Bệnh hen suyễn: Có thể kiểm soát bằng thuốc ngừa cơn

Cập nhật: 09-07-2014 | 00:00:00
Hen suyễn (thường gọi là hen phế quản) là bệnh thường gặp ở trẻ nhỏ và gây khó chịu cho trẻ khi thở. Nếu không biết cách kiểm soát khi lên cơn hen có thể gây nguy hiểm đến tính mạng. Tuy nhiên, theo các bác sĩ (BS), bệnh hen suyễn có thể được kiểm soát hoàn toàn bằng các loại thuốc ngừa cơn…

  Trẻ bị hen suyễn đang thở khí dung tại Khoa nhi, BVĐK tỉnh 

Hen suyễn là bệnh viêm mãn tính đường dẫn khí, khiến cho đường thở xung huyết, phù nề, hẹp lòng và tăng nhạy cảm với các chất gây kích thích khác. Khi tiếp xúc với các chất kích thích này, đường thở (chủ yếu là phế quản) sẽ co thắt, phù nề, chứa đầy chất nhầy nên bị tắc nghẽn khiến cho bệnh nhân có cơn ho, khò khè, khó thở.

Nguyên nhân và dấu hiệu nhận biết

Theo BS Trần Thị Minh Nguyệt, Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) tỉnh, nguyên nhân gây bệnh hen suyễn là sự tổng hợp của hai yếu tố: di truyền và môi trường. Trong gia đình người bệnh hen suyễn, người ta thường thấy có cha mẹ hay anh em của bệnh nhân này cũng bị hen. Nếu cha hoặc mẹ bị hen thì con sinh ra có khả năng mắc hen nhiều gấp 2 - 3 lần người bình thường. Ngoài ra yếu tố dị ứng cũng góp phần quan trọng trong nguyên nhân gây hen suyễn. Bệnh hen suyễn thường xảy ra ở người có cơ địa dị ứng như: nổi mề đay không rõ nguyên nhân, hoặc sau khi ăn đồ biển như cua, ghẹ, hoặc bị viêm mũi dị ứng. Tuy nhiên, nhiều bệnh nhân hen suyễn hoàn toàn không có yếu tố dị ứng này. Ngoài 2 nguyên nhân trên còn có các yếu tố khởi phát cơn hen. Các dị nguyên hay gặp nhất là con mạt nhà (côn trùng nhỏ li ti nằm trong bụi nhà, gường chiếu, mùng mền); lông chó mèo, phấn hoa, khói thuốc lá, bụi từ môi trường sống như khói từ động cơ xe máy, ô tô, mùi sơn, mùi hóa chất, cảm cúm…

Cần nghĩ đến khả năng trẻ mắc bệnh hen suyễn khi thấy trẻ ho nhiều lần (đặc biệt về đêm), khò khè, khó thở xuất hiện nặng hơn khi trẻ tiếp xúc với các yếu tố khởi phát như: thay đổi thời tiết, khi trẻ gắng sức, khi trẻ dị ứng thức ăn... Trường hợp trẻ nhỏ dưới 2 tuổi có triệu chứng ho, khò khè, khó thở ít nhất 3 lần/ngày cũng cần nghĩ ngay đến suyễn, ngay cả khi gia đình không có tiền sử bệnh suyễn, dị ứng.

Cần điều trị kịp thời khi có cơn hen

Bình thường, bệnh hen suyễn không gây nguy hiểm đến tính mạng, tuy nhiên khi lên cơn hen mà không được xử lý kịp thời sẽ rất nguy hiểm. Khi trẻ có cơn hen suyễn cấp tính, nếu không được điều trị kịp thời trẻ sẽ có thể vào cơn hen nặng hoặc ác tính làm nguy hiểm đến tính mạng của trẻ. Vì thế, các bậc phụ huynh cần đưa trẻ đến bệnh viện ngay khi có một trong các dấu hiệu sau: trẻ thở khò khè, thở mệt, thở nhanh, thở co lõm lồng ngực; ho liên tục khiến trẻ không thể ngủ được; tím tái…

 Từ năm 2010, Phòng khám ngoại trú suyễn thuộc Khoa nhi, BVĐK tỉnh đã đi vào hoạt động. Hiện nay, phòng khám đang quản lý ngoại trú cho 350 bệnh nhi hen suyễn. Các BS tại phòng khám suyễn đã hướng dẫn cho phụ huynh và bệnh nhi biết để phòng tránh một số yếu tố có thể khởi phát cơn suyễn đối với các bệnh nhi bị bệnh suyễn, hướng dẫn cho bệnh nhi sử dụng thuốc dự phòng suyễn và thuốc cắt cơn suyễn dạng xịt.

Hiện nay, bệnh hen suyễn vẫn chưa được chữa khỏi hoàn toàn, nhưng người ta đã có thể kiểm soát hoàn toàn bệnh bằng các thuốc ngừa cơn, đồng thời tránh xa các yếu tố có thể làm khởi phát cơn hen. Người mắc bệnh hen suyễn vẫn có đời sống sinh hoạt bình thường khi được hướng dẫn cách kiểm soát bệnh. Họ vẫn có thể làm việc, học hành cũng như ngủ ngon giấc về đêm. BS Minh Nguyệt cho biết, trong điều trị, hiện nay thuốc xịt (hay gọi là bình hít định liều) là thuốc chứng minh hiệu quả và an toàn nhất. Thuốc cắt cơn suyễn là thuốc nhanh chóng làm mất cơn hen suyễn. Thuốc tác dụng thông qua việc làm giãn cơ phế quản thay vì cơ phế quản đã bị co thắt trong cơn hen suyễn; bao gồm các thuốc như: Ven tolin, Bricanyl. Thuốc phòng ngừa cơn hen là thuốc kháng viêm dạng hít. Corticoid dạng hít là lựa chọn đầu tiên. Đây là thuốc được khuyến cáo sử dụng trong hầu hết các hướng dẫn điều trị hen suyễn hiện nay. Thuốc có hiệu quả nhất trong điều trị dự phòng hen là thuốc an toàn cho người bệnh trong điều trị lâu dài bệnh hen suyễn. Thuốc phòng ngừa cơn gồm hai loại thuốc sau: loại chỉ có corticoid dạng hít là Beclométhasone (Bécotide), Budesonide (Pulmicort), Fluticasone (Flixotide); loại phối hợp corticoid và thuốc dãn phế quản tác dụng kéo dài là Seretide, Symbicort. Thuốc phòng ngừa suyễn được dùng thời gian dài và giảm liều dần mỗi 3 - 6 tháng, thuốc chỉ có hiệu quả khi được dùng đúng cách. Vì vậy, người bệnh phải được chuyên gia hô hấp trực tiếp hướng dẫn sử dụng cho đúng cách và tái khám định kỳ.

BS Minh Nguyệt khuyến cáo, bệnh suyễn có thể được kiểm soát hoàn toàn bằng các thuốc ngừa cơn, đồng thời tránh xa các yếu tố có thể làm khởi phát cơn hen. Các bậc phụ huynh cần phòng tránh cho con các yếu tố có thể khởi phát cơn hen phế quản như thú nuôi (chó, mèo), con mạt nhà, nấm mốc, phấn hoa, không tiếp xúc gần với người bị cảm cúm, tránh tiếp xúc với môi trường ô nhiễm… Khi nghi ngờ con bị hen phế quản, các bậc phụ huynh cần cho trẻ đến khám bệnh hen suyễn tại Phòng khám Nhi thuộc Khoa nhi, BVĐK tỉnh để được các BS chuyên khoa hô hấp hướng dẫn dùng thuốc điều trị cắt cơn và điều trị dự phòng đúng cách.

 HỒNG THUẬN
Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=1212
Quay lên trên