(BDO) Không hẳn là không có lý do khi ngày Sức khỏe thế giới năm nay và chủ đề tuyên truyền vấn đề sức khỏe trong tháng 4 này được tập trung cho căn bệnh trầm cảm. Đây được coi là chứng bệnh “hiện đại” bởi ngày càng nhiều người đối diện với trầm cảm hơn trước…
Chuyện trò sẽ giảm bớt nguy cơ mắc chứng trầm cảm (Ảnh minh họa)
“Trầm cảm - Hãy cùng trò chuyện” là chủ đề của Ngày Sức khỏe thế giới năm nay. Theo bác sĩ Nguyễn Thị Bạch Tuyết, Giám đốc Trung tâm Truyền thông giáo dục sức khỏe tỉnh, dịp này, công tác truyền thông tập trung nhiều cho nội dung này. Công tác tuyên truyền cũng nhằm vào các đối tượng dễ mắc bệnh như: nhóm đối tượng trẻ em – thanh thiếu niên, người già và phụ nữ sau sinh.
Theo bác sĩ Bạch Tuyết, trầm cảm đã và đang trở thành một hội chứng ngày càng phổ biến trên toàn cầu, có thể xảy ra ở nhiều lứa tuổi nhưng phổ biến nhất là 18 - 45 tuổi, phụ nữ nhiều hơn nam giới. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ước tính có hơn 300 triệu người đã từng hoặc đang mắc chứng trầm cảm và mỗi năm có gần 800.000 người chết vì tự tử mà nguyên nhân do trầm cảm kéo dài. Theo nghiên cứu năm 2016 của Viện Sức khỏe tâm thần T.Ư, số người bị trầm cảm có tuổi từ 45 tuổi trở lên có đến 36,5% mang ý tưởng hoặc hành vi tự sát, với lý do cảm thấy mình vô dụng, tội lỗi, không xứng đáng sống.
Chúng ta cũng quen với hình ảnh trong quán cà phê, quán ăn mỗi người cầm một chiếc điện thoại thông minh và đắm chìm vào những thông tin trên mạng. Hay hình ảnh phản chiếu từ các gia đình hiện đại là mỗi người ôm một thiết bị điện tử và đóng im ỉm cánh cửa phòng riêng. Sự “nhốt mình” này càng kéo dài càng nguy hiểm bởi chúng ta dễ rơi vào trạng thái trầm cảm mà bản thân không biết. Khi đó, người bị trầm cảm sẽ có biểu hiện buồn bã dai dẳng, buồn bã đến mức ảnh hưởng đến các hoạt động trong cuộc sống khi không thể làm việc, học hành do lúc nào cũng cảm thấy mệt mỏi, chán nản, trống rỗng, vô vọng. Dần dần, họ không còn hứng thú gì, mất hết hứng thú ngay cả với những điều họ đã từng rất thích trước đây.
Các bác sĩ chuyên khoa thần kinh đã lưu ý, nếu các biểu hiện trên kéo dài trên 2 tuần được coi là trầm cảm và cần sự can thiệp. Còn dưới 2 tuần thì được coi là có nguy cơ cao và cần theo dõi.
Hiện nay, điều trị trầm cảm cần thiết nhất là cùng trò chuyện (liệu pháp tâm lý) - dùng thuốc bổ sung và kết hợp cả 2 liệu pháp trên. Việc trò chuyện sẽ mở ra cánh cửa đầu tiên để cứu người trầm cảm. Bởi trò chuyện sẽ mang lại sự cảm thông, tin tưởng, chia sẻ và giúp phát hiện ra người có nguy cơ bị trầm cảm từ đó giúp người bệnh giải tỏa kịp thời hoặc có hướng hỗ trợ, điều trị sớm và phù hợp với người đã bị trầm cảm ở các mức độ khác nhau. Một vấn đề nữa là chúng ta cần coi trọng căn bệnh này, chữa trị đúng đắn, kịp thời để giúp người bệnh nhanh chóng tìm lại niềm vui, ý nghĩa cuộc sống.
Bác sĩ cũng khuyên, khi bạn đối mặt với các trạng thái này hãy chú ý đến sức khỏe tâm thần của mình: Cảm giác buồn chán, trống rỗng; khó tập trung suy nghĩ, hay quên; luôn cảm giác mệt mỏi, không muốn làm việc gì; cảm giác mình có tội lỗi, vô dụng, không xứng đáng; mất ngủ, hoặc ngủ quá nhiều; hay cáu gắt, giận dữ; giảm thích thú trong các hoạt động hoặc sở thích hằng ngày; giảm cảm giác ngon miệng, sụt cân hoặc ăn quá nhiều; nghĩ về cái chết, có ý tưởng hoặc hành vi tự sát.
Một số phương pháp giúp ngăn ngừa và giảm nhẹ trầm cảm bao gồm: Tạo thói quen thường xuyên nói chuyện và tâm sự với những người thân thiết hoặc bác sĩ tâm lý khi gặp căng thẳng và rắc rối trong cuộc sống; cùng với công việc, cần theo đuổi các sở thích cá nhân và hoạt động có ý nghĩa khác; giữ liên lạc thường xuyên với gia đình và bạn bè; giữ thói quen ăn uống lành mạnh, ngủ nghỉ và sinh hoạt hợp lý; tập thể dục đều đặn, tránh xa rượu bia, thuốc lá và các chất gây nghiện khác.
Trầm cảm có thể chữa khỏi hoàn toàn nếu được phát hiện sớm và dùng thuốc đúng chỉ định, đủ thời gian. Nếu không tuân thủ điều trị, hơn 50% bệnh nhân có cơn tái diễn sau cơn thứ nhất và tăng dần lên sau cơn thứ hai, thứ ba. Mỗi người nên có cuộc sống “mở”, biết lắng nghe và chia sẻ với người thân và bạn bè để cuộc sống cân bằng hơn sẽ giảm nguy cơ mắc trầm cảm.
Quỳnh Như