Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Văn Tiết (1946-1948): Một lòng sắc son vì nước, vì dân

Cập nhật: 31-01-2013 | 00:00:00

   Bàn thờ đồng chí Nguyễn Văn Tiết tại đền Bình Nhâm

 Đồng chí Nguyễn Văn Tiết sinh năm 1909 (Kỷ Dậu), cha là Nguyễn Văn Viết, mẹ là Lê Thị Biên. Quê quán xã Bình Nhâm, huyện Lái Thiêu, tỉnh Thủ Dầu Một (nay là TX.Thuận An, tỉnh Bình Dương). Tuy nhà nghèo, nhưng đồng chí được cha mẹ cho đi học và đã thi đậu tiểu học Trường cộng đồng Nam Châu Thành (nay là trường Tiểu học Nguyễn Du, phường Phú Cường). Về sau đồng chí theo học các thầy giáo dạy học trò ở làng.

Năm 1926, khi còn học tại trường Nam Châu Thành, dưới sự hướng dẫn của các thầy giáo, đồng chí cùng nhiều học sinh của trường tham dự đám tang nhà yêu nước Phan Bội Châu. Năm 1927, đồng chí tham gia Hội kín yêu nước của Nguyễn An Ninh. Sau khi trở thành hội viên, đồng chí cùng với các hội viên tham gia nhiều hoạt động tiến bộ như tìm cách giúp đỡ những người nghèo khổ, thành lập các nhóm đọc sách báo tiến bộ để tìm hiểu hoạt động yêu nước của các nhà hoạt động cách mạng.

Năm 1928, sau khi Nguyễn An Ninh bị bắt, đồng chí tham gia hội viên của nhóm đảng viên Tân Việt Đảng do đồng chí Lê Trọng Khôi tổ chức. Từ cuối năm 1929 đến đầu năm 1930, phong trào yêu nước cùng với những nhận thức về cách mạng xã hội chủ nghĩa đã ảnh hưởng sâu sắc đến con đường cách mạng của đồng chí, đồng chí gia nhập nhóm thanh niên của Chi bộ An Nam cộng sản Đảng xã Bình Nhâm (tỉnh Gia Định) và tích cực tham gia phong trào đấu tranh của nông dân vùng Lái Thiêu. Tháng 8-1930, đồng chí được kết nạp vào Đảng tại Chi bộ cộng sản Bình Nhâm, là một trong những đảng viên đầu tiên của Chi bộ Bình Nhâm.

Ngày 7-11-1930, nhân kỷ niệm lần thứ 13 ngày Cách mạng tháng Mười Nga thành công, đồng chí được giao nhiệm vụ diễn thuyết cho gần 200 quần chúng xã Thuận Giao về mục đích, ý nghĩa ngày cách mạng vĩ đại này. Sau buổi diễn thuyết, đồng chí kêu gọi mọi người hãy tích cực đấu tranh đòi quyền dân sinh dân chủ, đoàn kết chống lại sự nô dịch áp bức của thực dân đế quốc. Do bị chỉ điểm, thực dân Pháp cho lính đến bắt, chúng đưa đồng chí ra tòa án Sài Gòn kết án 5 năm tù, đày ra Côn Đảo.

Tháng 4-1936, Mặt trận Bình dân Pháp mà Đảng Cộng sản Pháp là nòng cốt giành được thắng lợi trong cuộc tổng tuyển cử. Tháng 6-1936, Chính phủ Mặt trận bình dân cầm quyền có Đảng Cộng sản Pháp tham gia ra đời đã ban hành một số quyền lợi cho quần chúng lao động trong nước và ở các nước thuộc địa. Một số đảng viên trong số 1.000 tù chính trị ở Côn Đảo được Chính phủ bình dân Pháp “ân xá”, đồng chí được trả tự do.

Sau khi ra tù, đồng chí tiếp tục tham gia hoạt động cách mạng, quý II năm 1937, đồng chí cùng Chi bộ Phú Cường vận động thợ thủ công các làng Phú Cường, Phú Thọ, Chánh Mỹ làm đơn lên Quận trưởng Châu Thành xin lập Hội Ái hữu. Nhờ những hoạt động của hội mà nông dân, thợ thủ công, công nhân, tiểu thương dấy lên nhiều cuộc đấu tranh đòi quyền lợi thiết thực về cơm áo, tự do đang bị kẻ thù vi phạm. Từ năm 1938 đến năm 1940, đồng chí cùng các đồng chí cấp ủy Đảng Thủ Dầu Một xây dựng, củng cố Chi bộ Lái Thiêu, Dầu Tiếng. Đặc biệt, trong cuộc tổng khởi nghĩa giành chính quyền tháng Tám năm 1945.

Tháng 3-1946, thực hiện Chỉ thị của Xứ ủy Nam bộ, Ban Chấp hành lâm thời Thủ Dầu Một được công nhận chính thức và bầu đồng chí Nguyễn Văn Tiết làm Bí thư Tỉnh ủy, kiêm Tổng thư ký Bộ Việt Minh. Trong thời gian này, đồng chí đã sáng lập ra tờ báo “Tiến lên” và kiêm chủ nhiệm tờ báo. Trong suốt những năm đầu kháng chiến, tờ báo do đồng chí phụ trách đã góp phần tích cực tuyên truyền, cổ động toàn quân, toàn dân vượt qua mọi khó khăn, kiên quyết theo Đảng kháng chiến đến thắng lợi.

Tháng 9-1947, Quân khu 7 chỉ định đồng chí làm Tỉnh đội trưởng Thủ Dầu Một. Sau khi đảm nhiệm thêm cương vị mới, đồng chí đã cùng với các đồng chí trong Đảng đề ra nhiều biện pháp đẩy mạnh phong trào kháng chiến với tinh thần “Thi đua ái quốc”. Các phong trào xây dựng lực lượng ba thứ quân chiến đấu, sản xuất tự cung, tự cấp, đóng thuế nuôi quân được nhân dân tích cực hưởng ứng.

Ngày 19-4-1948, đồng chí cùng đoàn công tác đến ấp Bình Đức, xã Bình Hòa, huyện Lái Thiêu thì lọt vào ổ phục kích của quân Pháp. Trong cuộc chiến đấu không cân sức đó, đồng chí bị trúng đạn và hy sinh anh dũng. Thường vụ Tỉnh ủy quyết định lấy tên đồng chí đặt tên cho Tiểu đoàn 902. Sau ngày giải phóng 30- 4-1975, hài cốt của đồng chí được đưa về Nghĩa trang liệt sĩ tỉnh.

Nhân dân Bình Dương nói chung, nhân dân Thuận An nói riêng sẽ không bao giờ quên người cán bộ lãnh đạo mang tên Nguyễn Văn Tiết, người học trò thấm nhuần sâu sắc tư tưởng cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Và tự hào thay khi trụ sở CIC 3-2 nằm trên chính con đường ghi tên vị anh hùng Nguyễn Văn Tiết.

Đồng chí Nguyễn Văn Tiết giữ chức Bí thư Tỉnh ủy Thủ Dầu Một từ 1946-1948. Đồng chí được công nhận là liệt sĩ và được tặng thưởng “Huy hiệu Nam bộ Kháng chiến”. Hiện tại, liệt sĩ Nguyễn Văn Tiết được thờ cùng 5 đảng viên tiền bối của Chi bộ Cộng sản đầu tiên của Thủ Dầu Một tại đền Bình Nhâm, TX.Thuận An, tỉnh Bình Dương.

HỒ THỊ NAM

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=2283
Quay lên trên