Đang có nhu cầu học thêm ngoại ngữ, chị V.L.A. (SN 1987) lên mạng tải ứng dụng học Anh văn về điện thoại. Quá trình học, thấy một ứng dụng quảng cáo giới thiệu việc làm trực tuyến, chị A. tò mò nhấp vào…
Màn hình mô tả công việc của app việc làm online lừa đảo mà chị A. bị lừa gần 400 triệu đồng
Khi chị A. tải ứng dụng về máy rồi bấm vào số điện thoại trong ứng dụng thì một đối tượng đã vào nhắn tin trên Zalo “Tư vấn việc làm trực tuyến”, sau đó gửi hai đường link hướng dẫn chị A. nhấp vào để đăng ký tham gia cuộc chơi “nạp thẻ tích điểm” bằng cách nạp tiền để thắng cược. Thấy cách chơi đơn giản, dễ thắng, chị A. hào hứng tham gia và như bị cuốn vào. Đến khi nạn nhân định thần lại mới phát hiện mình bị lừa.
Cũng theo chị A., để có tiền tham gia cuộc chơi “nạp thẻ tích điểm” này, chị A. đã dùng hết số tiền tiết kiệm, vay mượn đồng nghiệp trong công ty và hàng xóm. Khi chị phát hiện mình bị lừa thì số điểm chị tích lũy tương đương số tiền gần 800 triệu đồng; trong khi đó chị đã nộp vào gần 400 triệu đồng. Bọn chúng dụ dỗ chị A. nạp thêm tiền để thăng hạng từ Vip 1 lên Vip 2, tức số điểm tích lũy sẽ tương đương 1 tỷ đồng, lúc đó chị A. mới có thể rút hết tiền và kết thúc cuộc chơi. Tuy nhiên, muốn vậy chị A. buộc phải nạp thêm 115 triệu đồng để nâng hạng Vip 2.
“Sau khi bạn hoàn thành chuyển tiền thành công vui lòng gửi ảnh chụp màn hình cho mình để xác nhận. Sau đó mình giúp bạn hoàn thành thủ tục nâng cấp VIP2. Sau khi nâng cấp thành công thì tài vụ công ty trong vòng 3 - 20 phút hoàn thành chuyển tất cả số tiền cho bạn”, một đối tượng nhắn tin cho chị A. trong cuộc chơi.
Vì không còn khả năng tài chính, chị A. “năn nỉ” xin được rút tiền đã nộp, tức khoảng gần 400 triệu đồng, nhưng các đối tượng không cho phép và phản hồi “nếu đến ngày 2-1 không nạp thêm tiền thì toàn bộ tài khoản sẽ bị đóng băng”.
Trong quá trình dụ dỗ chị A. tham gia cuộc chơi, chúng dùng nhiều thủ đoạn tinh vi để chị A. không nghi ngờ, chúng dùng nhiều tài khoản Zalo chat và tư vấn cho chị A. mọi vấn đề “khúc mắc”. Cũng vì được tư vấn, hướng dẫn tận tình mà chị đã liên tục vay tiền để chuyển mua điểm với nhiều tài khoản khác nhau.
Trao đổi về trường hợp chị A., đại diện Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao Công an tỉnh, cho biết đã tiếp nhận được đơn tố giác của bị hại và sẽ xác minh xử lý theo thẩm quyền. Liên quan đến thủ đoạn này, trên địa bàn tỉnh cũng có một nạn nhân bị lừa với số tiền hàng tỷ đồng và đã tố giác đến cơ quan chức năng.
Theo đại diện Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao Công an tỉnh, tình hình tội phạm sử dụng công nghệ cao ngày càng tinh vi, phức tạp. Thời gian qua trên địa bàn tỉnh đã xảy ra nhiều vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản với phương thức, thủ đoạn ngày càng tinh vi liên quan đến các app vay tiền hoặc app việc làm online... Đối tượng bị dụ dỗ vay “nóng” hoặc cuốn vào các cuộc chơi “kiếm tiền” trên mạng đa phần là người lao động, cần tiền tiêu dùng cá nhân. Số khác vì tò mò trước tin nhắn dụ dỗ mà “tải thử” các app về tìm hiểu, cái kết cũng trở thành nạn nhân vì lòng tham và nhẹ dạ cả tin. |
LÊ NA