Bệnh dại gây chết người nhưng có thể phòng tránh được

Cập nhật: 11-11-2022 | 08:37:45

 Bệnh dại là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, gây chết người nhưng phòng tránh được bằng biện pháp tiêm vắc xin phòng, chống bệnh dại và thực hiện các biện pháp theo khuyến cáo của ngành y tế.

 Tiêm vắc xin phòng bệnh dại tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh

 Bệnh truyền nhiễm nguy hiểm

Bệnh dại là bệnh truyền nhiễm cấp tính lây từ động vật sang người, chủ yếu truyền qua các vết cắn, vết trầy xước từ nước bọt của động vật bị dại. Khi đã lên cơn dại, kể cả động vật và người đều dẫn đến tử vong. Tuy nhiên, bệnh dại có thể phòng tránh và điều trị dự phòng bằng vắc xin và huyết thanh kháng dại.

Thời gian qua, số ca tử vong do bệnh dại liên tiếp gia tăng tại nhiều địa phương. Tại văn bản tăng cường công tác phòng, chống bệnh dại, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương nêu rõ bệnh dại hiện vẫn là một trong số các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm gây dịch có số tử vong trên người cao nhất trên thế giới cũng như tại Việt Nam. Hàng năm, thế giới có trung bình từ 60.000 ca tử vong do dại. Tại Việt Nam, giai đoạn 2017-2021, trung bình mỗi năm có 76 người tử vong, giảm 15% so với giai đoạn 2012-2016. Tuy nhiên năm nay, dịch bệnh xuất hiện và tăng cao đột biến ở những tỉnh vốn không phải là khu vực trọng điểm về dại. Trong đó, tỉnh Bến Tre có 12 ca tử vong do dại (tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm 2021), tỉnh Kiên Giang có 5 ca tử vong (cùng kỳ năm 2021 ghi nhận 1 ca) và tỉnh Gia Lai ghi nhận 4 ca tử vong (cùng kỳ năm 2021 không có ca tử vong).

Cũng theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương, nguyên nhân trực tiếp gây tử vong do dại trên người chủ yếu là do người bị động vật nghi dại cắn không tiêm phòng vắc xin. Hơn nữa, tỷ lệ tiêm vắc xin phòng dại trên đàn chó, mèo còn thấp; công tác quản lý đàn chó, mèo ở một số địa phương còn lỏng lẻo. Từ đầu năm 2022 đến nay, tỷ lệ tiêm vắc xin phòng dại chỉ đạt khoảng 40% tổng đàn chó, mèo. Trong khi đó, để ngăn chặn bệnh dại lây sang người cần đạt tỷ lệ tiêm phòng trên động vật ít nhất 70% trong 2 năm liên tiếp. Nguy cơ bùng phát bệnh dại trên người tại các khu vực nói trên và lây lan sang các khu vực khác là rất lớn.

Phấn đấu đến năm 2030 không còn ca tử vong vì bệnh dại

Với chủ đề năm 2022: “Hãy chủ động phòng, chống bệnh dại: Vì một sức khỏe, không tử vong”, Tổ chức Y tế Thế giới nhấn mạnh việc hợp tác đa ngành trong phòng, chống bệnh dại là chìa khóa quan trọng để đạt được thành công và khuyến khích sự tham gia của tất cả mọi người và các ban ngành liên quan nhằm hướng tới một mục tiêu chung: Không còn ca tử vong vì bệnh dại vào năm 2030.

Tại Bình Dương, ngành y tế luôn đẩy mạnh công tác phòng, chống bệnh dại. Nhằm hướng đến mục tiêu không còn ca mắc và tử vong vì bệnh dại, BS.CK1 Quách Hoàng Mỹ, Trưởng khoa Kiểm soát bệnh truyền nhiễm, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, cho biết thời gian qua, ngành y tế tỉnh luôn đẩy mạnh công tác truyền thông và hoạt động giám sát các trường hợp bị vật nuôi, thú cưng nghi dại cắn, khuyến cáo 100% trường hợp được tiêm phòng. Đặc biệt, ngành cũng tuyên truyền, vận động người dân hạn chế nuôi chó, mèo, nếu nuôi phải tiêm phòng bệnh dại định kỳ theo khuyến cáo của ngành thú y, phải nuôi nhốt không được thả rông; vật nuôi khi ra ngoài phải được rọ mõm, không cho trẻ đùa nghịch với chó, mèo đặc biệt là khi chúng đang ăn; cần theo dõi tình trạng con vật sau khi cắn người trong vòng 2 tuần (ốm, chết, lên cơn dại…) để có hướng xử lý tiếp theo”. Bác sĩ Hoàng Mỹ đặc biệt lưu ý người dân: “Khi tiêm vắc xin phòng bệnh dại, yêu cầu phải tuân thủ: Tiêm đủ mũi, đúng lịch, không uống rượu bia, không dùng thuốc Corticoid và thuốc ức chế miễn dịch. Người dân cần báo ngay cho cơ quan y tế, thú y địa phương khi phát hiện vật nuôi nghi dại để có biện pháp xử lý; cách ly, theo dõi động vật nghi dại; tiêm phòng dại cho động vật khỏe mạnh sống trong vùng dịch”...

Được biết, ngành y tế vẫn đang tăng cường sự tiếp cận của người dân với vắc xin phòng dại và huyết thanh kháng dại trên người; tiếp tục mở rộng, tăng cường các điểm tiêm vắc xin phòng dại để bảo đảm ít nhất một huyện, thị xã, thành phố có một điểm tiêm. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng được yêu cầu tăng cường công tác giám sát và xử lý ổ dịch dại trên động vật, kịp thời chia sẻ thông tin để Sở Y tế chủ động phòng, chống lây nhiễm sang người. Ngoài ra, ngành cũng truyền thông cho người nuôi chó, mèo các biện pháp bảo đảm an toàn cho người ở các khu vực công cộng, tránh để trường hợp chó cắn người gây hậu quả nghiêm trọng; truyền thông về lợi ích của việc tiêm vắc xin phòng bệnh dại cho động vật để tăng tỷ lệ bao phủ vắc xin lên ít nhất 70%.

 Trong trường hợp bị chó, mèo cắn, người dân cần làm ngay:

1. Rửa và xối nước ngay vào vết cắn liên tục trong vòng 15 phút với nước sạch và xà phòng đặc.

2. Sát khuẩn vết cắn với thuốc sát trùng như cồn y tế, cồn i-ốt (thuốc đỏ) nếu có, hạn chế làm dập vết thương và không băng kín vết thương.

3. Đến ngay trung tâm y tế gần nhất để được tư vấn và tiêm vắc xin phòng bệnh dại kịp thời. Tuyệt đối không tự chữa hoặc nhờ thầy lang khám chữa.

4. Nếu chó, mèo cắn người, cần thông báo ngay cho cán bộ thú y xã và trưởng khu phố, ấp để giúp bắt chó, mèo lại.

Toàn dân hãy chủ động phòng, chống bệnh dại để bảo vệ sức khỏe cho chính mình, cho cộng đồng và không có ca tử vong vì bệnh dại trong tương lai.

 HOÀNG LINH - GIANG NHUNG

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=439
Quay lên trên