Biết nghĩ, dám làm và... thành công

Cập nhật: 18-03-2022 | 10:23:42

Tháng 3, có một hoạt động rất thiết thực dành cho nữ giới là phong trào hướng nghiệp, khởi nghiệp, giới thiệu việc làm để cùng nhau tăng thu nhập. Chúng tôi muốn giới thiệu về các chị trong Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) TP.Dĩ An trong việc mạnh dạn chuyển hướng và họ đã thành công.


Chị Nguyễn Hoài Thương (bìa trái) luôn say mê với những sản phẩm thủ công mỹ nghệ và đã đạt được những kết quả rất đáng mừng

Bước ra thương trường

Đến xưởng in của chị Cao Thị Thắm ở khu phố Tân Thắng, phường Tân Bình, TP.Dĩ An, chúng tôi nhận thấy ở đây không khí làm việc rất khẩn trương. Chị Thắm cho biết do dịch bệnh, công việc có chững lại nhưng đơn hàng đặt in quần áo vẫn có đủ để làm. Công việc của chị là nhập quần áo thể thao, đồng phục, đồ mặc ở nhà rồi in theo yêu cầu của khách. Chữ, logo, hình ảnh... đủ các kiểu cách và chị luôn tìm tòi, học hỏi để làm vừa lòng khách hàng khó tính nhất.

Chia sẻ về nghề in quần áo hiện nay, chị Thắm cho biết: “Tôi quê Thanh Hóa vào Bình Dương đã được 16 năm. Như nhiều người xa quê đến Bình Dương lập nghiệp, tôi xin vào làm công nhân, tiếp đó làm cán bộ văn phòng của công ty nhưng quyết định nghỉ việc để tìm hướng đi riêng cho mình. Ban đầu chỉ là vừa đi làm vừa đem quần áo vào công ty bán thêm cho bạn bè nhưng sau đó tôi tập tành bán hàng online. Khi có thu nhập tốt, có nhiều đơn hàng sỉ và được chồng giúp đỡ trong phần thiết kế mẫu, tôi mạnh dạn nghỉ việc ở nhà mở xưởng in quần áo ngay tại nhà mình và phát triển xưởng in như ngày nay. Hiện tại, tôi có khoảng 40 đại lý nhận phân phối hàng, giúp chị em có công việc, tăng thu nhập nên tôi cảm thấy rất vui”.

Vượt qua những khó khăn ban đầu, hiện nay chị Thắm đã nhận rất nhiều đơn hàng từ các trường học, công ty trong và ngoài tỉnh. Chị luôn lắng nghe yêu cầu của khách hàng, giá cả rất bình dân nên khách hàng ngày càng đông. Rất chân tình, chị Thắm chia sẻ thêm, trong 40 đại lý lấy hàng của chị, có khoảng 20 đại lý làm ăn rất tốt, thu nhập khá. Số còn lại dừng ở mức tăng thu nhập với khoảng 5 - 6 triệu đồng/tháng. Tuy nhiên, đó cũng là khoản tiền cần thiết để hỗ trợ cho sinh hoạt của một gia đình trẻ. Chị luôn tìm nguồn hàng chất lượng, đơn hàng đặt in nhiều để có việc cho mọi người cùng làm.

Đến phường Tân Bình chúng tôi cũng đã được gặp lúc các thành viên vay vốn đến nhận vốn hỗ trợ khởi nghiệp từ các nguồn vốn ưu đãi. Họ phấn khởi khi được giúp đỡ nguồn vốn ban đầu để làm ăn. Bà Phạm Kim Yến, Chủ tịch Hội LHPN phường Tân Bình, cho biết hiện có 410 chị được hỗ trợ vay vốn với tổng số tiền hơn 25 tỷ đồng. Nhiều chị đã khởi nghiệp rất thành công và tạo việc làm cho 7 nhân công lao động. Cũng theo chị Yến, nguồn vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội cho phụ nữ khởi nghiệp khoảng 50 -100 triệu đồng/người/đợt. Các chị vay và quản lý vốn, phát triển ngành nghề tốt, hiệu quả rất cao.

Chuyển hướng vì đam mê

Chị Nguyễn Hoài Thương (sinh năm 1987 ở khu phố Tây A, phường Đông Hòa, TP.Dĩ An), cho biết chị đến với nghề thủ công mỹ nghệ rất tình cờ. Sau khi sinh đứa con thứ hai và cũng đã nghỉ làm nhân viên của trạm thu phí, chị tập trung cho niềm đam mê từ nhỏ của mình là đan, móc len, làm hoa… Bằng các nguyên liệu len, đất sét, sáp, gỗ, bình gốm sứ, chị đã làm thành những chiếc giỏ xách, bình hoa. “Mỗi sản phẩm làm 5 - 7 ngày nên tôi chỉ làm trong khi rảnh rỗi, sau khi đã làm xong việc nhà và chăm sóc 2 con nhỏ. Tôi còn nhớ những chậu hoa đầu tiên mình làm với thành phẩm chưa được như ý lắm nhưng đó là cả một… công trình rất lớn đối với mình. Khi làm được một chiếc giỏ với các họa tiết đẹp bằng len, tôi đưa lên trang Facebook cá nhân. Không ngờ bạn bè rất thích, mua và giới thiệu bán hàng giùm. Tiếp sau đó là những đơn hàng từ Mỹ, Ý, Hàn Quốc… làm cho tôi thêm tự tin và tiếp tục công việc với niềm đam mê của mình”, chị Thương chia sẻ.

Bà Huỳnh Thị Thu Hà, Chủ tịch Hội LHPN phường Đông Hòa, cho biết chị Thương cũng là thành viên vay vốn 100 triệu đồng từ Quỹ khởi nghiệp để vừa làm kinh doanh nhà trọ vừa theo đuổi đam mê với các mặt hàng mỹ nghệ của mình. Một chiếc giỏ làm thủ công giá từ 600.000 - 1,5 triệu đồng với những đường nét tinh tế sắc sảo rất được khách hàng ưa chuộng.

Chia tay chị Thương, chúng tôi đến với một người cũng hết lòng đam mê công việc của mình, đó là chị Phạm Thị Trung Trinh (sinh năm 1986), chủ nhân chuỗi cửa hàng Kalaa chuyên cung cấp sản phẩm từ thảo mộc thiên nhiên và nông sản sạch.

Chị Trung Trinh cho biết chị theo dòng sản phẩm này được 3 năm. Trước đây chị làm công việc thiết kế nội thất cho các công ty nước ngoài. Thu nhập từ công việc khá cao nhưng chị muốn tìm một hướng đi riêng. Từ một suy nghĩ rất tình cờ, rằng phụ nữ làm việc nhà suốt ngày, tiếp xúc với các hóa chất từ nước giặt tẩy, rửa chén, lau sàn đến cả mùi nhang khi thắp lên, nếu không chú ý đến hóa chất độc hại sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe. Đặc biệt là ở những căn nhà trọ ẩm thấp, thiếu ánh sáng, nếu không được vệ sinh kỹ thì càng ảnh hưởng đến sức khỏe của phụ nữ, trẻ em nhiều hơn nữa. Từ suy nghĩ đó chị đã tìm tòi đến dòng sản phẩm hữu cơ thân thiện với môi trường, đó là các loại tinh dầu để xông phòng làm việc, nước lau sàn, nhang thảo dược… Gần đây, chị Trinh mở rộng thêm mặt hàng nông sản sạch với sản phẩm chủ lực là giới thiệu gạo ST nổi tiếng cho những người nội trợ.

Khó khăn bước đầu về giá cả của dòng sản phẩm này cao hơn giá các loại phổ thông trên thị trường nhưng chị Trinh đã cùng nhân viên chịu khó đi tìm hiểu, tiếp cận khách hàng, mời dùng thử sản phẩm… Hiện nay, khách hàng biết đến nhiều hơn. Trong đợt dịch Covid-19 này, mọi người càng chú ý hơn đến chất lượng cuộc sống, đến việc làm sạch môi trường xung quanh thì công việc của chị Trinh thuận lợi hơn nhiều. Hiện tại, chuỗi cung ứng sản phẩm thảo mộc này đã có 20 đại lý và 30 cơ sở bán hàng. Chị Trinh cho biết sẽ tiếp tục phát triển mô hình “Ăn sạch - uống sạch - ở sạch” để giúp phụ nữ nâng cao sức khỏe về thể chất lẫn tinh thần, từ đó họ làm tốt hơn thiên chức của mình.

Thật may mắn khi được gặp những người phụ nữ mạnh dạn khởi nghiệp, tìm hướng đi riêng cho mình để nâng cao thu nhập, chủ động về kinh tế cho gia đình và hơn hết là để thỏa đam mê mà họ đã từng ấp ủ rất lâu và bây giờ họ đã thành công. Cùng với quyết tâm khởi nghiệp của những người phụ nữ trẻ là sự đồng hành hỗ trợ của Hội LHPN TP.Dĩ An, tất cả đã cùng nhau xác định một điều rằng: Một khi phụ nữ đã quyết tâm thì họ sẽ làm được.

Bà Chu Thị Thanh Thủy, Phó Chủ tịch Hội LHPN TP.Dĩ An cho biết Đề án 939 “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp” của Hội LHPN TP.Dĩ An giai đoạn 2018- 2025 đã triển khai với nhiều hoạt động thiết thực như tuyên truyền, hướng dẫn cán bộ, hội viên phụ nữ viết và triển khai ý tưởng khởi nghiệp; tổ chức các hoạt động nhằm hỗ trợ khởi sự, khởi nghiệp cho 1.542 chị em. Đến nay, đã thành lập và duy trì hoạt động 1 hợp tác xã, 7 tổ hợp tác với 42 thành viên; giới thiệu việc làm cho hơn 2.500 lao động nữ, tổ chức 157 lượt chị tham dự tập huấn các chương trình hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, xây dựng mô hình kinh tế hợp tác. Qua các hoạt động, tính đến nay đã có 45 ý tưởng về khởi sự, khởi nghiệp, 18 hội viên khởi nghiệp thành công và được hội hỗ trợ phát triển các dự án khả thi, số vốn vay trên 600 triệu đồng.

QUỲNH NHƯ

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=1180
Quay lên trên