Bệnh mùa hè: Phòng, chống để giảm nguy cơ lây nhiễm

Cập nhật: 28-05-2022 | 08:21:50

Mùa hè là thời điểm thuận lợi cho các tác nhân gây bệnh như vi khuẩn, vi rút... phát triển. Trẻ em trở thành đối tượng dễ mắc các bệnh viêm đường hô hấp trên, tiêu chảy cấp, sốt cao do vi rút, thủy đậu, bệnh ngoài da… do sức đề kháng còn yếu. Để giảm nguy cơ lây bệnh, người dân cần giữ vệ sinh cá nhân, nhà cửa, trường lớp.

Giám sát, xử lý ổ dịch

Trao đổi với P.V, bác sĩ Trần Văn Chung, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cho biết, hiện nay thời tiết nóng ẩm, thường xuyên xuất hiện những cơn mưa rào tạo điều kiện thuận lợi để các dịch bệnh phát triển. Cùng với sự thuận lợi của thời tiết, sự giao lưu đi lại của người dân tăng cao, trong khi ý thức và hành vi vệ sinh phòng bệnh của một số người dân chưa cao là điều kiện thuận lợi cho dịch bệnh bùng phát thành dịch, đặc biệt là các bệnh lây truyền qua đường hô hấp, đường tiêu hóa như: Tay chân miệng, lỵ, thương hàn, sởi, cúm, viêm não do vi rút, viêm não do não mô cầu, viêm não Nhật Bản, đau mắt đỏ... “Khảo sát của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh tại nhiều địa phương, nhất là vùng nông thôn, khu vực đông dân cư cho thấy, nhiều hộ dân vẫn để các vật dụng chứa nước trong nhà, phế thải sinh hoạt còn nhiều, không có biện pháp che đậy để phòng muỗi đẻ trứng. Đây có thể trở thành nơi trú ngụ, đẻ trứng của muỗi truyền bệnh”, bác sĩ Trần Văn Chung nói.

Tiêm ngừa vắc xin cho trẻ tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh

Theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, mặc dù tình hình dịch bệnh trên địa bàn đang được kiểm soát hiệu quả song nguy cơ dịch bệnh có thể bùng phát là rất lớn, nhất là dịch sốt xuất huyết (SXH). Từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh ghi nhận hơn 2.200 ca SXH, trong đó có 5 ca tử vong. Để chủ động phòng, chống dịch bệnh, ngành y tế đã và đang triển khai quyết liệt công tác nắm chắc địa bàn nhằm phát hiện sớm, xử lý triệt để ổ dịch. Đặc biệt, ngành đẩy mạnh công tác tiêm chủng mở rộng, bảo đảm đạt tỷ lệ trên 95% quy mô xã, phường, thị trấn.

Bác sĩ Đỗ Việt Hùng, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế TP.Dĩ An cho biết: “Hiện nay, dịch Covid-19 đã được kiểm soát song xuất hiện mối lo về dịch SXH khi đang gia tăng số ca mắc. Trong 5 tháng đầu năm nay, thành phố ghi nhận 2 ca tử vong do bệnh SXH. Thành phố là địa phương có số lượng công nhân ở trọ trên địa bàn khá đông, một bộ phận người dân có ý thức vệ sinh môi trường còn thấp. Trung tâm đã quán triệt các trạm y tế khẩn trương phối hợp với chính quyền các xã, phường vào cuộc tuyên truyền, ra quân vệ sinh môi trường để ngăn chặn nguy cơ dịch bùng phát”.

Ghi nhận của P.V, các cơ sở khám chữa bệnh trên địa bàn tỉnh đã sẵn sàng tổ chức tốt việc sàng lọc, phân luồng, thu dung, cấp cứu, điều trị người bệnh, bố trí khu điều trị riêng cho bệnh nhân mắc bệnh truyền nhiễm, hạn chế người nhà vào thăm. Các cơ sở cũng tổ chức tốt phòng tránh lây nhiễm chéo giữa bệnh tay chân miệng với bệnh sởi, viêm phổi và viêm đường hô hấp khác. Trước đó, các đơn vị, địa phương trong tỉnh tổ chức phát động chiến dịch vệ sinh môi trường, chiến dịch diệt lăng quăng, bọ gậy, dọn bỏ vật dụng phế thải đọng nước.

Giữ vệ sinh cá nhân, nhà cửa, trường lớp

Hiện nay, bệnh SXH bắt đầu có nguy cơ tăng cao tại tỉnh, nguy cơ bùng phát dịch SXH rất cao vì bệnh chưa có thuốc và vắc xin điều trị đặc hiệu. Muỗi gây SXH sinh sản trong nước trong, chỉ một bình hoa có thể là ổ sinh sản của muỗi. Để giảm nguy cơ lây bệnh, bác sĩ Trần Văn Chung khuyến cáo người dân nên tăng cường giữ vệ sinh cá nhân và vệ sinh các nơi sinh hoạt chung như: Nhà cửa, trường lớp... Người dân cần rửa tay nhiều lần trong ngày dưới vòi nước chảy, đặc biệt là trước khi chế biến thức ăn hoặc cho trẻ ăn, trước khi bế trẻ hoặc sau khi đi vệ sinh, thay tã, làm vệ sinh cho trẻ. Với trẻ nhỏ, cha mẹ hạn chế việc trẻ ăn bốc, mút tay, ngậm mút đồ chơi... Cha mẹ không nên mớm thức ăn cho trẻ mà sử dụng riêng khăn ăn, khăn tay và các dụng cụ ăn.

Nguyên tắc vệ sinh an toàn thực phẩm là ăn chín, uống chín, không cho trẻ uống nước chưa được đun sôi, không ăn trái cây chưa rửa sạch, tránh ăn những thức ăn bán ngoài đường không được chế biến hợp vệ sinh. Phụ huynh thường xuyên vệ sinh cơ thể bé sạch sẽ sau khi nghịch bẩn, không nên cho trẻ chơi, nghịch ngoài nắng gắt, nhất là vào buổi trưa, xế chiều. Khi trẻ chơi ra mồ hôi nhiều, phụ huynh cần thay quần áo cho trẻ, không để trẻ bị nhiễm lạnh gây viêm đường hô hấp; hạn chế cho trẻ đến nơi đông người hay tránh tiếp xúc với người bệnh. Đồ chơi của trẻ cần được lau sạch hàng ngày.

Nhà cửa, trường lớp cần thoáng khí và được lau dọn hàng ngày bằng xà phòng hoặc các chất tẩy rửa thông thường. Trường học, nhà trẻ, mẫu giáo, nhóm trẻ tập trung cần chủ động theo dõi sức khỏe của trẻ để phát hiện bệnh kịp thời và cách ly trẻ mắc bệnh khi khởi bệnh. Người dân tuyệt đối không cho trẻ có biểu hiện bệnh đến lớp và chơi với trẻ khác, sẽ làm dịch bệnh lây lan nhanh chóng. Gia đình, nhà trường và các địa phương cần tăng cường diệt muỗi, diệt lăng quăng bằng mọi biện pháp giúp hạn chế muỗi phát triển. Cho trẻ ngủ mùng, mặc quần áo dài tay. Phụ huynh nên đưa trẻ đi tiêm chủng các loại vắc xin hiện có theo đúng lịch, đủ mũi tiêm như uống ngừa tiêu chảy, tiêm ngừa viêm não Nhật Bản, tiêm ngừa viêm màng não mủ do não mô cầu, tiêm ngừa cúm...

Theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, mặc dù tình hình dịch bệnh trên địa bàn đang được kiểm soát hiệu quả song nguy cơ dịch bệnh có thể bùng phát là rất lớn, nhất là dịch bệnh SXH.

HOÀNG LINH

 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên