp xụp với những tán lá dừa che tạm rách nát rọi đầy bóng nắng, gió lồng lộng thổi. Song có cái nơi để trú mưa tránh nắng như thế này đối với mẹ con Vy đã may mắn lắm rồi, dù không điện, nước sinh hoạt, thiếu tình thương và sự thông cảm của những người ruột thịt.
Người mẹ chỉ mới 41 tuổi nhưng vì bệnh tật trở nên gầy hom hem, nằm ẹp trên cái chõng thều thào kể, vợ chồng chia tay nhau, chị buồn đời bỏ lên Sài Gòn làm ăn, sa chân vào con đường mại dâm và kết quả là mang căn bệnh thế kỷ. Bệnh phát, chị về quê hy vọng sống với người thân những năm cuối đời, không ngờ bị gia đình kỳ thị, xa lánh. "May mà có bé Vy không nỡ rời bỏ mẹ, hai mẹ con đùm bọc sống với nhau bấy lâu nay", người phụ nữ nghẹn ngào nói.
Dù phải đảm trách công việc của một người lớn chăm sóc mẹ ốm nặng, song trẻ con ở cái tuổi chỉ có việc ăn và học như Vy vẫn chưa biết gì, cô bé hồn nhiên nói: "Nhà cháu không có hố xí, bữa trước cháu đi ngoài nhưng dì Ba bắt hốt, dì cũng không cho nước sạch dùng mà khóa nắp giếng lại, vì sợ lây bệnh sida".
Bị người thân xa lánh, nhưng chính bà con trong ấp lại là những người cưu mang hai mẹ con. Ông Phan Văn Kiến, Trưởng ấp An Bình nói: "Đánh người chạy đi chứ ai đánh kẻ chạy lại. Chuyện mẹ con bé ngày trước làm gì để bị bệnh, thôi không nhắc đến nữa. Bây giờ phải làm sao giúp hai mẹ con nó có cái ăn, cái mặc để sống".
Bà con hàng xóm, người cho gạo, người dấm dúi ít tiền, để cô bé có thể mua thức ăn nuôi mẹ và nuôi mình. Chị Lê Thị Thảo Vi, thành viên nhóm Bến Tre Online (tổ chức từ thiện) cho biết, mỗi lần đến thăm hai mẹ con, cả nhóm lại tắm gội cho bé Vy, rồi đưa ra chợ An Thạnh mua sắm đồ dùng cần thiết cho cả hai mẹ con. "Cô bé rất ngoan, lễ phép, có cái gì cũng 'để dành mua sữa với thuốc cho mẹ con uống mát gan', tội lắm", chị Thảo Vi nói.
Quá đau khổ, lại thương con gái vất vả và phải chịu sự hắt hủi của họ hàng, người mẹ bày tỏ với phóng viên: "Tôi muốn được lên Bệnh viện Nhiệt đới TP.HCM, không phải để trị bệnh mà để hỏi xem chừng nào thì tôi chết".
(Theo VNE)