Bệnh cao su rụng lá: Nông dân cần phải chủ động phòng ngừa

Cập nhật: 06-09-2010 | 00:00:00

Như Báo Bình Dương đã đăng tải, trong thời gian gần đây, bệnh rụng lá cao su (CS) đang gây nhiều thiệt hại cho người trồng CS. Điều đáng nói ở đây là vẫn chưa có loại thuốc nào đặc trị để phòng chống và hiện loại bệnh này vẫn đang diễn biến hết sức phức tạp.

  Phun xịt thuốc chống bệnh làm tăng chi phí của nông dân

Lây lan nhanh và phức tạp

Chúng tôi vừa có dịp theo các cán bộ Chi cục Bảo vệ thực vật (BVTV) tỉnh đi khảo sát và kiểm tra công tác phòng chống dịch tại các vùng CS bị nhiễm bệnh nặng. Có mặt tại địa bàn Phú Giáo - nơi phát sinh bệnh đầu tiên trong toàn tỉnh, rất dễ dàng nhận ra những vườn CS bị bệnh với những biểu hiện bất thường trong thời điểm này như lá bị đốm vàng, đọt non bị héo úa, lá rụng nhiều. Nhiều địa phương có trồng CS trên địa bàn tỉnh cũng không khó để tìm những diện tích bị nhiễm loại bệnh này.

  Bệnh làm đọt lá bị héo, rụng nhanh...

Bệnh phát xuất đầu tiên trên diện tích 6 ha tại xã Phước Sang (Phú Giáo) vào đầu tháng 6 năm nay. Hiện đã qua gần 3 tháng điều trị, diện tích này vẫn chưa khỏi bệnh mà chỉ khựng lại. Nhiều người vẫn không thể ngờ được tác hại to lớn và khả năng bùng phát nhanh của loại bệnh này. Báo cáo mới đây của Chi cục BVTV tỉnh cho biết, toàn tỉnh đã có hơn 4.200 ha CS bị nhiễm bệnh, xuất hiện nhiều trên các diện tích CS tiểu điền ở một số giống CS như RRIV4, RRIV3, RRIV2, PB235, VM515, PB255... Ban đầu bệnh chỉ xuất hiện trên các vườn CS từ 4 - 10 năm tuổi, gần đây bệnh cũng đã phát sinh trên vườn CS 2 - 3 năm tuổi. Đặc biệt, tình hình thời tiết thất thường trong thời gian gần đây đã làm cho công tác phòng chống loại dịch bệnh này trong nông dân gặp nhiều khó khăn. Chính điều kiện thời tiết không thuận lợi đã làm cho các diện tích CS sau 2 - 3 lần phun xịt lại phát bệnh trở lại. Ông Lê Minh Đức ngụ tại ấp Gia Biện, xã Tam Lập (Phú Giáo) cho biết: “Cách đây hơn 2 tháng, tôi thấy một số ít diện tích trong 8 ha CS của tôi lá bị héo vàng và rụng. Tôi cho rằng đó chỉ là biểu hiện thông thường nhưng không ngờ tới giờ nó đã lây lan ra tất cả 8 ha. Hiện bệnh không chỉ làm rụng lá mà còn làm rụng cả đọt non của cây và làm giảm năng suất vườn cây của tôi khoảng 20%. Mới chỉ có hơn 2 tháng mà tôi đã tốn hết mười mấy triệu tiền thuốc mà bệnh trên vườn cây cũng chỉ khựng lại”. Còn anh Phạm Văn Tâm cũng ngụ tại địa phương trên cho biết, lúc đầu anh không quan tâm lắm đến loại bệnh này nhưng về sau thấy nhiều vườn cây xung quanh bị bệnh như vườn cây nhà mình anh mới tìm thuốc về phun. Đây là lần đầu tiên vườn cây bị bệnh nên anh rất lúng túng trong điều trị, anh cũng chỉ nghe người ta chỉ làm sao làm vậy chứ cũng không được hướng dẫn cặn kẽ. Hiện nay sau 3 đợt phun thuốc, 80% vườn cây bị bệnh của anh đã khựng lại và không bùng phát nữa.

Phun thuốc chỉ là biện pháp tình thế

Hiện nay, vấn đề bà con nông dân quan tâm là vẫn chưa có loại thuốc nào đặc trị mặc dù đã có nhiều người quảng bá các loại thuốc khác nhau. Biện pháp xịt thuốc theo nhiều người chỉ là biện pháp tình thế vì hiện nay nhiều nhà vườn sau khi phun xong 3 đợt, bệnh vẫn tái phát. Theo nhiều người trồng CS, công việc phun thuốc cũng là một vấn đề khó khăn. Khi bệnh xuất hiện trên nhiều địa bàn thì kéo theo đó là cũng xuất hiện các đội quân phun xịt thuê. Việc phòng tránh loại bệnh này đòi hỏi kỹ thuật pha chế thuốc và kỹ thuật phun xịt đúng phương pháp, trong khi đội quân phun xịt này phần lớn chưa đáp ứng được yêu cầu. Nhà vườn đang “dở khóc dở cười”, bởi dù có tiền nhưng chưa chắc gì đã trị được hết bệnh cho vườn cây. Anh Cường - người phun thuốc thuê tại ấp Lễ Trang, xã Vĩnh Hòa (Phú Giáo) cho biết: “Công việc phun xịt thuốc trừ bệnh rụng lá CS của tôi rất bận rộn. Trung bình với 1 bình 500 lít thuốc chúng tôi lấy tiền công 250.000 đồng”. Với 500 lít thuốc như vậy có thể phun xịt cho khoảng 0,5 ha CS. Như vậy, trung bình mỗi ha CS nông dân phải bỏ ra 500.000 đồng tiền công xịt thuốc.

Nông dân cần nắm vững kỹ thuật

Nguyên nhân gây bệnh rụng lá CS là do nấm CORYNESPORA gây ra. Bào tử của nấm phóng thích vào ban ngày, cao điểm là từ 8 - 11 giờ. Sau thời gian mưa nhiều, tiếp theo nắng ráo, số lượng bào tử nhiều nhất. Bào tử của loại nấm này có khả năng tồn tại trên vết bệnh hoặc trong đất với thời gian dài, trên lá CS khô nấm vẫn tồn tại và giữ nguyên khả năng gây bệnh đến 1 năm. Hiện nay, nấm đã hình thành nhiều nòi sinh lý nên có khả năng gây bệnh cho nhiều dòng vô tính kháng. Theo các cơ quan chuyên môn, bệnh này xảy ra quanh năm và suốt chu kỳ sống của cây CS nên có tác hại lớn. Ngay sau khi dịch bệnh xuất hiện, các cơ quan chức năng trên địa bàn tỉnh đã vào cuộc để giúp nông dân phòng chống. Trong đó, Trạm BVTV các huyện đã tổ chức các buổi hội thảo, tập huấn cho bà con nông dân để chủ động đối phó với dịch bệnh. Ngoài ra, Chi cục BVTV cũng đã tổ chức khảo nghiệm trên một số vườn CS nhiễm bệnh để tìm ra các biện pháp phòng chống bệnh hữu hiệu nhất. Tuy nhiều hộ nông dân đã thực hiện đầy đủ các biện pháp nhưng cho đến nay cũng đành “bất lực”. Ông Bùi Quang Chánh - Trạm trưởng Trạm BVTV huyện Phú Giáo cho biết: “Trạm BVTV huyện đã triển khai các biện pháp phòng bệnh, gửi các thông báo để nông dân có thể chủ động phòng chống loại bệnh này. Nông dân cần phát hiện sớm dịch bệnh và tập trung phun thuốc để hạn chế bệnh phát sinh. Tuy nhiên máy móc ít, kỹ thuật phun yếu cũng là những nguyên nhân làm cho công tác phòng chống bệnh tại một số vườn cây chưa hiệu quả”.Một thực tế cho thấy, loại dịch này xảy ra chủ yếu tại các diện tích CS tiểu điền và xuất hiện nhiều trên các dòng cây RRIV, đây là dòng cây tuy cho sản lượng mủ nhiều nhưng rất mẫn cảm với các loại bệnh. Điều này cũng đặt ra vấn đề là công tác lựa chọn giống kiến thiết vườn cây của nông dân còn bị bỏ lỏng và vai trò của khuyến nông trong vấn đề này là ở đâu? Ngành khuyến nông vẫn chưa có các khuyến cáo rõ ràng cho nông dân trong việc chọn giống và hiện nay tốc độ dịch bệnh lây lan trên các vườn cây nhanh, mức độ thiệt hại là rất cao và nông dân vẫn là người chịu thiệt thòi đầu tiên. Ông Nguyễn Phong Huy - Trưởng phòng BVTV - Chi cục BVTV tỉnh cho biết: “Trong tình hình hiện tại, người dân không nên quá hoang mang mà nên thực hiện tốt các biện pháp phòng chống dịch bệnh. Chi cục BVTV cũng đang tổ chức thanh, kiểm tra các đại lý bán thuốc BVTV, các công ty thuốc BVTV để tránh tình trạng ghim hàng, ém giá thuốc cũng như một số đơn vị bán thuốc lợi dụng tình hình, lợi dụng sự thiếu hiểu biết của nông dân để trục lợi”.

Ngoài một số biện pháp phòng chống dịch bệnh mà chúng tôi đã thông tin trước đây, hiện nay với những diễn biến mới của dịch bệnh, bà con nông dân cũng cần áp dụng một số biện pháp như đào hố tích mùn giữa hàng, gom lá và rải hoặc phun chế phẩm sinh học nấm đối kháng Trichoderma để tiêu diệt nguồn nấm phát tán (chỉ xử lý chế phẩm này 7 - 10 ngày sau khi phun trên lá). Khi thời tiết chuyển từ mưa sang nắng hạn cần theo dõi kỹ vườn cây vì đây là điều kiện thuận lợi để bệnh bùng phát trở lại; thực hiện tốt việc pha chế thuốc và các kỹ thuật phun để đạt hiệu quả cao nhất; việc canh tác trong tình hình hiện tại bà con không trồng các dòng cây như: RRIC103, RRIC104, RRIV4,RRIV2,RRIV3... và không được sử dụng các cây con giống không có nguồn gốc rõ ràng...

CAO SƠN

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên