Bệnh lao và cách phòng chống

Cập nhật: 21-03-2012 | 00:00:00

Hiện nay, bệnh lao sẽ khỏi hoàn toàn và tránh lây lan cho cộng đồng nếu được phát hiện sớm và điều trị đúng cách.  Tiêm ngừa vắc-xin BCG cho trẻ là cách phòng bệnh lao

Theo bác sĩ Hà Kim Thơ, Trung tâm Phòng chống bệnh xã hội tỉnh cho biết, bệnh lao phổi là bệnh truyền nhiễm do vi khuẩn lao gây ra. Vi khuẩn lao có trong đàm, nước bọt của người bệnh. Khi ho, hắt hơi, nói chuyện... người bệnh làm bắn những giọt đàm hay nước bọt có chứa vi khuẩn lao bay lơ lửng trong không khí, hoặc do người bệnh khạc nhổ bừa bãi, dễ làm người chung quanh hít phải vi khuẩn lao vào phổi. Cũng có thể do ăn uống chung chén, bát, thìa, đũa... với người bệnh mà bị nhiễm lao. Vi khuẩn lao đôi khi tiềm ẩn trong cơ thể nhưng chưa đủ sức gây thành bệnh, mà chờ đến lúc cơ thể ta suy yếu do bệnh tật làm giảm sức đề kháng, hoặc do làm việc cực nhọc, ăn uống thiếu thốn, môi trường sống nghèo nàn... thì vi khuẩn lao sẽ sinh sôi nảy nở và nhanh chóng gây bệnh.

Triệu chứng chính của bệnh lao thường là mệt nhọc, biếng ăn, sút cân, ra mồ hôi nhiều về đêm, ho khạc, đau tức ngực, sốt nhẹ về chiều kéo dài trên 3 tuần, uống thuốc kháng sinh thông thường mà không khỏi, ho ra máu... Những triệu chứng này có thể xuất hiện riêng lẻ chứ không nhất thiết cùng một lúc.

Do đó, khi thấy mình có những triệu chứng trên nên đi chụp X.quang phổi, thử đàm để xác định chắc chắn bệnh. Bệnh lao ngày nay có thể chữa lành. Biện pháp hữu hiệu nhất đang được thực hiện trên toàn thế giới là chiến lược DOTS (điều trị lao với phác đồ hóa trị liệu ngắn ngày có kiểm soát trực tiếp). Tuy nhiên, người bệnh phải điều trị kết hợp với khám kiểm tra định kỳ trong thời gian khoảng 8 tháng để có biện pháp đặc trị hiệu quả với tình trạng người bệnh, người bệnh phải duy trì đúng nguyên tắc điều trị lao là: đúng - đủ - đều. Đúng là điều trị theo đúng phác đồ, dùng thuốc đúng cách (mỗi ngày một lần vào buổi sáng, vào lúc đói). Đều là dùng thuốc đều đặn, không bỏ ngày nào và đủ thời gian quy định.

Bác sĩ Thơ cũng cho biết thêm, sau thời gian uống thuốc, bệnh nhân có cảm giác thấy mình khỏe khoắn, không còn triệu chứng bệnh nên nghĩ rằng mình đã lành bệnh, tự động ngưng thuốc, nhưng thực ra nếu chưa uống đủ liều quy định làm chết hẳn vi khuẩn lao thì một lượng vi khuẩn lao vẫn còn tiềm tàng trong cơ thể, chờ khi cơ thể suy yếu, điều kiện thuận lợi mới khởi phát thì lúc đó việc điều trị kéo dài hơn, khó khăn hơn nhiều do vi khuẩn lao đã lờn thuốc. Bệnh lao càng được phát hiện sớm bao nhiêu càng dễ điều trị bấy nhiêu, vì vậy, người mắc bệnh không nên chủ quan coi nhẹ hoặc không nên e ngại, mặc cảm về bệnh mà phải đi khám và điều trị ngay.

Ngoài ra, người bị bệnh lao cần biết cách giữ gìn sức khỏe như ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng, có chế độ làm việc, nghỉ ngơi hợp lý, tránh thức khuya, làm việc nặng, không hút thuốc lá, uống rượu. Người có bệnh phải có ý thức để không làm lây nhiễm sang người khác như dùng chén, bát, khăn mặt... riêng, ngủ riêng, không khạc nhổ bừa bãi làm phát tán vi khuẩn lao...

Lao còn có các thể lao nặng, nguy hiểm như lao màng não, lao kê, lao cột sống... có thể gây chết người hoặc để lại những di chứng tàn tật suốt đời. Do vậy, việc tiêm chủng vắc-xin BCG cho trẻ sơ sinh và trẻ dưới 1 tuổi trong chương trình tiêm chủng mở rộng có ý nghĩa rất đặc biệt trong công tác phòng chống lao.

T.Phương

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=442
Quay lên trên