Kỳ 1: Dấu ấn những công trình hạ tầng - giao thông
Là một doanh nghiệp lớn của tỉnh, trong những năm qua, Tổng Công ty Đầu tư và Phát triển công nghiệp - Công ty cổ phần (Becamex IDC) đã có nhiều đóng góp quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Bình Dương. Được UBND tỉnh giao nhiệm vụ phát triển hạ tầng, Becamex IDC đã tập trung đầu tư, xây dựng và phát triển cơ sở hạ tầng đồng bộ, tạo sự kết nối vùng và thu hút vốn đầu tư vào tỉnh.
Đi đầu với những tuyến đường huyết mạch
Trong những năm đầu đổi mới, dựa vào việc phát triển hạ tầng làm đòn bẩy, với tầm nhìn đẩy nhanh thực hiện các dự án phát triển cơ sở hạ tầng, Becamex IDC đã đầu tư nâng cấp mở rộng quốc lộ 13, với chiều dài 62km và 6 làn xe theo tiêu chuẩn đường cấp 1 đồng bằng nối với TP.Hồ Chí Minh (cầu Vĩnh Bình) và Bình Phước (cầu Tham Rớt). Bước đột phá này đã nhanh chóng hình thành hành lang kinh tế trụ cột, kích hoạt hàng loạt dự án đầu tư vào tỉnh, mở ra cơ hội to lớn cho các vùng nông thôn trong tỉnh và khu vực lân cận phát triển. Những năm qua, con đường này đã hoàn thành sứ mệnh liên kết vùng giữa TP.Hồ Chí Minh với các tỉnh Đông Nam bộ và Tây nguyên; trở thành con đường huyết mạch chính kết nối và hỗ trợ phát triển mạng lưới giao thông của tỉnh, kéo dài đến các trung tâm xã, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương. Nhờ con đường này được đầu tư nâng cấp mà chủ trương đưa công nghiệp về phía bắc của tỉnh đạt hiệu quả cao, góp phần đưa Bến Cát từ một huyện thuần nông trở thành địa phương có công nghiệp phát triển nhanh nhất tỉnh, đồng thời thu hút nhiều nhà đầu tư nước ngoài (FDI) đến làm ăn.
Quốc lộ 13 đã được Becamex IDC đầu tư nâng cấp, mở rộng, tạo sức bật cho kinh tế của địa phương phát triển. Ảnh: PHƯƠNG LÊ
Trước những yêu cầu phát triển của Bình Dương đến năm 2020, việc giải quyết tốt bài toán nâng cấp hạ tầng giao thông nối kết với hệ thống giao thông quốc gia, bảo đảm việc vận chuyển hàng hóa nhanh và giảm chi phí trở thành yêu cầu cấp thiết của tỉnh. Becamex IDC tiếp tục được giao trọng trách đầu tư xây dựng đường Mỹ Phước - Tân Vạn. Đường Mỹ Phước - Tân Vạn từ ngã ba Tân Vạn đến KCN Mỹ Phước dài 37,6km kết nối các khu công nghiệp ở phía bắc của tỉnh đến sân bay, cảng biển trong khu vực đã khánh thành giai đoạn I dài 23km, góp phần giải quyết ùn tắc giao thông trên quốc lộ 13 và đường ĐT747. Bên cạnh đó, Becamex IDC cũng được giao nhiệm vụ xây dựng mới tuyến Mỹ Phước - Bàu Bàng dài 11km, quy mô 10 làn xe nhằm kết nối liên vùng Mỹ Phước, Bàu Bàng, tạo động lực mới để tiếp tục phát triển công nghiệp tại 2 huyện Bàu Bàng, Dầu Tiếng.
Cùng với 2 tuyến đường xương sống, huyết mạch nói trên, Becamex IDC còn đầu tư xây dựng các tuyến đường đi qua TX.Tân Uyên (ĐT746, ĐT747) để đáp ứng nhu cầu kết nối liên vùng giữa TX.Tân Uyên, huyện Bắc Tân Uyên với trung tâm Thành phố mới Bình Dương, tạo điều kiện cho các địa phương này thu hút vốn đầu tư... Becamex IDC cũng đã và đang tiếp tục chỉnh trang các tuyến đường đô thị Thủ Dầu Một kết nối vào Trung tâm Chính trị Hành chính của tỉnh; mở rộng, nâng cấp đại lộ Bình Dương..., bảo đảm sự liên kết liên vùng giữa TP.Hồ Chí Minh với các tỉnh Đông Nam bộ và Tây nguyên thuận lợi. Đặc biệt, đối với dự án trung tâm Thành phố mới Bình Dương với diện tích xây dựng 1.000 ha do tổng công ty làm chủ đầu tư, công trình Trung tâm Hành chính tập trung của tỉnh đã đưa vào sử dụng đầu năm 2014, cùng các công trình tạo lực như đường giao thông, cấp thoát nước, điện công nghiệp... đã cơ bản hoàn chỉnh.
Xây dựng hạ tầng phát triển công nghiệp theo chuẩn
Ông Trần Thanh Liêm, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh cho biết, các sản phẩm dịch vụ của Becamex IDC đã và đang tạo ra những dấu ấn lớn đối với quá trình phát triển kinh tế - xã hội tỉnh nhà, góp phần tạo nền tảng để Bình Dương trở thành đô thị loại I trước năm 2020. Ông đánh giá cao các chương trình tiếp thị, hợp tác của Becamex IDC ở nước ngoài, cũng như những kết quả đạt được trong đầu tư xây dựng hạ tầng cùng những dự án nhà ở xã hội tại tỉnh… đã góp phần phục vụ an sinh xã hội trên địa bàn ngày càng tốt hơn… |
Trong xây dựng hạ tầng KCN, các KCN (KCN Việt Nam - Singapore, KCN Mỹ Phước…) do Becamex IDC và các đơn vị thành viên đầu tư xây dựng là những KCN kiểu mẫu, với cơ sở hạ tầng hoàn thiện, được xây dựng theo hướng chú trọng đến bảo vệ môi trường, tạo ra những công viên công nghiệp xanh, sạch theo mô hình thành phố công nghiệp gắn với phát triển đô thị vệ tinh, với mục tiêu hướng đến sự phát triển lâu dài và bền vững. Becamex IDC cũng tiếp tục đầu tư và hoàn thiện KCN và đô thị Thới Hòa, các KCN Việt Nam - Singapore, Mỹ Phước… nhằm tạo ra quỹ đất sạch, cơ sở hạ tầng hiện đại, đồng bộ, sẵn sàng đáp ứng tốt nhất nhu cầu của các nhà đầu tư.
Với mục tiêu xây dựng một “thành phố công nghệ - giáo dục - đào tạo”, Becamex IDC và các nhà đầu tư thành phần khác đã triển khai và đưa vào sử dụng nhiều dự án, như trường Đại học Quốc tế Miền Đông, trường Ngô Thời Nhiệm, trường Nguyễn Khuyến cùng với các khu thể thao cộng đồng, khu hồ bơi. Bên cạnh đó, trong quá trình xây dựng và phát triển các dự án công nghiệp, đô thị, Becamex IDC luôn xác định “an cư” là bước đi đầu tiên và rất quan trọng trong việc ổn định an sinh xã hội. Tổng công ty đã triển khai dự án nhà ở xã hội giai đoạn 2011-2015 với tổng diện tích quy hoạch 200 ha tại các KCN - đô thị phát triển của Bình Dương; tổng số căn hộ xây dựng là 64.000 căn, phục vụ cho 164.000 người. Có thể nói, chương trình nhà ở cho người lao động vừa là mục tiêu chiến lược vừa là nhiệm vụ quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Ông Nguyễn Văn Hùng, Tổng Giám đốc Becamex IDC cho biết, được sự quan tâm hỗ trợ từ Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương, sự lãnh đạo của Tỉnh ủy, chỉ đạo trực tiếp của UBND tỉnh, hạ tầng phát triển công nghiệp được tổng công ty và các đơn vị thành viên đầu tư xây dựng theo quy hoạch, đạt chuẩn và luôn quan tâm cải thiện môi trường, chỉnh trang hạ tầng kỹ thuật. Từ đó đã tạo điều kiện thuận lợi cho việc thu hút nguồn vốn đầu tư và đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu của nhà đầu tư. Có thể thấy, thông qua các dự án đầu tư của Becamex IDC đã góp phần tạo nên môi trường đầu tư của tỉnh hấp dẫn các nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Tiền thân là Công ty Thương nghiệp Tổng hợp huyện Bến Cát (nay là TX.Bến Cát), năm 1991, Becamex IDC được giao làm nòng cốt trong việc sáp nhập một số công ty thương nghiệp của tỉnh có nguy cơ phá sản để thành lập Công ty Thương mại Xuất nhập khẩu tỉnh Sông Bé. Khi tỉnh Bình Dương tái lập, công ty đổi tên thành Công ty Thương mại - Đầu tư và Phát triển Bình Dương (Becamex Corp). Thực hiện Quyết định số 33/QĐ-UBND ngày 10-2-2006 của UBND tỉnh, Becamex IDC đi vào hoạt động theo mô hình công ty mẹ - công ty con với 30 đơn vị thành viên. Đến nay, Becamex IDC đã trở thành doanh nghiệp kinh tế hùng mạnh, đa ngành, đa lĩnh vực. Từ đầu tư cơ sở hạ tầng, phát triển khu công nghiệp, xây dựng dân dụng, công nghiệp và giao thông đến sản xuất, kinh doanh dược phẩm, vật tư, dụng cụ y tế và mỹ phẩm, hoạt động tài chính, chứng khoán ngân hàng và kinh doanh phát triển hạ tầng công nghệ truyền thông đều có sự tham gia của Becamex IDC và đều đạt được nhiều thành công, tạo dấu ấn Becamex IDC.
PHƯƠNG LÊ