“Bí quyết” giữ chân người lao động

Cập nhật: 11-10-2021 | 19:30:49

(BDO) Trong khi nhiều doanh nghiệp (DN) đang lo thiếu lao động khi trở lại sản xuất sau dịch bệnh thì một số DN không lo lắng gì vì không có công nhân nào bỏ về quê. Bởi, họ đã có phương án giữ chân người lao động (NLĐ) trước dịch bằng những chính sách chăm lo chu đáo, xem NLĐ là “tài sản” quý cần giữ gìn.

Ở nhà vẫn được hưởng 70% lương

Những ngày giữa tháng 7, khi dịch bệnh xảy ra trên nhiều xã, phường của TX.Bến Cát, anh Lê Quang Nguyên, cán bộ kỹ thuật Công ty TNHH Yazaki EDS (Mỹ Phước) cũng có nỗ lo chung như bao NLĐ khác. Nếu phải ngừng việc thì lấy đâu ra tiền để sống và trả tiền thuê nhà trọ. Dù tranh thủ đăng ký vào làm việc theo phương án sản xuất “3 tại chỗ”, nhưng công ty chỉ tuyển một số lao động cho từng bộ phận cần thiết, nên anh không được nhận vào làm, phải ở nhà chờ việc. Và rồi, nỗi lo ấy sớm tan biến khi tháng đầu tiên ở nhà, anh nhận được chuyển khoản 70% lương, với khoảng 6 triệu đồng/tháng. Những tháng sau đó dù không đi làm, vẫn nhận đều số tiền ấy.

 Nhờ chuẩn bị tốt phòng, chống dịch Covid-19 nên Công ty Cổ phần nhưa Thiếu niên Tiền phong không có NLĐ bị nhiễm Covid-19; cùng với đó là sự chăm lo chu đáo mọi mặt cho NLĐ

Anh Nguyên tâm sự: “Phải nói là chúng tôi rất may mắn khi được làm việc dưới “mái nhà” Yazaki. Bên cạnh 70% lương cơ bản, NLĐ chúng tôi còn nhận được các hỗ trợ khác của Công đoàn công ty, tiền thanh toán phép năm. Cộng tất cả các khoản ấy, trong nhiều tháng qua chúng tôi sống tốt mà không phải lo nghĩ gì. Bản thân tôi rất muốn vào làm việc “3 tại chỗ”, muốn góp một phần công sức cho DN của mình, nhưng vì nhu cầu sản xuất không lớn nên tôi mới ở nhà. Qua tìm hiểu, tôi cũng được biết các khoản lương, thưởng cho những người không tham gia “3 tại chỗ” vẫn có như mọi năm. Nói chung, việc chăm lo đời sống cho NLĐ của công ty tôi như thế là quá tốt. Những ngày qua, tôi biết có rất nhiều công nhân đã rời Bình Dương về quê, nhưng công nhân của Yazaki thì không có ai bỏ DN. Đơn giản vì khi DN chăm lo cho NLĐ, thì NLĐ sẽ gắn bó với DN. Đó không đơn thuần là thu nhập, mà còn thể hiện tình người, sự quan tâm của ông chủ và người làm khi gặp khó khăn”.

Chị Nguyễn Thị Lan, công nhân Công ty TNHH Shyang Hung Cheng (TP.Thuận An) cũng có suy nghĩ tương tự. Sau khi nghỉ khai sản thì dịch bệnh ập đến, chị xin ở nhà chăm con. Nhiều tháng nay, mỗi tháng bình quân nhận được chuyển khoảng 50% mức lương cơ bản. “Do tôi mới vào làm việc tại công ty, nên mức lương của tôi còn thấp. Trong những ngày thực hiện giãn cách phòng, chống dịch, tôi nhận hơn 2 triệu lương cơ bản, tuy không nhiều nhưng cũng có tiền mua rau, gạo và các nhu yếu phẩm cần thiết sống qua ngày. Mấy tháng qua, công ty cũng quan tâm, hỏi thăm đời sống người lao động, nếu ai quá khó khăn thì giúp đỡ thêm. Có chương trình rà soát tổng thể xem ai về quê để sắp xếp đi làm trở lại. Dịch bệnh xảy ra là điều không ai mong muốn, DN cũng gặp nhiều khó khăn không riêng gì NLĐ. Tuy nhiên, khi NLĐ nhìn thấy được thiện chí của DN, họ sẽ có cách nhìn khác mà không từ bỏ DN của mình lúc khó khăn nhất”.

Còn anh Lò Văn Toàn, Công ty Cổ phần nhựa Thiếu niên Tiền phong phía Nam (KCN Đồng An 2), cho biết đến lúc này, không có bất cứ công nhân nào của công ty mình bỏ về quê, vì công ty đã chăm lo quá tốt cho người lao động. Với những người do bận việc gia đình và không vào công ty làm việc “3 tại chỗ”, công ty hỗ trợ 70% mức lương cơ bản, một số tiền không nhỏ trong ngày dịch bệnh, như thế còn gì bằng. Công đoàn công ty còn gọi hỏi thăm, xem có đau ốm gì để trợ giúp, nên cảm thấy hạnh phúc rất nhiều. Còn mấy ngày nữa tất cả người lao động vào công ty làm việc trở lại.

Lo trọn gói khi công nhân bị bệnh

Bên cạnh cho hưởng mức lương từ 50-70% mức lương cơ bản, nhiều DN còn lên phương án chuẩn bị chu đáo cho NLĐ, nếu không may họ bi nhiễm bệnh. Mực hỗ trợ tối đa cho 1 trường hợp dương tính Covid-19 lên đến 35 triệu đồng.

Ông Nguyễn Văn Lương, Tổng Giám đốc Công ty Esquel, KCN VSIP (TP.Thuận An), cho biết, việc giữ chân NLD là yếu tố sống còn của DN. May mắn cho chúng tôi là đã có phương án cho việc này từ đầu, nên không bị động khi quay lại sản xuất. Trong suốt thời gian dịch bệnh, công ty chúng tôi cố gắng duy trì kết nối với các nhà sản xuất, thực hiện “3 tại chỗ” để không bị đứt gãy chuỗi cung ứng. Riêng tại Bình Dương, nhà máy vẫn hoạt động suốt trong thời gian dịch bệnh, tạo việc làm cho cả ngàn lao động. Với 150 nhân viên làm việc tại nhà, vẫn hưởng đủ 100% mức lương. Với người lao động có con nhỏ hay bận việc gia đình, không thể vào nhà máy làm việc, 14 ngày đầu họ nhận đủ 100% lương cơ bản theo quy định. Những ngày sau đó, công ty cho hưởng từ 30-50% mức lương cơ bản cho gần 4.000 lao động. Bên cạnh đó, còn NLĐ còn được trợ cấp bằng nguồn quỹ riêng của công ty là 300.000 đồng/người. Những NLĐ bị Covid, công ty hỗ trợ từ 5 đến 30 triệu đồng/người tùy theo hoàn cảnh.

“Công ty thường xuyên kết nối với NLĐ để tìm hiểu tâm tự nguyện vọng, những khó khăn gặp phải; mời bác sĩ tư vấn cho NLĐ cách thức phòng, chống dịch khi cần, kế hoạch tiêm chủng vắc xin. Thường xuyên thông tin kế hoạch khôi phục sản xuất, vì thế công nhân bỏ về quê rất ít, dưới 5%, nên không ảnh hưởng lớn. Tôi vui mừng khi dịch bệnh trên địa bàn tỉnh đã được kiểm soát. DN chúng tôi cũng đã có kế hoạch phòng, chống dịch tại nhà máy rất tốt trong những ngày tới với tinh thần sản xuất phải bảo đảm an toàn cho NLĐ”, ông Lương nói.

Có thể nói, việc chăm lo tốt đời sống NLĐ là yếu tố sống còn của các DN, như thế sẽ không lo đến chuyện thiếu hụt nhân lực lao động. Khi NLĐ được quan tâm, họ sẽ toàn tâm cống hiến cho DN của mình.

Ông Nguyễn Ngọc Tâm, Phó Tổng giám đốc Công ty Cổ phần nhựa Thiếu niên Tiền phong Phía Nam, cho rằng: “DN phải xem NLĐ là “tài sản” quý, là sự sống còn của DN, như thế DN mới ổn định và phát tiển. Do thực hiện tốt phòng, chống dịch, nên rất may công ty chúng tôi không ai bị dính Covid. Tuy nhiên trước đó, chúng tôi có phương án cụ thể, đó là liên hệ bác sĩ riêng để tư vấn cho những NLĐ bị bệnh thông thường khi làm việc “3 tại chỗ” hoặc không may dính Covid. Với NLĐ không tham gia 3 tại chỗ, chúng tôi cho hưởng 70% lương cơ bản, gọi điện cho các khu nhà trọ nơi họ sống để giảm và miễn tiền thuê trọ. Theo kịch bản ứng phó với dịch bệnh, công ty chuẩn bị một khu cách ly điều trị F0 nếu không may có NLĐ bị dính dịch bệnh Covid-19, đồng thời liên hệ với một cơ sở y tế có uy tín để điều trị cho NLD và trả toàn bộ chi phí với khoảng 20 triệu đồng/người".

Quang Tám   

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=1625
Quay lên trên