Bến đò ngang An Sơn (xã An Sơn, TP.Thuận An): Vẫn còn nhiều hành khách thờ ơ không mặc áo phao

Thứ ba, ngày 13/05/2025
Theo dõi Báo Bình Dương trên

Nhân viên phục vụ trên phà đem áo phao cứu sinh đưa tận tay cho khách và nhắc nhở mặc áo phao nhưng phần lớn người dân không chịu mặc. Thực tế này xảy ra tại bến đò ngang An Sơn (xã An Sơn, TP.Thuận An).

Hành khách không chịu mặc áo phao

Bến đò An Sơn kết nối xã An Sơn với xã Nhị Bình, huyện Hóc Môn, TP.Hồ Chí Minh. Theo tìm hiểu, hàng ngày, có gần 900 lượt người lên bến đò An Sơn qua lại sông Sài Gòn. Những ngày đầu tháng 5, P.V có mặt tại bến đò An Sơn để ghi nhận việc chấp hành các quy định bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường thủy nội địa.

Mặc dù nhân viên phục vụ nhắc nhở nhưng vẫn có nhiều hành khách không chịu mặc áo phao

Theo nghi nhận, khi khách vừa lên phà, nhân viên phục vụ bến đò An Sơn nhanh tay đưa áo phao cứu sinh và luôn miệng nhắc nhở khách mặc áo phao theo quy định. Và cũng theo ghi nhận, nhiều trường hợp hành khách từ chối mặc áo phao, cự cãi lại nhân viên trên phà. Nhiều người dân cho rằng chỉ mất vài phút thì phà đã qua sông, mặc áo phao vào thêm nóng nực.

Trao đổi với P.V qua điện thoại, ông Lý Kim Nhất, đại diện bến đò An Sơn cho biết để góp phần bảo đảm an toàn giao thông đường thủy, thời gian qua bến đò An Sơn đầu tư mua sắm đầy đủ các dụng cụ, trang thiết bị cứu sinh trên phà. Cụ thể như, đơn vị đã mua sắm 70 áo phao cứu sinh, 20 phao tròn, 40 phao cầm tay, 2 phao lưới và trang bị nhiều bình chữa cháy.

Theo ông Lý Kim Nhất, để các nhân viên phục vụ trên phà có thêm kiến thức, kinh nghiệm để sẵn sàng triển khai việc cứu hộ, thời gian qua đơn vị thường xuyên tạo điều kiện cho nhân viên tập huấn cứu hộ, cứu sinh. Trước mùa mưa bão cận kề, đơn vị tiếp tục tăng cường việc bảo dưỡng, bảo trì máy móc, thiết bị phà để phòng ngừa xảy ra sự cố trên sông.

Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền

Ông Nguyễn Thanh Luật, Chủ tịch UBND xã An Sơn, cho biết thời gian qua địa phương thường xuyên làm việc với chủ bến đò An Sơn xoay quanh việc yêu cầu đơn vị này thực hiện đầy đủ các quy định của pháp luật về việc khai thác bến khách ngang sông.

Tại các buổi làm việc, địa phương yêu cầu chủ bến thực hiện bảo đảm vệ sinh môi trường, chở đúng số lượng khách theo quy định, bố trí đầy đủ hệ thống phao cứu sinh và các thiết bị an toàn cho hành khách khi lên phà sang sông. Phương tiện đưa vào khai thác tại bến phải được đăng ký, đăng kiểm, người điều khiển phương tiện phải có giấy chứng nhận lái phương tiện, tuyệt đối phà sang sông Sài Gòn không được chở quá tải trọng theo quy định.

Ngoài ra, nhằm góp phần nâng cao ý thức cho người dân, địa phương phối hợp với chủ bến đò An Sơn tổ chức tuyên truyền pháp luật dưới nhiều hình thức. Qua đó, lực lượng chức năng địa phương và bến đò An Sơn yêu cầu người qua phà phải chấp hành nghiêm việc trang bị áo phao cứu sinh. Qua tìm hiểu, thời gian qua có một số trường hợp người dân qua phà không chấp hành việc mặc áo phao. Địa phương sẽ tiếp tục phối hợp với đơn vị chức năng tăng cường tuyên truyền và đưa ra các hình thức xử lý đối với những trường hợp không chịu chấp hành việc mặc áo phao khi lên phà qua sông.

Theo Nghị định số 139/2021/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường thủy nội địa, hành vi không mặc áo phao khi đi đò, phà bị phạt 2 triệu đồng. Nghị định số 139/2021/NĐ-CP cũng quy định các mức xử phạt vi phạm liên quan đến phao cứu sinh trong giao thông đường thủy nội địa, cụ thể đối với hành vi không hướng dẫn cách sử dụng thiết bị, dụng cụ cứu sinh (áo phao...), cứu đắm cho người, hành khách trên phương tiện thì người lái phương tiện, sử dụng phương tiện bị phạt từ 1-2 triệu đồng. Đối với hành vi kinh doanh vận tải hành khách, hành lý, bao gửi bằng tàu theo chuyến cố định mà không có bảng hướng dẫn cách sử dụng thiết bị, dụng cụ cứu sinh (áo phao), cứu đắm: Nếu cá nhân vi phạm bị phạt từ 5-10 triệu đồng; nếu tổ chức vi phạm bị phạt từ 10-20 triệu đồng.

THANH QUANG