Bí mật về tên lửa tàng hình của Nga

Cập nhật: 21-01-2011 | 00:00:00

Kế hoạch phóng thử tên lửa đạn đạo Bulava từ tàu ngầm - một trong những vũ khí chiến lược và là niềm tự hào của nước Nga - vào những ngày cuối năm 2010 đã bị hoãn lại do toàn bộ bề mặt của Bạch Hải - địa điểm dự định tiến hành cuộc thử nghiệm - đã "hóa đá" vì nhiệt độ xuống quá thấp.

 

Thời điểm tiến hành vụ thử Bulava tiếp theo chưa được xác định, song các quan chức cấp cao trong Bộ Quốc phòng Nga cho biết, nước này sẽ thực hiện tiếp 5 cuộc thử nghiệm trong vòng 6 tháng đầu năm 2011. Trước đó, đợt bắn thử lần thứ 14 vào cuối tháng 10 đã thành công đúng như dự kiến. Bulava đã có màn trình diễn tuyệt hảo từ tàu ngầm nguyên tử Dmitry Donskoy và bắn trúng mục tiêu cách xa 6.000km tại trường bắn Kura thuộc bán đảo Kamchatka ở vùng Viễn Đông nước Nga. Thứ trưởng Quốc phòng Nga cho biết, Bulava đã vượt qua các bài kiểm tra của hải quân và đạt mức độ tin cậy gần như 100%.

 

 Dự án tên lửa Bulava đang thu hút sự chú ý của dư luận thế giới.

Được coi là hòn đá tảng trong lực lượng hạt nhân của Nga hiện nay, dự án tên lửa Bulava đã trải qua rất nhiều thử thách, thậm chí, có lúc tưởng chừng bị phá sản. Nhất là sau 3 lần thất bại liên tiếp từ tháng 12-2008 đến tháng 12-2009, dự án này gây ra tranh cãi kịch liệt trong giới quân sự và công nghiệp quốc phòng Nga. Vì vậy, lần thử nghiệm thành công gần đây nhất mang ý nghĩa hết sức quan trọng, góp phần phá tan "lớp sương mù" bao phủ trên con đường tiến tới sở hữu loại vũ khí siêu hiện đại với tên gọi "tên lửa tàng hình".

 

Bulava được coi là vũ khí chiến lược và là niềm tự hào của ngành công nghiệp quốc phòng Nga? Loại tên lửa được gọi là "cái chùy" này có những tính năng ưu việt hơn hẳn các loại tên lửa "anh em" như: Topol-M, tên lửa có cánh tốc độ cao 3M-80Y "Moskit" hay "Bỏng nắng" SSN22 Sunburn. Bulava có tải trọng cất cánh nhẹ hơn, chỉ khoảng 36,8 tấn và có tầm bắn xa lý thuyết đạt gần 8.000km. Tên lửa này có khả năng mang từ 6 đến 10 đầu đạn hạt nhân, có thể thay đổi hướng, độ cao một cách linh hoạt. Mỗi đầu đạn có thể cảm ứng tấn công vào các mục tiêu riêng rẽ. Ngoài ra, với chiều dài 12,1m, Bulava được phóng nghiêng, nên cho phép tàu ngầm mang tên lửa có thể phóng trong khi di chuyển. Đặc biệt, Bulava còn được thiết kế để chống lại điện từ, phóng xạ, điều kiện tự nhiên khắc nghiệt và có thể "sống sót" cách một vụ nổ hạt nhân chỉ khoảng 500m. Nhưng điều quan trọng nhất ở Bulava không phải là những con số mà là ở khả năng xuyên thủng các hệ thống phòng thủ tên lửa của đối phương.

 

Các nhà thiết kế, chế tạo Bulava đã chuẩn bị cho kẻ thù những điều bất ngờ ngoài dự đoán: các khối đạn có thể linh hoạt cơ động theo tầm cao, hướng bay và tấn công mục tiêu một cách chính xác. Khi bắt đầu hành trình theo đường cong đạn đạo, khác với đầu đạn của bất kỳ loại tên lửa tương tự nào, đầu đạn của Bulava có thể bỗng dưng "biến mất" trên quỹ đạo bằng cách thực hiện một chuyển động chống tên lửa bất thường khác và bay tới đích theo "hình rắn". Khi tới gần mục tiêu, tên lửa chuyển sang chế độ trên siêu âm (hypersonic - tốc độ lớn hơn 5 lần tốc độ âm thanh). Vì thế, Bulava được xem là thách thức lớn với bất kỳ hệ thống phòng thủ tên lửa nào khi nó mang theo sức tàn phá gấp 100 lần quả bom hạt nhân Mỹ đã thả ở Hirosima (Nhật Bản) năm 1945.

Theo HNM

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=303
Quay lên trên