(BDO) Bệnh quai bị (hay còn được gọi là bệnh viêm tuyến nước bọt mang tai do virus quai bị) là một bệnh truyền nhiễm cấp tính. Bệnh xảy ra quanh năm nhưng thường thành dịch vào mùa Đông – Xuân. Bệnh lây truyền chủ yếu qua đường hô hấp do tiếp xúc với dịch tiết đường hô hấp của người bệnh.
Ai có thể mắc bệnh quai bị ? Bệnh quai bị có thể gặp ở mọi lứa tuổi nhưng hay gặp nhất ở lứa tuổi học đường. Khi đã mắc bệnh, người nhân có miễn dịch vững bền tồn tại nhiều năm và rất hiếm khi mắc bệnh lại. Một số người nhiễm virus có thể không có triệu chứng hoặc có triệu chứng nhẹ, sau hai đến ba tuần, người bệnh bắt đầu xuất hiện triệu chứng sốt, nhức đầu, mệt mỏi, mất cảm giác ngon miệng, sau đó sốt tăng dần lên đến 39,5°C - 40°C, các tuyến mang tai gần tai bắt đầu sưng lên và đau, làm cho việc nhai và nuốt đau đớn. Lúc đầu sưng một bên, sau 1-2 ngày sưng tiếp bên kia.
Ảnh minh họa: Bệnh quai bị
Hai bên sưng thường không đối xứng. Bệnh thường tự khỏi trong vòng 10 ngày, tuy nhiên người bệnh có thể lây truyền cho người khác 1 tuần trước khi sưng tuyến mang tai và kéo dài 2 tuần sau đó. Thời kì lây truyền mạnh nhất là 2 ngày trước khi có sưng tuyến mang tai và 5 ngày sau khi xuất hiện triệu chứng này. Nhìn chung, quai bị là bệnh lành tính, đa số các trường hợp đều tự hồi phục không có biến chứng.
Các biến chứng của bệnh quai bị: Người bệnh có thể bị viêm tinh hoàn (ở nam giới), viêm buồng trứng (ở nữ giới). Viêm tinh hoàn do quai bị hay gặp nhất ở lứa tuổi dậy thì và thanh thiếu niên mới trưởng thành, thường xảy ra một bên (ít gặp viêm 2 bên), tinh hoàn sưng to, đau, da bìu bị phù nề, căng, đỏ. Người bệnh cũng có thể bị viêm mào tinh hoàn, viêm thừng tinh hoàn, tràn dịch màng tinh hoàn, viêm tuỵ, viêm não, màng não... Bệnh quai bị ít gây tử vong nhưng phụ nữ có thai bị quai bị có thể bị sảy thai, đẻ non, ở nam giới tuổi trưởng thành nếu viêm tinh hoàn nặng cả hai bên có thể dẫn đến vô sinh.
Điều trị quai bị như thế nào? Hiện nay, bệnh quai bị chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, phương pháp chủ yếu là điều trị triệu chứng, tăng cường dinh dưỡng, xử trí sớm các biến chứng viêm tinh hoàn, viêm màng não.
Phòng bệnh quai bị: Để phòng chủ động phòng chống bệnh quai bị, Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế khuyến cáo:
- Thường xuyên rửa tay với xà phòng, bảo đảm vệ sinh nhà ở, lớp học, vệ sinh cá nhân sạch sẽ, thường xuyên đeo khẩu trang để tránh những viêm nhiễm gây nên bệnh quai bị.
- Tiêm vắc xin phòng bệnh quai bị rất quan trọng cho những trẻ dậy thì, thiếu niên và người trưởng thành chưa có miễn dịch.
- Khi có người bị bệnh phải nên nghỉ ngơi tại nhà để cách ly (khoảng 10 ngày), tránh lây lan cho các người khác.
- Khi có người bị bệnh hoặc nghi ngờ bị bệnh phải đến ngay cơ sở y tế để được khám, tư vấn, xử trí kịp thời.
BS. DIỆU HƯƠNG