Những năm gần đây, nắng nóng, hạn hán cùng lũ lụt bất thường đã khiến nhiều nước châu Phi, Trung Đông rơi vào cảnh kiệt quệ, đói kém- một trong những nguyên nhân chính gây ra nội chiến, xung đột vũ trang và chủ nghĩa khủng bố.
“Thế giới đang phải đối mặt với hai thách thức có mối liên hệ khăng khít với nhau, đó là biến đổi khí hậu và chủ nghĩa khủng bố. Những thảm họa do biến đổi khí hậu gây ra là tình trạng đói nghèo và bất ổn chính trị. Đó là môi trường lý tưởng nuôi dưỡng chủ nghĩa khủng bố quốc tế”- Tổng thống Pháp Francois Hollande nhấn mạnh tại Hội nghị Biến đổi Khí hậu Liên Hợp Quốc (COP21) hôm 30-11 tại Paris, nơi vừa xảy ra vụ khủng bố khiến 150 người thiệt mạng, hàng trăm người khác bị thương.
Theo ông Charles B. Strozier, Giáo sư lịch sử thuộc Đại học New York, giám đốc một trung tâm nghiên cứu về khủng bố, tình cảnh ở Syria hiện nay là điển hình của chuỗi hệ lụy kéo dài, liên đới giữa việc trái đất nóng lên, hạn hán, bất ổn chính trị, sự ra đời của phiến quân Nhà nước Hồi giáo (IS) và chủ nghĩa khủng bố quốc tế tàn bạo thách thức cả thế giới.
Syria từng là một nước phát triển thịnh vượng ở Trung Đông trong những năm 1990 với chế độ phúc lợi xã hội cao. Tại những thành phố lớn, các nhóm sắc tộc và tôn giáo cùng nhau sống hài hòa. Cho đến giữa những năm 2006 - 2009, nước này chịu thiệt hại nặng nề bởi những đợt hạn hán tồi tệ nhất trong lịch sử hiện đại.
Thay đổi khí hậu gây hạn hán khiến 2 triệu người dân Syria đói ăn.
Theo Cục Quản lý Đại dương và Khí quyển Quốc gia Mỹ (NOAA), đợt hạn hán này là kết quả của tình trạng biến đổi khí hậu dẫn đến nhiệt độ tăng cao và nguyên nhân chủ yếu là do con người. Nghiên cứu của NOAA cho thấy, nhiệt độ tại đây ngày càng cao là do lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính trong khu vực liên tục gia tăng trong những năm qua.
Cùng với việc quản lý nguồn nước yếu kém và sự thiếu quan tâm của chính quyền, hạn hán đã làm kiệt quệ nền nông nghiệp ở các tỉnh đông bắc Syria. 75% mùa màng mất trắng và 80% số gia súc bị chết. Khoảng 1,5 triệu gia đình nông dân phải đi tìm việc làm và thực phẩm ở các thành phố, gia nhập đội ngũ cùng hàng triệu người tị nạn tới từ Palestine và Iraq. Tình cảnh khốn cùng của những người nông dân từ đó càng làm dâng cao nỗi bất bình đối với chính quyền Tổng thống Syria Bashar al-Assad.
Theo ông Ingrid Metton, luật sư thuộc Trung tâm Nghiên cứu khủng bố Mỹ John Jay, nghèo đói và bất công còn làm bùng phát các cuộc biểu tình chống đối chính quyền vào năm 2011. Đây là môi trường lý tưởng để IS phát triển và bành trướng. Xét trên khía cạnh địa lý, hầu hết những vùng đất do IS chiếm đóng và kiểm soát hiện đều bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi các đợt hạn hán từ năm 2006 - 2009. Theo thời gian, sự suy yếu của chính quyền tạo điều kiện cho các nhóm phiến quân, cụ thể là IS, tuyển mộ thêm nhiều thành viên và tiến hành các hoạt động khủng bố trên phạm vi toàn cầu.
Ngay từ năm 2007, Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Ban Ki-moon đã nhận thức được sự nghiêm trọng của tình trạng biến đổi khí hậu khi nhấn mạnh, chính nó là một trong những nguyên nhân gây ra cuộc khủng hoảng nhân đạo tại Darfur, Sudan, làm hơn 50.000 người thiệt mạng, hơn một triệu người phải rời bỏ nhà cửa.
Hồi tháng 10, phát biểu tại Norfold, căn cứ hải quân lớn nhất thế giới của Mỹ, nằm trên đường Hampton, một khu vực bị đe dọa vì mực nước biển dâng cao, Ngoại trưởng John Kerry cho biết, biến đổi khí hậu rất quan trọng với an ninh quốc gia vì nó góp phần tạo ra các điều kiện để chủ nghĩa cực đoan nở rộ.
Theo ông Kerry, biến đổi khí hậu tại Nigeria không trực tiếp tạo ra nhóm khủng bố Boko Haram, nhưng hạn hán nghiêm trọng và sự bất lực của chính phủ trong việc đối phó với thiên tai đã gây nên sự bất ổn chính trị và kinh tế mà phiến quân có thể lợi dụng để hoành hành.
Đầu năm nay, bản báo cáo của Ủy ban Liên chính phủ về biến đổi khí hậu (GIEC) đánh giá, biến đổi khí hậu sẽ gián tiếp làm gia tăng các nguy cơ nội chiến, xung đột bạo lực, xung đột sắc tộc và biểu tình bạo động tại các quốc gia mà nhà nước còn non kém, như phần lớn các nước ở châu Phi, Trung Đông cùng một số quốc gia Nam Á.
Ở những nước này, nạn hạn hán, lũ lụt nghiêm trọng hay giá thực phẩm tăng cao dường như là một thách thức đầy khó khăn đối với chính phủ. Và nơi nào chính quyền bất lực thì các cuộc xung đột sẽ nảy sinh và từ đó lan rộng tới các quốc gia non yếu khác, gây ra bất ổn trên toàn khu vực. Ngày càng có nhiều quốc gia như vậy, có thể kể đến như Libya, Iraq, Yemen, Afghanistan, Cộng hòa Trung Phi, Somalia, Kenya hay Mali. Tất cả đều mất khả năng kiểm soát các phần lãnh thổ của mình, dẫn đến tình trạng mất ổn định trên diện rộng.
Theo ông Nicolas Hulot, nhận thức được điều trên, các nhà nghiên cứu quốc tế những năm gần đây thành lập hẳn một ngành khoa học nghiên cứu sự phụ thuộc lẫn nhau giữa hai hiện tượng biến đổi khí hậu và bất ổn chính trị.
"Trong những năm 80, chúng ta không hề nhắc đến vai trò của biến đổi khí hậu khi đề cập tới các vấn đề an ninh và địa chính trị quốc tế, nhưng mối liên hệ giữa hai hiện tượng này đang ngày càng rõ nét", báo chí dẫn lời ông Hulot nói trong một cuộc hội thảo về biến đổi khí hậu và an ninh quốc phòng diễn ra cách đây chưa lâu.
Bill Nye - một diễn viên nổi tiếng, nhà khoa học, người dẫn chương trình phổ biến kiến thức trên truyền hình, nhà văn, kỹ sư cơ khí - từng nói về biến đổi khí hậu trong một cuốn sách mới mang tên Unstoppable. Ông đã bày tỏ quan điểm với Huffington Post về mối quan hệ giữa chủ nghĩa khủng bố và biến đổi khí hậu. "Bạn có thể lập luận rằng biến đổi khí hậu chẳng liên quan trực tiếp tới chủ nghĩa khủng bố. Nhưng thảm kịch tại Paris mới chỉ là sự khởi đầu của một tình trạng tồi tệ. Chúng ta để biến đổi khí hậu diễn ra càng lâu thì hoạt động khủng bố sẽ càng nhiều", ông nói.
John Sutter, một nhà báo gạo cội của CNN lại cho rằng, tình trạng ấm lên toàn cầu chính là một dạng khủng bố. Ông cho rằng nhân loại đang chứng kiến vô số biểu hiện của biến đổi khí hậu.
"2015 sẽ là năm nóng nhất mà giới khoa học từng ghi nhận. Một đợt nắng nóng ở Ấn Độ khiến 2.300 người chết trong mùa hè năm nay. Ô nhiễm không khí đang cướp nhiều sinh mạng. Những trận lụt tại Mỹ có thể trở nên nguy hiểm hơn do thủy triều đang cao hơn mức bình thường….", Sutter lập luận. Mặc dù vậy, theo Sutter, nhân loại lại đang phớt lờ những vấn đề dài hạn mang tính toàn cầu. "Chúng ta chỉ chú ý tới những hiện tượng diễn ra ngay trước mắt chúng ta", ông nói.
Theo CAND