Bệnh ho gà ở trẻ gia tăng, cần chủ động đưa trẻ tiêm vaccine

Cập nhật: 03-05-2024 | 06:32:41

Thời gian gần đây, số trẻ mắc bệnh ho gà nhập viện tại TP Hồ Chí Minh gia tăng so với những năm trước đây. Theo ngành y tế, ho gà là bệnh truyền nhiễm, lây qua đường hô hấp, trẻ em và người lớn đều có thể lây nhiễm nếu không được tiêm vaccine đầy đủ. Bệnh cũng dễ gây ra các biến chứng nguy hiểm đối với trẻ chưa được tiêm vaccine.

Dễ nhầm lẫn với các bệnh lý khác

Ngày 2/5, tại khoa Nhiễm Bệnh viện Nhi Đồng 2 (TP Hồ Chí Minh) đang điều trị cho 6 trường hợp mắc bệnh ho gà.

Bác sĩ chuyên khoa 1 Trần Ngọc Lưu, khoa Nhiễm Bệnh viện Nhi Đồng 2 cho biết, mỗi năm, bệnh viện đều ghi nhận các ca mắc bệnh ho gà rải rác. Tuy nhiên, năm nay, số ca mắc và nhập viện do ho gà cao hơn các năm trước rất nhiều. Trong tháng 4, tại khoa điều trị cho 8 trẻ mắc bệnh ho gà, trong đó một bệnh nhi phải nằm phòng cấp cứu và thở ôxy. Tất cả trẻ đều dưới 1 tuổi, đa số chưa được tiêm hoặc mới tiêm một mũi vaccine, chưa đủ kháng thể phòng bệnh.


Để phòng bệnh ho gà, phụ huynh cần chủ động cho trẻ tiêm vaccine đúng lịch và đủ mũi.

Tại phòng cấp cứu khoa Nhiễm Bệnh viện Nhi Đồng 2, chị N. T. Đ (ngụ Bình Dương) liên tục giữ tay và vỗ nhẹ lưng mỗi khi con trai lên cơn ho. Chị N.T. Đ cho biết, con trai chị mới hơn 1 tháng tuổi và chưa được tiêm vaccine, gần khu ở chỗ chị cũng không có trẻ nào bị ho gà.

“Trước nhập viện tôi thấy bé thỉnh thoảng ho nhưng không bị sốt hoặc bị sổ mũi nên nghĩ bình thường, tuy nhiên sau đó, các cơn ho xuất hiện nhiều hơn. Tôi đưa bé đi bệnh viện khám, uống thuốc hai ngày cũng không bớt và sau đó bé ho tím mặt. Lo sợ nên tôi tiếp tục đưa bé tới bệnh viện khám và được bác sĩ cho nhập viện nằm ở phòng cấp cứu”, chị N. T. Đ nói.

Bác sĩ Trần Ngọc Lưu cho biết, bệnh nhi trên được chẩn đoán mắc bệnh ho gà. Theo đó, bệnh nhi nhập viện trong tình trạng có những cơn ho tím tái nên phải hỗ trợ hô hấp, thở oxy. Bên cạnh đó, bệnh nhi còn có biến chứng viêm phổi, dấu hiệu trào ngược dạ dày.

Theo bác sĩ Lưu, bệnh thường phát triển trong mùa Xuân - Hè, đây cũng là thời điểm xuất hiện các bệnh lý về hô hấp. Trẻ bị bệnh ho gà tuần đầu tiên thường ho nhẹ về đêm và dễ bị chẩn đoán nhầm sang các bệnh lý đường hô hấp khác.

Bác sĩ Bạch Thị Chính, Giám đốc y khoa Hệ thống tiêm chủng VNVC cũng cho biết, trong 6 - 7 ngày đầu khởi bệnh, nhiều triệu chứng của bệnh ho gà tương tự bệnh cảm lạnh như đau họng, có thể sốt nhẹ, chảy nước mũi. Việc này khiến ho gà có thể bị chẩn đoán nhầm thành bệnh lý khác và làm chậm trễ trong việc chẩn đoán và điều trị, dễ trở nặng dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng.

Tuy nhiên, bệnh ho gà có thể phân biệt với cảm lạnh thông qua các biểu hiện đặc trưng khác, ví dụ người mắc thường gặp các cơn ho về đêm, xuất hiện âm thanh chói tai và không đáp ứng với thuốc. Bệnh nhân có triệu chứng ho dai dẳng, các cơn ho xảy ra liên tiếp, từ 15 - 20 cơn và yếu dần về sau, kết thúc với triệu chứng khạc đờm trắng trong, dính hoặc kèm theo nôn ói. Triệu chứng bệnh dữ dội nhất kéo dài trung bình 2 - 6 tuần. Trong giai đoạn hồi phục, những cơn ho giảm dần và có thể kéo dài hơn 100 ngày.

Tiêm đủ mũi vaccine để phòng bệnh

Lý giải nguyên nhân số trẻ mắc bệnh ho gà gia tăng trong thời gian gần đây, bác sĩ Trần Ngọc Lưu cho rằng có thể do khoảng trống miễn dịch. Một số trẻ chưa được tiêm vaccine đầy đủ, trẻ lớn hoặc người lớn quên mũi tiêm nhắc dẫn đến kháng thể trong cộng đồng bị suy giảm và lây nhanh đến những trẻ chưa tới tuổi tiêm vaccine.

“Đối với trẻ nhỏ, đặc biệt là trẻ dưới 1 tuổi chưa được tiêm vaccine, bệnh ho gà dễ gây ra những biến chứng nguy hiểm như viêm phế quản, viêm phế quản phổi, lực ho mạnh có thể gây vỡ phế nang. Biến chứng nguy hiểm nhất là các cơn ho kéo dài làm ứ đọng đàm nhớt, tím tái, thậm chí làm cho trẻ ngưng thở”, bác sĩ Lưu thông tin thêm.

Trẻ hồi phục sau khi mắc bệnh ho gà có thể hoàn toàn khỏe mạnh và không có di chứng về sau. Tuy nhiên, cũng có một số tỉ lệ rất nhỏ biến chứng viêm não dẫn đến di chứng thần kinh sau này. Bác sĩ Lưu khuyến cáo, khi thấy trẻ có cơn ho điển hình, ho dài, ho sặc sụa, đỏ mặt, tím tái, phụ huynh cần đưa trẻ vào bệnh viện ngay lập tức để tránh việc tím tái dẫn đến ngưng thở.

Bác sĩ Bạch Thị Chính cũng cho biết, không chỉ trẻ em, nhóm thanh thiếu niên, người lớn tuổi cũng có thể gặp biến chứng nặng do ho gà. Đặc biệt người già tăng nguy cơ ngất, gãy xương sườn khi ho nặng, mất kiểm soát bàng quang, sụt cân, viêm phổi nặng.

Theo ngành y tế, ho gà là bệnh truyền nhiễm do vi trùng, dễ lây qua đường hô hấp, trẻ em hay người lớn đều có thể lây nhiễm nếu không được tiêm vaccine đầy đủ, đúng lịch. Để chủ động phòng, chống bệnh ho gà, Cục y tế Dự phòng (Bộ Y tế) khuyến cáo, phụ huynh cần lưu ý đưa trẻ đi tiêm chủng vaccine phòng bệnh ho gà đầy đủ, đúng lịch. Cụ thể, mũi thứ 1 tiêm khi trẻ 2 tháng tuổi; mũi thứ 2 sau mũi thứ nhất 1 tháng; mũi thứ 3 sau mũi thứ hai 1 tháng; mũi thứ 4 khi trẻ đủ 18 tháng tuổi.

Trẻ khi sinh ra từ các bà mẹ không có kháng thể phòng bệnh ho gà có nguy cơ mắc bệnh cao hơn so với trẻ nhận được kháng thể từ mẹ. Để chủ động phòng bệnh cho trẻ nhỏ trước khi bước vào độ tuổi tiêm chủng, các bà mẹ có thể tiêm vaccine phối hợp phòng bệnh uốn ván - bạch hầu - ho gà (Tdap) trong thời gian mang thai.

Bên cạnh đó, cần thực hiện tốt các biện pháp khác như thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, che miệng khi ho hoặc hắt hơi; giữ vệ sinh thân thể, mũi, họng cho trẻ hàng ngày; đảm bảo nhà ở, nhà trẻ, lớp học thông thoáng, sạch sẽ và có đủ ánh sáng; hạn chế để trẻ đến những nơi đông người, tránh tiếp xúc với những người bị bệnh đường hô hấp, đặc biệt là người bệnh ho gà.

Theo TTXVN

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=788
Quay lên trên