Bí thư Tỉnh ủy Thủ Dầu Một Văn Công Khai (1943-1945): Mãi mãi tỏa sáng

Cập nhật: 30-01-2013 | 00:00:00

 Nhớ lại một thời chiến đấu hào hùng trong cuộc khởi nghĩa giành chính quyền ở Thủ Dầu Một, chúng ta không khỏi tự hào nhắc về những người con đất Thủ dũng cảm, mưu lược. Một trong những người chiến sĩ cách mạng trung kiên đó chính là đồng chí Văn Công Khai, Bí thư Tỉnh ủy thời kỳ 1943-1945.

 Đồng chí Văn Công Khai tên thật là Tạ Văn Khái, sinh năm 1909 ở xóm cầu Ông Cộ, làng An Phú, tổng Bình Phú, quận Châu Thành, tỉnh Thủ Dầu Một (nay là xã Tân An, TP.Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương). Trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, đặc biệt trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, đồng chí là một trong những nhà lãnh đạo đã trải nghiệm, tôi luyện trong thử thách, vượt qua mọi gian khổ, hy sinh tích cực tham gia các phong trào đấu tranh của thợ thuyền và các tầng lớp nhân dân, luôn đi sát cơ sở, sát phong trào, lãnh đạo quần chúng nhân dân đấu tranh chống lại chính sách hà khắc của thực dân Pháp xâm lược.

Xuất thân từ gia đình nghèo, đồng chí chỉ học hết tiểu học rồi đi làm thuê. Năm 1926, đồng chí vào làm thuê cho đồn điền cao su Dầu Tiếng, nơi mà quyền tự do của con người hầu như không có. Không chịu được cuộc sống “địa ngục trần gian”, đồng chí chuyển sang làm nghề khác. Năm 1927, đồng chí về Sài Gòn làm nghề cắt tóc. Tại đây, đồng chí được giác ngộ cách mạng và tham gia Hội Ái hữu nghiệp đoàn sống cùng anh em thợ thuyền. Đồng chí càng thấm thía nỗi cơ cực của những người cần lao và tích cực tham gia các cuộc đấu tranh do chi bộ cộng sản nghiệp đoàn tổ chức.

Trên địa bàn Thủ Dầu Một, trong năm 1936, dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy, nhiều phong trào đấu tranh của hàng ngàn công nhân, nông dân, tiểu thương, tiểu chủ, thầy giáo, công chức diễn ra sôi nổi. Tiếp theo đó, hàng vạn quần chúng nhân dân nô nức tham gia cuộc vận động tổ chức Đông Dương Đại hội nhằm mục đích đòi chính quyền phải thi hành những cải cách dân chủ và cải thiện đời sống cho dân chúng giành thắng lợi. Qua phong trào, lần đầu tiên, cán bộ, đảng viên tiến hành trên nhiều làng và các thị trấn, thị xã. Nhiều cuộc đấu tranh

 thực hiện được yêu sách thiết thực, gây được phong trào “dân nguyện” mà thực chất là chiến dịch tố cáo tội ác của bọn phản động Pháp, điều đó đã làm cho ảnh hưởng của Đảng tăng lên nhanh chóng ở các quận phía nam và phía bắc. Nhưng kết quả quan trọng nhất là qua phong trào, các tổ chức Đảng ở cơ sở được củng cố và phát triển mạnh. Cuối năm 1936, đồng chí trở về và tham gia hoạt động cách mạng ở đồn điền cao su Dầu Tiếng. Thời gian này, trên địa bàn Thủ Dầu Một thành lập rất nhiều chi bộ Đảng mới được thành lập như Chi bộ Lò Chén Phú Cường (Châu Thành), Chi bộ Bình Nhâm, An Sơn, An Thạnh (Lái Thiêu), Tân Khánh (Tân Uyên). Tại Dầu Tiếng có chi bộ đồn điền cao su Dầu Tiếng với 3 đảng viên gồm Nguyễn Văn Tiết, Văn Công Khai, Nguyễn Văn Chiểu.

Tháng 6-1939, đồng chí cùng các đồng chí Nguyễn Văn Lộng, Nguyễn Thành A… bị thực dân Pháp bắt và đưa ra xử trước tòa đại hình Sài Gòn. Tại tòa đồng chí dõng dạc vạch trần tội của thực dân Pháp đã tước đoạt trắng trợn các quyền dân sinh, dân chủ đối với nhân dân và công nhân ta trong các đồn điền, xí nghiệp do chúng làm chủ; đồng thời tố cáo các tội ác của bọn phản động Pháp, ông nói: “Đấu tranh đòi tự do, dân chủ là một cái quyền, không phải là một cái tội, chúng tôi có làm điều lệ cho anh em thợ xin lập Hội Ái hữu...”. Trước những lý lẽ sắc bén của đồng chí và sự đấu tranh mạnh mẽ của các Hội Ái hữu, thực dân Pháp phải trả tự do cho đồng chí và nhiều đảng viên khác.

Tháng 9-1939, Chiến tranh thế giới thứ hai bùng nổ. Ở Đông Dương, thực dân Pháp đàn áp khốc liệt phong trào cách mạng do Đảng lãnh đạo. Trước tình hình đó, tháng 11-1939, tại Bà Điểm (Hóc Môn, Gia Định), Ban Chấp hành Trung ương Đảng họp Hội nghị lần thứ 6 quyết nghị: Giải phóng dân tộc là nhiệm vụ hàng đầu của cách mạng Đông Dương. Chấp hành sự chỉ đạo chuyển hướng chiến lược của Trung ương Đảng, tháng 7-1940, Hội nghị Xứ ủy Nam kỳ chủ trương khởi nghĩa trên toàn Nam bộ. Thực hiện chủ trương của Xứ ủy, đồng chí cùng với Ban Chấp hành Tỉnh ủy lãnh đạo nhân dân củng cố các tổ chức quần chúng cách mạng; thành lập Ban khởi nghĩa, các đội tự vệ chiến đấu, các đơn vị nghĩa quân sắm sửa vũ khí, luyện tập quân sự. Do kế hoạch khởi nghĩa bị lộ nên lệnh khởi nghĩa không được thực hiện thống nhất; thực dân Pháp đã bố trí lực lượng và kế hoạch đàn áp từ trước. Hàng loạt cán bộ Xứ ủy, Tỉnh ủy và các cấp bị bắt. Cuộc khởi nghĩa bị dìm trong biển máu.

Trước hành động khủng bố tàn khốc của địch, đồng chí rút về làng 1 đồn điền cao su Dầu Tiếng hoạt động bí mật đồng thời vận động công tác củng cố xây dựng Đảng. Sau khi bắt liên lạc với cấp ủy cũ tại Sài Gòn, đồng chí cùng với một số đảng viên khác tích cực tập hợp lực lượng chờ thời cơ mới.

Mùa xuân năm 1943, Hội nghị tái lập Tỉnh ủy Thủ Dầu Một bí mật tổ chức tại làng 1 Sở cao su Dầu Tiếng, đồng chí được bầu làm Bí thư Tỉnh ủy, các ủy viên gồm: Nguyễn Văn Thị, Nguyễn Văn Trung. Sau hội nghị tái lập Tỉnh ủy, đồng chí Văn Công Khai cùng các ủy viên Tỉnh ủy tích cực lãnh đạo toàn Đảng, toàn dân gấp rút chuẩn bị khởi nghĩa giành chính quyền.

Đêm 23-8-1945, Hội nghị mở rộng được tổ chức tại Bưng Cầu thuộc làng Tương Bình Hiệp do đồng chí Văn Công Khai, Bí thư Tỉnh ủy chủ trì. Hội nghị quán triệt Nghị quyết của Đảng về tổng khởi nghĩa và ra lời kêu gọi: cán bộ, đảng viên, các đoàn thể cứu quốc, đơn vị tự vệ, đồng bào hãy đoàn kết, nhất trí giành chính quyền nhanh gọn, thắng lợi hoàn toàn trong ngày 25-8-1945. Ngay sau đó, Ủy ban khởi nghĩa được thành lập, đồng chí Văn Công Khai, Bí thư Tỉnh ủy làm Trưởng ban khởi nghĩa.

Sau khi giành chính quyền thắng lợi ở các quận trong tỉnh ngày 24-8- 1945, đêm 24-8-1945, lực lượng cách mạng các làng, xã, các quận tiến về thị xã. Sáng 25-8-1945, hơn 5 vạn quần chúng cùng 500 cán bộ, chiến sĩ các đơn vị bán vũ trang đã đứng chật trên các đường của thị xã. Đến 7 giờ, một cuộc mít tinh lớn được tổ chức trọng thể trước tòa thị chính quận Châu Thành (xã Phú Cường). Sau khi làm lễ chào cờ, đồng chí Văn Công Khai, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng ban khởi nghĩa đọc diễn văn, tuyên bố chính thức chính quyền về tay nhân dân.

Cách mạng Tháng Tám thành công, đồng chí Văn Công Khai đã cùng Ủy ban Nhân dân cách mạng lâm thời trực tiếp chỉ đạo xây dựng chính quyền cách mạng và lực lượng vũ trang ở Thủ Dầu Một.

Tháng 3-1946, đồng chí Nguyễn Đức Thuận, Đặc phái viên của Xứ ủy đến Thủ Dầu Một triệu tập cuộc họp bất thường gồm những cán bộ chủ chốt của tỉnh. Hội nghị đã chỉ định Tỉnh ủy Thủ Dầu Một gồm 7 đồng chí do đồng chí Nguyễn Văn Tiết làm Bí thư; đồng chí Văn Công Khai làm Phó Bí thư. Ngày 26-5-1947, trong một lần đi công tác cùng với đoàn cán bộ tỉnh từ vùng Lái Thiêu đến xã Đồng An, đoàn công tác của đồng chí bị Pháp phục kích.

Đồng chí Văn Công Khai trúng đạn và anh dũng hy sinh khi mới tròn 38 tuổi. Cuộc đời tuy ngắn ngủi nhưng đồng chí đã cống hiến trọn đời mình cho sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta, cho lý tưởng cao đẹp của Đảng. Sự ra đi của đồng chí là tổn thất của phong trào cách mạng tỉnh nhà nhưng chân dung đồng chí - người chiến sĩ cách mạng hết lòng vì sự nghiệp đấu tranh, giải phóng dân tộc của đồng chí vẫn mãi mãi tỏa sáng.

• HỒ THỊ NAM

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên