Bệnh lý viêm gan virus B tại Việt Nam thuộc khu vực cao nhất thế giới

Cập nhật: 17-10-2022 | 16:27:56

Tiến sĩ Trần Văn Giang - Phó viện trưởng Viện đào tạo và nghiên cứu Bệnh Nhiệt đới.

Ở Việt Nam, bệnh lý viêm gan virus B thuộc khu vực cao nhất thế giới. Phần lớn các trường hợp lây nhiễm trong thời kỳ chu sinh (7 ngày đầu sau sinh), nên không có biểu hiện lâm sàng rõ, dễ tiến triển thành mạn tính. Trong đó đáng lưu ý, 90% nguyên nhân gây ung thư biểu mô tế bào gan là do virus viêm gan B, C.

Tại Hội nghị tập huấn cập nhật xét nghiệm và kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh 4.0 trong chẩn đoán, điều trị diễn ra ngày 15-10, Tiến sĩ Trần Văn Giang - Phó Trưởng Bộ môn Truyền nhiễm, trường Đại học Y Hà Nội; Phó viện trưởng Viện đào tạo và nghiên cứu Bệnh Nhiệt đới (Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương) chia sẻ bệnh lý viêm gan virus rất đa dạng, gồm viêm gan A, B, C, D, E, trong có chỉ có viêm virus A, B là có vaccine phòng bệnh, còn lại virus viêm gan C, D, E chưa vaccine.

Nhiễm viêm gan virus B, C là vấn đề y tế quan trọng, do viêm gan B, C là nguyên nhân chính gây bệnh gan mạn tính trên toàn thế giới. Để giúp người dân phát hiện sớm, từ đó có kế hoạch theo dõi và điều trị kịp thời, hạn chế tối đa các biến chứng do bệnh viêm gan B, C gây ra bác sĩ Giang cho hay việc người dân kiểm tra, thực hiện xét nghiệm sàng lọc là cần thiết.

Bác sĩ Giang dẫn chứng, theo các khuyến cáo trước đây những người cần sàng lọc nhiễm viêm gan B gồm: Phụ nữ có thai, trẻ sinh ra từ mẹ bị nhiễm HBV (virus viêm gan B), người tiếp xúc trực tiếp hoặc có quan hệ tình dục với người nhiễm HBV, người sinh ra ở vùng có tỷ lệ nhiễm HBV cao >8%, người phơi nhiễm với máu và các sản phẩm của máu, người bị nhiễm HIV, bệnh nhân thẩm phân phúc mạc và người tiêm chích ma túy.

Bên cạnh đó người có phơi nhiễm HBV thông qua hành vi: Tình dục đồng giới nam, tiêm chích ma túy; người được điều trị các thuốc ức chế miễn dịch hoặc thuốc gây độc tế bào; người có tăng men gan không rõ căn nguyên cũng cần phải sàng lọc nhiễm viêm gan B.

Để phát hiện có nhiễm viêm gan B hay không thì xét nghiệm máu để kiểm tra. Từ kết quả xét nghiệm này, các bác sĩ sẽ có hướng xử lý tiếp theo ở bệnh nhân nhiễm HBV, hoặc chưa nhiễm.

Tại hội nghị, trong báo cáo cập nhật các xét nghiệm y khoa trong chẩn đoán và điều trị, Phó giáo sư Phạm Văn Trân, Chủ nhiệm Bộ môn-Chủ nhiệm Khoa Hóa Sinh, Bệnh viện Quân Y 103 (Trường Học viện Quân y) nhấn mạnh: “Xét nghiệm là chỉ định không thể thiếu trong chẩn đoán, theo dõi và điều trị bệnh. Cớ tới 60-70% các quyết định lâm sàng dựa trên kết quả xét nghiệm, ví dụ xét nghiệm SARS CoV-2 Realtime RT PCR dùng để chẩn đoán và theo dõi bệnh Covid-19, xét nghiệm HBsAg có ý nghĩa sàng lọc/quản lý bệnh lý viêm gan B, xét nghiệm HIV để quản lý và theo dõi bệnh HIV...”

Từ kết quả xét nghiệm các bác sĩ sẽ quyết định loại hình điều trị cho bệnh nhân. Với ý nghĩa quan trọng đó, xét nghiệm là chỉ định bắt buộc và cần thiết theo sát từng giai đoạn cuộc đời con người giúp hỗ trợ chăm sức khỏe.

Với mỗi con người, ở giai đoạn khi chuẩn bị hình thành, xét nghiệm được chỉ định làm ngay từ giai đoạn tiền hôn nhân, hôn nhân. Ở mỗi giai đoạn này, có những xét nghiệm được chỉ định như giai đoạn tiền hôn nhân làm xét nghiệm tiền hôn nhân và tư vấn di truyền gene vợ, chồng; Giai đoạn hôn nhân có xét nghiệm hỗ trợ sinh sản vô sinh, hiếm muộn.

Tiếp đó là giai đoạn “mầm” - thai nhi cần sàng lọc và chẩn đoán trước sinh, chọc ối, sinh thiết gai rau. Sau chào đời, trong giai đoạn sơ sinh nên được chỉ định xét nghiệm sàng lọc và chẩn đoán bệnh sơ sinh như xét nghiệm thiếu men G6PD, suy giáp, bệnh CH. Ở giai giai đoạn trẻ em, xét nghiệm để dự phòng bệnh qua xét nghiệm phân tích gene, hoặc dùng để chẩn đoán sớm (gồm xét nghiệm hóa sinh, huyết học, vinh sinh, giải phẫu bệnh), sàng lọc.

Theo Phó giáo sư Phạm Văn Trân, trong suốt quá trình trưởng thành của đời người, xét nghiệm được làm có ý nghĩa trong chẩn đoán bệnh như chẩn đoán xác định, tìm nguyên nhân gây bệnh, hoặc dùng để điều trị bệnh và giám sát tái phát.

Chính vì vậy, hội nghị là dịp để các chuyên gia chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm của ứng dụng xét nghiệm/nhóm xét nghiệm trong từng trường hợp cụ thể để tăng hiệu quả chẩn đoán và điều trị cho người bệnh ở các chuyên khoa như nội khoa, ngoại khoa, sản khoa, nhi khoa, truyền nhiễm, chẩn đoán hình ảnh, xét nghiệm…/.

Theo TTXVN

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=386
Quay lên trên