Biển Đông: Học giả Nga nhấn mạnh giá trị pháp lý trong phán quyết PCA

Cập nhật: 16-07-2021 | 13:27:50

Các đơn vị của Bộ Tư lệnh Vùng 2 Hải quân huấn luyện trên biển. (Ảnh: TTXVN)

Phán quyết năm 2016 của Tòa Trọng tài thường trực (PCA) ở La Haye (Hà Lan) bác bỏ yêu sách phi lý của Trung Quốc về "các quyền lịch sử" đối với các vùng biển bao phủ 80% diện tích Biển Đông có ý nghĩa lớn trong tiến trình pháp lý ở Biển Đông.

Đây là nội dung chính của báo cáo chuyên đề “Tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông: Có hay không ánh sáng cuối đường hầm, hoặc triển vọng giải quyết xung đột” của Tiến sỹ Alexander Korolev và Tiến sỹ Irina Strelnikova, vừa được Trung tâm nghiên cứu quốc tế và châu Âu thuộc Trường Kinh tế Cao cấp của Nga (HSE) công bố.

Theo phóng viên tại Moskva, các tác giả của báo cáo cho rằng phán quyết được đưa ra dựa trên các chuẩn mực và nguyên tắc của luật pháp quốc tế, đồng thời khẳng định tính cần thiết của việc tuân thủ các quy tắc và nguyên tắc trong khu vực tranh chấp trên cơ sở Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982.

Theo nội dung báo cáo, mọi yêu sách của Trung Quốc liên quan đến “quyền lịch sử” ở Biển Đông không có giá trị pháp lý.

Bản báo cáo dài 18 trang cũng phân tích tình hình phức tạp ở Biển Đông, đồng thời đánh giá cao sự tích cực của một số nước thành viên Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) trong việc đưa ra các sáng kiến nhằm giải quyết tranh chấp, đề cao tầm quan trọng của sự đoàn kết, đồng thuận trong ASEAN và vai trò trung tâm của ASEAN trong đảm bảo an ninh khu vực.

Bình luận về phán quyết của PCA, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng nêu rõ: "Lập trường của Việt Nam về việc giải quyết các tranh chấp liên quan ở Biển Đông là rõ ràng và nhất quán, theo đó Việt Nam luôn ủng hộ việc giải quyết các tranh chấp về chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán ở Biển Đông thông qua các tiến trình ngoại giao và pháp lý, không sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực và bằng các giải pháp, biện pháp hòa bình phù hợp với Hiến chương Liên hợp quốc và Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (Công ước).

Với tư cách là quốc gia thành viên Công ước và quốc gia ven Biển Đông, Việt Nam đề nghị tất cả các bên liên quan tôn trọng và thực thi đầy đủ các nghĩa vụ pháp lý của mình được quy định trong Công ước, cùng nhau hợp tác, đóng góp tích cực, thiết thực vào việc duy trì hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không và trật tự ở Biển Đông dựa trên luật pháp quốc tế"./.

Theo TTXVN

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=556
Quay lên trên