Bệnh tay chân miệng: Nguy cơ tăng trong thời gian tới

Cập nhật: 27-04-2011 | 00:00:00

Với sự thay đổi thời tiết, nắng nóng lại xen giữa những cơn mưa bất thường khiến cho dịch bệnh nhất là dịch bệnh ở trẻ có điều kiện phát sinh. Hơn nữa, theo chu kỳ mọi năm, thời điểm này cũng là vào mùa của bệnh lý tay chân miệng (TCM).

Theo thống kê của Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh, trong quý I-2011, toàn tỉnh có 37 ca bệnh TCM, con số này tăng so với cùng kỳ năm trước. Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh cũng cho biết nguy cơ lây nhiễm đang tăng cao từ nay cho đến hết tháng 5.

Một số biểu hiện

Theo bác sĩ Lương Thị Hồng Lê, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh cho biết, bệnh tay chân miệng là bệnh truyền nhiễm. Bệnh lây từ người sang người do tiếp xúc trực tiếp với nước bọt, dịch tiết của mũi, họng, dịch của các bọng nước khi vỡ, hoặc qua đường phân - miệng. Khả năng lây truyền cao nhất trong vòng 1 tuần đầu kể từ khi mắc bệnh, tuy nhiên người ta thấy virus vẫn được đào thải qua phân nhiều tuần sau đó. Người ta tìm thấy virus tồn tại trong nước, đất, rau. Người cũng có thể mắc bệnh do ăn phải thức ăn, nước uống bị nhiễm virus.

 Bệnh TCM thường gặp ở trẻ nhỏ dưới 5 tuổi, nhất là trẻ dưới 3 tuổi và rất dễ lây. TCM khởi phát những ngày đầu trẻ sẽ có những biểu hiện như nổi bóng nước ở những vị trí như lòng bàn tay, gối, mông... hay vết loét ở miệng. Bệnh này thường lây lan nhanh qua đường tiêu hóa, vì thế nên việc phòng bệnh phải hết sức lưu ý với trẻ sinh hoạt chung môi trường nhà trẻ, mẫu giáo.

Bác sĩ Hồng Lê cũng cho biết thêm, các biến chứng thường gặp của bệnh tay chân miệng là: viêm màng não, liệt mềm cấp, viêm cơ tim, phù phổi cấp do thần kinh. Các biến chứng có thể phối hợp với nhau như viêm màng não, phù phổi và viêm cơ tim trên cùng một bệnh nhân, thường gây tử vong cao và diễn tiến rất nhanh có thể trong 24 giờ.  Nguy hiểm hơn khi trẻ có biến chứng não thường không hôn mê sâu mà có những triệu chứng khó nhận biết như khó ngủ, quấy khóc liên tục, giật mình lúc thức hay lúc bắt đầu thiu thiu ngủ, trẻ có thể biểu hiện hốt hoảng, nói nhảm, run chân tay, co giật. Ngoài ra, còn có một số triệu chứng khác có thể thấy khi có biến chứng như: sốt rất cao, nôn nhiều, mạch đập nhanh, yếu tay chân, méo miệng... Khi trẻ có biến chứng nếu không điều trị đúng và kịp thời có thể tử vong trong vài giờ.

Phòng tránh bằng cách nào?

Bác sĩ Lương Thị Hồng Lê lưu ý dịch bệnh TCM sẽ vào mùa cao điểm, bắt đầu từ tháng 3 - 5 và tháng 9 - 10 trong năm, phụ huynh không nên lơ là với dịch bệnh nguy hiểm này. Cho đến nay, vẫn chưa có vắc-xin phòng bệnh nên việc phòng bệnh cho trẻ nhỏ tùy thuộc rất nhiều vào ý thức của các bậc phụ huynh. Ngành y tế khuyến cáo các bậc phụ huynh khi thấy trẻ sốt cao từ 39 độ C trở lên kèm theo các triệu chứng thở mệt, giật mình, run chi, chới với, quấy khóc, bứt rứt. Hoặc các biểu hiện nặng hơn như co giật, hôn mê, yếu chi, da nổi mẫn, bóng nước... phải đưa trẻ đến bệnh viện để được chẩn đoán và điều trị kịp thời tránh các biến chứng xảy ra nguy hiểm cho tính mạng của trẻ.

Để phòng tránh bệnh lây lan, cần phải giữ vệ sinh cá nhân sạch sẽ, sau khi thay quần áo, tã, hoặc tiếp xúc với phân, nước tiểu, nước bọt cần phải rửa tay bằng xà bông. Rửa sạch đồ chơi, vật dụng, sàn nhà. Với những trẻ bị nhiễm bệnh cần cách ly trong tuần đầu tiên, nếu các bé đang đi nhà trẻ cần cho nghỉ từ 5 - 7 ngày.

N.T.PHƯƠNG

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=320
Quay lên trên