Bệnh bạch hầu dễ gây tử vong nếu không điều trị kịp thời

Cập nhật: 10-07-2024 | 09:03:38

 Hiện dịch bệnh bạch hầu đang diễn biến phức tạp tại 2 tỉnh Nghệ An và Bắc Giang. Bình Dương chưa ghi nhận trường hợp nào mắc bệnh bạch hầu. Ngành y tế tỉnh khuyến cáo người dân cần chủ động thực hiện các biện pháp phòng bệnh.

 Tiêm vắc xin chứa thành phần phòng bệnh bạch hầu tại các trường tiểu học ở TP.Dĩ An

 Dấu hiệu nhận biết bệnh bạch hầu

Bạch hầu là bệnh nhiễm khuẩn cấp tính vừa nhiễm trùng vừa nhiễm độc, có thể làm bệnh nhân tử vong trong vòng 6 - 10 ngày. Bệnh thường xuất hiện ở nhóm trẻ dưới 5 tuổi và người trên 60 tuổi, nhưng những năm gần đây bệnh diễn biến phức tạp ở người lớn. Bất cứ đối tượng nào tiếp xúc với mầm bệnh đều có thể bị bệnh bạch hầu.

Bác sĩ Trần Văn Chung, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cho biết: “Người mắc bệnh bạch hầu thường xuất hiện những triệu chứng điển hình như sốt nhẹ, họng đỏ, nuốt đau, ho, khàn tiếng, mệt, da hơi xanh, chán ăn. Sau 2-3 ngày, xuất hiện giả mạc mặt sau hoặc hai bên thành họng, có màu trắng ngà, xám hoặc đen. Giả mạc dai, dính, dễ chảy máu. Đây là dấu hiệu quan trọng nhất để phát hiện bệnh. Ngoài ra, bệnh nhân có thể có dấu hiệu khó thở, nổi hạch ở dưới hàm làm sưng tấy vùng cổ. Người bệnh nếu được phát hiện sớm, điều trị kịp thời có thể hồi phục bình thường. Tuy nhiên, nếu không phát hiện sớm, bệnh có thể gây ra các biến chứng nguy hiểm và có thể tử vong”.

Bác sĩ Chung thông tin thêm, ở giai đoạn đầu, bệnh dễ bị nhầm lẫn với bệnh viêm họng nặng. Tuy nhiên, triệu chứng sốt nhẹ và sưng hạch ở cổ là dấu hiệu người dân cần lưu tâm. Biến chứng thường gặp nhất ở bệnh bạch hầu là viêm cơ tim và viêm dây thần kinh. Khi viêm cơ tim xuất hiện sớm trong những ngày đầu, tỷ lệ tử vong của người bệnh rất cao.

Tiêm vắc xin là biện pháp phòng bệnh tốt nhất

Trước tình hình dịch bệnh bạch hầu đang diễn biến phức tạp trên địa bàn tỉnh Nghệ An và Bắc Giang, ngành y tế Bình Dương chủ động triển khai các biện pháp phòng, chống trên địa bàn. Qua hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm, hiện Bình Dương chưa ghi nhận trường hợp nào mắc bệnh bạch hầu cũng chưa ghi nhận các trường hợp tiếp xúc gần với các bệnh nhân ở Nghệ An, Bắc Giang.

Người mắc bệnh bạch hầu thường xuất hiện những triệu chứng điển hình như sốt nhẹ, họng đỏ, nuốt đau, ho, khàn tiếng, mệt, da hơi xanh, chán ăn. Sau 2-3 ngày, xuất hiện giả mạc mặt sau hoặc hai bên thành họng, có màu trắng ngà, xám hoặc đen. Giả mạc dai, dính, dễ chảy máu. Đây là dấu hiệu quan trọng nhất để phát hiện bệnh. Ngoài ra, bệnh nhân có thể có dấu hiệu khó thở, nổi hạch ở dưới hàm làm sưng tấy vùng cổ.

Để chủ động phòng, chống dịch bệnh, ngành y tế tăng cường hệ thống giám sát dịch bệnh, đẩy mạnh truyền thông. Trường hợp nghi ngờ có dịch xảy ra, ngành tiến hành ngay các biện pháp xử lý ổ dịch một cách triệt để. Các đơn vị tiến hành tổ chức tốt việc thu dung, cách ly điều trị bệnh nhân nhằm hạn chế tối đa số trường hợp mắc và tử vong. Bên cạnh đó, ngành cũng chỉ đạo các đơn vị dự phòng các trường hợp có tiếp xúc với bệnh nhân trong khu vực ổ dịch.

Bác sĩ Huỳnh Minh Chín, Phó Giám đốc Sở Y tế cho biết: Bệnh bạch hầu đã có vắc xin phòng bệnh và thuốc điều trị đặc hiệu. Bệnh chưa được loại trừ ở nước ta, do đó bất kỳ ai cũng có thể mắc bệnh nếu chưa tiêm vắc xin phòng bệnh và tiếp xúc với mầm bệnh. Để phòng bệnh, người dân cần đưa trẻ đi tiêm chủng đầy đủ và đúng lịch. Trong trường hợp hoãn tiêm thì tiến hành tiêm bù trong thời gian sớm nhất có thể. Tiêm vắc xin là biện pháp tốt nhất để phòng bệnh bạch hầu.

“Đặc biệt, người dân thực hành rửa tay thường xuyên bằng xà phòng; che miệng khi ho hoặc hắt hơi; giữ vệ sinh thân thể, mũi, họng hàng ngày; hạn chế tiếp xúc với người mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh. Đối với nhà ở, nhà trẻ, lớp học cần giữ vệ sinh, bảo đảm thông thoáng, sạch sẽ và có đủ ánh sáng. Khi người dân có dấu hiệu mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh bạch hầu cần phải được cách ly và đến ngay các cơ sở y tế để được khám, điều trị kịp thời. Người dân trong ổ dịch cần chấp hành nghiêm túc việc uống thuốc phòng bệnh, tiêm vắc xin theo chỉ định, yêu cầu của cơ quan y tế”, bác sĩ Huỳnh Minh Chín nói.

 Bệnh bạch hầu đã có vắc xin phòng bệnh và thuốc điều trị đặc hiệu. Bệnh chưa được loại trừ ở nước ta, do đó bất kỳ ai cũng có thể mắc bệnh nếu chưa tiêm vắc xin phòng bệnh và tiếp xúc với mầm bệnh. Để phòng bệnh, người dân cần đưa trẻ đi tiêm chủng đầy đủ và đúng lịch. Trong trường hợp hoãn tiêm thì tiến hành tiêm bù trong thời gian sớm nhất có thể. Tiêm vắc xin là biện pháp tốt nhất để phòng bệnh bạch hầu.

 KIM HÀ  

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=710
Quay lên trên