Becamex IDC Corp.: “Người mở đường” không mệt mỏi!
Theo dõi Báo Bình Dương trên

Thương hiệu “Becamex” của Tổng Công ty Đầu tư - Phát triển Công nghiệp (Becamex IDC Corp.) đã vượt không gian Việt Nam ra đến với nhiều nước, vùng lãnh thổ trên thế giới. Để được “tiếng lành đồn xa” này, trong hơn 30 năm qua Tổng Công ty đã từng bước tạo lập uy tín thông qua các công trình, dự án có quy mô lớn và tác động tạo nền tảng cho phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) của Bình Dương. Nhất là sau khi tái lập tỉnh Bình Dương (năm 1997), Tổng Công ty đã lấy việc phát triển hạ tầng công nghiệp, giao thông và đô thị làm đòn bẩy cho sự phát triển các ngành kinh tế khác của tỉnh. Nhiều chuyên gia kinh tế - chính trị đánh giá: Becamex IDC là “Người mở đường” không mệt mỏi để tạo cơ sở hạ tầng kỹ thuật gắn liền với sự đổi mới - Phát triển của tỉnh Bình Dương trong hầu hết các lĩnh vực KT-XH.
Tiền thân Becamex IDC Corp. là Công ty Thương nghiệp tổng hợp Bến Cát (Becamex - huyện Bến Cát); đến năm 1997 khi tái lập tỉnh Bình Dương sáp nhập với công ty cấp tỉnh đổi tên thành Công ty Thương mại - Đầu tư và Phát triển (Becamex Corp.). Năm 2006 Công ty Đầu tư - Phát triển công nghiệp (Becamex IDC Corp.) được thành lập trên cơ sở tổ chức lại hoạt động của Becamex Corp. và đến đầu năm 2010, công ty chuyển thành Tổng Công ty Đầu tư và Phát triển công nghiệp (Becamex IDC Corp.) hoạt động theo hình thức công ty mẹ - công ty con, trong đó công ty mẹ là Công ty TNHH Một thành viên có 2.600 cán bộ - công nhân viên (có 30 chuyên gia nước ngoài) và vốn điều lệ 4.500 tỷ đồng.
Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết (người thứ hai từ trái sang) nghe giới thiệu mô hình phát triển trường Đại học Quốc tế Miền Đông tại Thành phố mới Bình Dương
Đầu tiên, Tổng Công ty đơn vị tham gia liên doanh với các tập đoàn của Singapore xây dựng Công ty TNHH Liên doanh Khu công nghiệp (KCN) Việt Nam - Singapore (VSIP 1) tại huyện Thuận An và đã trở thành mô hình KCN kiểu mẫu mang tính hiện đại, xanh - sạch để tỉnh rút kinh nghiệm xây dựng các KCN khác và bản thân Tổng Công ty cũng nhân rộng từ VSIP ra các KCN của mình như Mỹ Phước 1, 2, 3, 4, 5... Becamex IDC và các công ty thành viên đang đầu tư và quản lý 6 KCN tại tỉnh Bình Dương với tổng diện tích quy hoạch khoảng 13.000 ha, tại Bình Phước có 1 khu với diện tích 4.500 ha và tại phía Bắc có 2 khu gồm: KCN VSIP Bắc Ninh 700 ha, KCN VSIP Hải, Phòng 1.600 ha là những KCN kiểu mẫu với cơ sở hạ tầng hoàn thiện, được xây dựng theo hướng chú trọng đến bảo vệ môi trường, tạo ra công viên công nghiệp xanh, sạch theo mô hình thành phố công nghiệp, đô thị hiện đại nhằm hướng đến sự phát triển lâu dài và bền vững. Các KCN này đã thu hút trên 750 dự án đầu tư của 24 quốc gia và vùng lãnh thổ với tổng số vốn khoảng gần 6,3 tỷ USD (chiếm gần 1/2 vốn FDI đầu tư vào Bình Dương), góp phần giải quyết việc làm cho hàng trăm ngàn lao động. Các quốc gia và vùng lãnh thổ có tỷ lệ đầu tư cao là Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan, Trung Quốc... với các lĩnh vực thu hút như: công nghiệp điện, điện tử, cơ khí chế tạo, chế biến thực phẩm, công nghiệp gỗ và trang trí nội thất, may mặc, các ngành công nghiệp phụ trợ... Với vị trí địa lý thuận lợi đã tạo cho các KCN của Becamex IDC trở thành địa điểm lý tưởng cho các nhà đầu tư sản xuất hàng tiêu thụ trong nước cũng như xuất khẩu.
Dự án “tạo lực” thứ hai, Tổng Công ty đầu tư theo hình thức BOT là đại lộ Bình Dương (quốc lộ 13 cũ) 62km đoạn đi qua tỉnh Bình Dương trục chính của mạng lưới đường bộ, nối liền các hoạt động KT-XH của tỉnh với các trung tâm kinh tế lớn trong khu vực là TP.HCM và các tỉnh Tây nguyên. Trục lộ vận chuyển chính qua các KCN chính như: VSIP I, II; Việt Hương; Mỹ Phước và Khu liên hợp công nghiệp - dịch vụ - đô thị Bình Dương; KCN Bàu Bàng... Đường này có 6 làn xe, tiêu chuẩn đường cấp 1 đồng bằng, mặt đường rộng 28 - 36m đưa vào khai thác sử dụng từ năm 2000 được đánh giá là một trong những con đường đẹp nhất và kiểu mẫu của tỉnh Bình Dương. Con đường là đòn bẩy phát triển kinh tế và giao lưu hàng hóa giữa Bình Dương với toàn vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Đồng thời, Tổng Công ty đang triển khai xây dựng đường cao tốc Mỹ Phước - Tân Vạn dài 35km với quy mô 6 làn xe nối kết từ các KCN của tỉnh đến trung tâm Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam sẽ giúp cho việc vận chuyển hàng hóa xuất nhập khẩu từ các KCN đến cảng biển, sân bay lớn giảm được thời gian và chi phí so với các tuyến giao thông hiện hữu khác.
Đỉnh cao của Tổng Công ty là được UBND tỉnh tin tưởng giao làm chủ đầu tư hạ tầng kỹ thuật Khu liên hợp công nghiệp - dịch vụ - đô thị Bình Dương có diện tích 4.196 ha với quy hoạch gồm KCN (1.800 ha); khu dịch vụ cao cấp (612,7 ha); khu đô thị - tái định cư (1.662 ha). Đây là dự án trọng điểm, là bước “đột phá” để đưa KT-XH Bình Dương phát triển nhanh và bền vững trong những năm tiếp theo và cải thiện đời sống người dân. Sau hơn 4 năm triển khai, đơn vị đã cơ bản hoàn thành 7 tuyến đường tạo lực dài 34,4km của Khu liên hợp bảo đảm giao thông trong toàn khu và đấu nối với hệ thống giao thông hiện hữu bên ngoài hoặc sẽ xây dựng trong tương lai; hoàn thành 3 tuyến kênh thoát nước chính dài 34km; hệ thống cấp điện, nước, bưu chính viễn thông đáp ứng nhu cầu của các nhà đầu tư và người dân các khu tái định cư... Nhờ đó, đến nay, 6 KCN trong khu liên hợp đã có chủ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật và thu hút các dự án hoạt động sản xuất - kinh doanh như KCN Việt Nam - Singapore (VSIP 2) 344 ha; KCN Sóng Thần 3 với 533 ha; KCN Đại Đăng 274 ha; KCN Phú Gia 133 ha; KCN Đồng An 2 với 158 ha; KCN Kim Huy 237 ha; riêng KCN VSIP 2 đã sớm thu hút các dự án lắp đầy diện tích tổng vốn đầu tư hơn 1 tỷ USD trong đó có dự án lớn là Tập đoàn Mapletree đã đầu tư 110 triệu USD để xây dựng khu kho vận 68 ha và đã khánh thành đưa vào hoạt động khu kho ngoại quan (giai đoạn I) 65.000m2. Khu dịch vụ cao cấp đã thu hút dự án sân Golf có diện tích 302 ha (Twin Dove), trường đua có diện tích 230 ha và các dịch vụ tổng hợp khác khoảng 74,7 ha. Tại 8 khu tái định cư cho bà con vùng quy hoạch, Becamex IDC đã làm 120km đường phố rộng từ 8 - 12m cùng với hệ thống cấp thoát nước, các hệ thống điện, đèn chiếu sáng, chợ, trung tâm thương mại, sân thể thao, công viên... để phục vụ nhu cầu ở và làm ăn của người dân tái định cư. Hiện có trên 1.210 hộ gia đình với 4.060 nhân khẩu đang sinh sống ổn định trong khu tái định cư và hơn 5.000 công nhân đang làm việc tại các KCN...
Đặc biệt đối với Thành phố mới Bình Dương (1.000 ha) nằm ở trung tâm khu liên hợp, Tổng Công ty đã mời đơn vị tư vấn nước ngoài và Viện Kiến trúc thuộc trường Đại học Quốc gia Singapore (NUS) quy hoạch chi tiết 1/500 theo mô hình hiện đại, tiên tiến để trở thành một khu đô thị văn minh, hiện đại, trở thành quận trung tâm của Thành phố Bình Dương trực thuộc Trung ương trong tương lai theo định hướng đến năm 2020. Trong đó có các hạng mục chính như: Trung tâm Chính trị - Hành chính tập trung; Trung tâm hội nghị, triển lãm quốc tế; Khu công viên công nghệ kỹ thuật cao; trường Đại học Quốc tế miền Đông (24.000 sinh viên); Trung tâm thương mại, tài chính, ngân hàng, văn phòng, khách sạn; Khu căn hộ cao cấp, biệt thự sinh thái... phục vụ cho 125 ngàn người định cư lâu dài và hơn 400 ngàn người thường xuyên làm việc. Thành phố mới Bình Dương và các hạng mục đã khởi công xây dựng trong năm 2010... Tại khu trung tâm Thành phố mới, Tập đoàn Mapletree đã được UBND tỉnh cấp giấy phép đầu tư KCN kỹ thuật cao với diện tích 75 ha, vốn đầu tư 400 triệu USD và hiện chủ đầu tư cũng đang tích cực triển khai dự án...
Với những đóng góp của đơn vị trong những năm qua, lãnh đạo tỉnh Bình Dương đánh giá: Becamex IDC là một doanh nghiệp mạnh - chủ lực của tỉnh, nếu không có Becamex IDC làm “đầu tàu”, “bao sân” thực hiện thì các công trình, dự án trọng điểm mang tính đột phá, tạo lực phát triển KT-XH của tỉnh trong thời gian qua sẽ khó thành công.
Bài, ảnh: QUÁCH LẮM