(BDO) Hiện nay nhiều công trình nghiên cứu khoa học đã thống nhất khẳng định vai trò của nhóm nguy cơ cao trong bệnh ung thư. Để giúp các bạn làm tốt hơn trong việc tự bảo vệ sức khoẻ cho bản thân, gia đình. Tôi xin giới thiệu 5 nhóm nguy cơ cao có khả năng gây ung thư:
1. Đầu tiên là hút thuốc lá: Rất nhiều nghiên cứu dịch tễ học đã chứng minh hít khói thuốc lá là yếu tố chính gây ung thư trong môi trường chúng ta. Tỷ lệ mắc ung thư phổi cao gấp 10 lần ở người nghiện thuốc lá so với người không hút. Hơn nữa, khói thuốc lá còn gây ung thư ở miệng, vòm họng, thực quản, thận… Các chất cực nhỏ trong khói thuốc lá chứa hơn 4.000 chất khác nhau, chủ yếu là Hydrocacbon thơm đa vòng, benzen 4-aminophenyl, dẫn chất của Nitrosamin… đã được chứng minh bằng thực nghiệm là chất gây ung thư do tiếp xúc. Nguy cơ ở người không nghiện nhưng hít thụ động khói thuốc lá cũng có tỷ lệ khá cao (từ 1-3).
Ảnh minh họa: Tránh nhóm thức ăn nhiều chất béo
để phòng ngừa bệnh ung thư
2. Chế độ ăn: Vai trò của chế độ dinh dưỡng là chủ đề của rất nhiều nghiên cứu về ảnh hưởng của thói quen ăn uống đều xuất hiện, tiến triển của ung thư, nhiều ý kiến vẫn còn tranh luận. Nhưng cơ bản thống nhất chế độ ăn hàng ngày có ảnh hưởng đến ung thư ở các bộ phận trên cơ thể; ví dụ như ăn nhiều mỡ động vật làm tăng nguy cơ ung thư vú, đại tràng, tiền liệt tuyến…
Ở các vùng có chế độ ăn chất béo cao (40 – 45% tổng số calo trong thức ăn) thì tỷ lệ ung thư cao hơn những vùng có chế độ ăn mà tỷ lệ mỡ thấp (chiếm 20% calo trong thức ăn). Ngoài ra các thức ăn hun khói, cá phơi ướp muối, dưa muối bị khú; lạc, gạo mốc… cũng là những thực phẩm chứa nhiều chất gây ung thư.
3. Một số hoá chất: Một số hoá chất trong công nghiệp, bảo vệ thực vật… thậm chí cả thuốc chữa bệnh cũng có khả năng gây ung thư. Ví dụ: Thạch tín có thể gây ung thư phổi, da và gan; Ben zen gây bệnh máu trắng; Khí mù tạt gây ung thư phổi; Hydrocacbon đa vòng (sản phẩm phụ của than) gây ung thư phổi, da…Rượu (Ethylic) ung thư gan, thực quản…
4. Tia xạ: Ung thư do tia xạ gần 3% trong tổng số người bị ung thư.
5. Vi khuẩn – vi rút: Vai trò của vi rút trực tiếp, gián tiếp liên quan đến ung thư đang được nghiên cứu. Nhưng vai trò gián tiếp thì đã rõ như vi rút viêm gan B, C trong ung thư gan hay vai trò của Helicobacter Pylori trong loét, ung thư dạ dày tá tràng…
BS NGUYỄN VĂN LINH